vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
thi luận |
|
Vĩnh biệt nhà thơ “thôn ca” Đoàn Văn Cừ HỒNG DIỆU
Chiều 28-6-2004, các nhà văn quân đội chúng tôi về làng Đô Quan (Nam Trực, Nam Định), ngay sau khi biết tin nhà thơ Đoàn Văn Cừ từ trần. Con đường làng vốn đã nhỏ, lúc này càng trở nên chật chội bởi những ô tô, những xe máy, xe đạp… với rất nhiều vòng hoa. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ có biết bao nhiêu là bạn bè, bạn đọc và những người yêu mến! Có lẽ, không có những chữ nào thích hợp hơn những chữ nhà thơ thôn ca dành cho Đoàn Văn Cừ - “Thôn ca” như tên hai tập thơ của ông: một in trước Cách mạng (1944), một in sau Cách mạng (1960). Thôn ca có thể hiểu theo hai nghĩa: ca ngợi làng quê hay tiếng hát của làng quê, đều được. Thật vậy. Suốt cuộc đời mình, Đoàn Văn Cừ chủ yếu làm thơ về làng quê và chính là từ những bài thơ này, ông được các nhà nghiên cứu và phê bình văn học cũng như những người đọc biết đến từ rất sớm. Trong quyển Thi nhân Việt Nam nổi tiếng, in lần đầu năm 1941, Hoài Thanh (và Hoài Chân) đã từng viết: “Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu, bảy bài thơ. Bài nào cũng hay… Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng”. Tất nhiên, Đoàn Văn Cừ không chỉ có thơ Tết - dù trước hay sau Cách mạng. Ông còn viết nhiều nữa về làng quê: về cánh đồng, về ngày mùa, về mái nhà tranh, về xóm nhỏ, về bữa cơm quê, về phong tục của làng, về nỗi lo sợ của người làm ruộng trước cảnh hạn hán, gió mưa, bão táp hay trước cảnh sưu thuế (của thời trước). Đoàn Văn Cừ viết về ông bà, cha mẹ, anh em… và từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến nay, rất hay viết về sự đổi mới của nông thôn ta. Tuyển tập Đoàn Văn Cừ mỏng manh có một trăm trang - Nhà xuất bản Văn học in năm 1992 - mà đầy ắp cảnh quê, người quê, tình quê; trong đó có những bài, những câu về đất nước quê hương mà không nhà thơ nào có thể viết hay hơn. Chỉ lấy một thí dụ. Đã có ai có được mấy câu tuyệt vời như thế này về quan hệ giữa thời gian và tuổi tác con người: Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (1939) Rất nhiều những bài, những câu thơ Đoàn Văn Cừ, người đọc thấy chỉ có thể được viết từ một ngòi bút yêu đất nước, yêu con người, với một tình cảm say đắm và chân thật nhiều khi đến hồn nhiên. Theo như tôi biết, nhà thơ Đoàn Văn Cừ thuộc loại trí thức hiền lành, khiêm tốn vào bậc nhất. Ông ưa sống một cách nhẹ nhàng, yên tĩnh đến trầm lặng, không thích ồn ào, bon chen. Trước Cách mạng, ông dạy học ở quê, gửi thơ đăng báo và “ẩn mình” đến mức tác giả quyển Thi nhân Việt Nam nói trên đã mấy lần phải rao tin tìm kiếm. Lần đầu: “Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy”. Lần thứ hai: “Khi quyển sách này đưa in, chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người… Ông ở đâu, làm ơn cho chúng tôi biết”. Và lần thứ ba, khi tái bản, quyển sách lại ghi chú: “Vẫn chưa biết ông Đoàn Văn Cừ ở đâu”! Trong khi đó, tất cả các nhà thơ khác, tác giả Thi nhân Việt Nam đều đã biết địa chỉ để trao đổi thư từ, hay tìm gặp. Thật là độc đáo! Đoàn Văn Cừ rất hay nhắc đến một quan niệm của ông về việc làm thơ: “Làm thơ cũng như mọi nghề kinh doanh, có được và có mất: được nghĩa lớn, mất lao động, thời gian, máu lệ, tim óc”. Tôi được gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ lần đầu từ hơn mười năm trước, tại một đại hội của Hội văn nghệ tỉnh Nam Hà (bây giờ là hai tỉnh Nam Định, Hà Nam), sau khi đã đăng báo mấy bài bình luận thơ Đoàn Văn Cừ trước Cách mạng. Từ đó, ông coi tôi như người bạn vong niên. Hầu như không tháng nào ông không gửi thư cho tôi. (Và tôi biết, không chỉ riêng tôi; với một số bạn văn khác cũng thế. Có lẽ, sống ở một làng quê hẻo lánh, tuổi cao, không đi được xa, ông coi trao đổi thư từ với đồng nghiệp, với bạn bè là một nguồn thông tin có hiệu quả). Khi thì ông gửi bài cho tạp chí Văn nghệ quân đội theo “đơn đặt hàng” của tôi. Khi thì ông tặng mấy câu thơ mới làm. Khi thì ông “yêu cầu” tôi nhận xét, phê bình một bài thơ của ông. Khi thì ông nhờ tìm cho một bài thơ chữ Hán mà ông chỉ nhớ mấy câu. Khi thì ông ghi lại một danh ngôn… Và đặc biệt, cứ một năm mới sắp đến, ông lại có thiếp chúc Tết. Có những khi bận việc này, việc khác, tôi chưa kịp gửi thư trả lời, ông đã gửi tiếp một thư khác. Cuối mỗi thư, ông hay ghi nơi ông ở bằng những cái tên: Quê hương Nguyễn Hiền hoặc Thảo lư sông Ngọc… và tự gọi mình là cư sĩ, kẻ sĩ, kẻ sĩ chân đất, kẻ sĩ Nam Hà, kẻ sĩ miền Bắc… Tôi bằng tuổi con cháu nhà thơ, nhưng bao giờ ông cũng gọi tôi là bác, và mở đầu mỗi bức thư là thưa bác… Cùng với văn chương, nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng liên tục tham gia các hoạt động xã hội. Hồi 1936-1937, ông đã từng cùng công nhân nhà máy dệt Nam Định tham gia phong trào đấu tranh chống bọn chủ đánh đập công nhân, đòi tăng lương và thực hiện chế độ làm việc tám giờ một ngày. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa đầu tiên (1946-1948), là cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Phổ thông (Bộ Văn hóa), và sau này là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh (bây giờ là ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Đặc biệt, ông đã từng nhập ngũ, là đồng đội của những người lính chúng ta trong một thời gian dài, từ năm 1948, với tư cách một cán bộ văn nghệ, một người phiên dịch (tiếng Pháp) và làm công tác địch vận ở Liên khu Ba những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời gian này, ông có cả một tập phóng sự Quân dân Nam Định anh hùng chiến đấu (1953). Với một đời làm việc cần mẫn, hết lòng vì thơ, vì cách mạng, thọ đến 92 tuổi, nhà thơ Đoàn Văn Cừ có quyền yên nghỉ. Chỉ tiếc, mọi người không còn được đọc những bài thơ mới của ông. Và chúng tôi - những đồng nghiệp - không còn nhận được những bức thư của ông với tất cả những gì là tình nghĩa mà người đời có thể dành cho nhau. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đoàn Văn Cừ, Nhà thơ thôn ca! Báo QĐND
|
|
luận thơ |
|