vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  ngôn ngữ & dịch thuật



 

 


Tình hình dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở Trung Quốc thế kỷ 20

Trần Minh Sơn

(Tổng thuật)

Trong chương mở đầu có tiêu đề: Văn học đương đại Trung Quốc và thế giới của chuyên luận Hiện tượng văn học Thời kỳ mới, nhà nghiên cứu Trương Nhẫn có viết: “Những ảnh hưởng của việc tiếp nhận văn học và văn hóa ngoại lai ở Trung Quốc (TQ) đã đi theo con đường hình chữ “Chi”. Các đời Hán, Đường lúc thịnh từng chủ động du nhập văn hóa Phật giáo của Ấn Độ và văn học các nước, làm phong phú kho tàng văn hóa văn học dân tộc. Song cùng với sự suy bại của đế quốc phong kiến, một thời gian dài thi hành chính sách bế quan tỏa cảng. Đến thời cận đại, TQ vẫn không chủ động mở cửa, phải đến khi nếm đòn nã pháo của các cường quốc phương Tây, cánh cổng lớn mới chịu mở. Sau sự phá sản của “phong trào Dương vụ”, sự thất bại của “Biến pháp Mậu Tuất” (1898), tầng lớp trí thức TQ mới chuyển ánh mắt từ chỗ chú trọng đến những thay đổi chính trị của tầng lớp trên và Hoàng đế sang tầng lớp dưới và việc làm thay đổi linh hồn của quốc dân, chú ý đến việc hấp thu văn hóa tư tưởng tiến bộ của thế giới, nhất là đã coi văn học là bước đi tiên phong cho việc thay đổi tinh thần. Lịch sử lại chứng minh, những trào lưu, trường phái văn học và những chủ trương, khẩu hiệu văn học xuất hiện trong tiến trình văn học hiện đại và đương đại TQ luôn có mối liên hệ này nọ với sự ảnh hưởng của văn hóa văn học nước ngoài.


Quả vậy, theo Qua Bảo Quyền, ngay từ cuối đời Thanh, Lương Khải Siêu đề xướng phải “Cách mạng giới tiểu thuyết”, cho rằng tiểu thuyết là vũ khí lợi hại để cải lương chính trị, nên phải dịch và in tiểu thuyết chính trị, và đích thân dịch các cuốn Giai nhân kỳ ngộ...; Nghiêm Phục dịch Thiên diễn luận, đề xuất tiêu chuẩn dịch “tín, đạt, nhã”; Lâm Thư bắt đầu công việc dịch thuật bằng cuốn Trà hoa nữ, và trong suốt hơn 20 năm dịch tổng cộng trên 170 tác phẩm văn học Âu Mỹ; Lỗ Tấn dịch Du hành dưới mặt trăng, Du hành dưới lòng đất và biên dịch Hoặc ngoại tiểu thuyết tập, họ là những người đi tiên phong phiên dịch văn học nước ngoài ở TQ, song việc dịch giới thiệu lượng lớn văn học nước ngoài vào TQ chủ yếu là chuyện của sau phong trào Ngũ Tứ.


Trước khi trình bày thực trạng dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở TQ từ sau Phong trào Ngũ Tứ, chúng tôi muốn giới thiệu đôi chút về dịch giả Lâm Thư, một hiện tượng trong làng dịch thuật TQ thế kỷ XX, bởi ông là người không biết ngoại ngữ nào song lại là người dịch nhiều nhất ở TQ (trên 170 cuốn).


Khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở TQ xuất hiện hàng lọat “Lâm dịch tiểu thuyết” (tiểu thuyết do Lâm Thư dịch), khiến đông đảo người dân TQ lần đầu tiên được tiếp xúc với các tác phẩm văn học Âu Mỹ. Đến mức Chu Tác Nhân phải thốt lên “Chúng ta hầu như đều do đọc tiểu thuyết Lâm Thư dịch mới biết nước ngoài cũng có tiểu thuyết”. Song ít ai ngờ, người không biết ngoại ngữ như Lâm Thư trong suốt cuộc đời đã dịch trên 170 cuốn tiểu thuyết của các nước Âu Mỹ.


Lâm Thư sinh năm 1852 (năm Hàm Phong thứ 2), người huyện Mân (nay là Phúc Châu) tỉnh Phúc Kiến. Gia cảnh đời cha còn khá giả, đến đời ông thì suy kiệt. Ham đọc sách từ nhỏ, lại được người thầy đức độ thương nên dạy chữ cho, và còn hướng ông hãy học theo Âu Dương Tu và Đỗ Phủ -
 văn chương hào sảng, chớ học làm loại văn Bát Cổ (lối văn gò bó, khuôn sáo) mà phí cả đời. Có lẽ nhờ vậy mà ông quyết chí theo nghiệp văn chương. Khi không có tiền thì đến nhà chú mượn sách xem, có chút tiền là ông dành dụm mua sách. Chỉ vài năm sau, nhà ông đã có 3 hòm sách cũ, và thế là ông ngày đêm tay không rời quyển. Năm 20 tuổi ông đã đọc trên 2 ngàn cuốn. Năm 30 tuổi ông thi đậu cử nhân, song do không thích loại văn Bát Cổ, nên không đi thi tiếp nữa, chuyên chú vào nghiên cứu cổ văn. Năm 1882 (năm Quang Tự thứ 8), quân hạm của Pháp tấn công huyện Mân, hải quân nhà Thanh đại bại. Trước cảnh hải quân TQ bị đánh bại, Lâm Thư lòng đau như cắt. Sự kiện đó khiến ông ngày đêm trăn trở, phải làm gì để TQ cường thịnh. Những nước đó trước đây bị xem là man di, sao nay lại có thể ngang nhiên làm nhục TQ. Tại sao TQ lại không thể lớn mạnh như họ? Cuối cùng ông rút ra kết luận: TQ muốn lớn mạnh, nhất định phải học phương Tây tiến hành cải cách.


Để đẩy nhanh việc học tập phương Tây, Lâm Thư quyết định giới thiệu một cách rộng rãi tình hình đời sống xã hội lịch sử và ý thức tư tưởng phương Tây. Song từ nhỏ ông chỉ thạo cổ văn, không biết ngoại ngữ thì giới thiệu sao đây.


Đúng lúc đó, qua bạn bè giới thiệu, ông đã làm quen với một vị từ Pháp về, tên là Vương Thọ Xương. Hai người gặp nhau là tâm đầu ý hợp, họ Vương giới thiệu cho họ Lâm một số tiểu thuyết Pháp, tác phẩm Trà Hoa Nữ của Dumas - con khiến Lâm Thư vô cùng thích thú, hai người quyết định dịch ngay.


Do Lâm Thư không biết tiếng Pháp, nên cách dịch của họ rất đặc biệt: Vương Thọ Xương cầm cuốn Trà hoa nữ bằng tiếng Pháp lên, dùng tiếng Hán giảng nghĩa từng chữ từng câu, Lâm Thư vừa nghe vừa ghi lại một cách lưu loát bằng Trung Văn. Sau bao ngày miệt mài, cuối cùng bản dịch tiếng Trung cuốn Trà hoa nữ đã hoàn thành. Năm 1899, bộ tiểu thuyết này đã được Phúc Châu San ấn xuất bản. Sự ra đời của cuốn sách lập tức trở thành sự kiện, được độc giả tranh nhau mua.


Sau thành công của cuốn Trà hoa nữ, Lâm Thư chính thức đi theo con đường dịch thuật. Mỗi lần dịch một cuốn sách, ông lại hợp tác với người giỏi ngoại ngữ đó. Càng dịch tay nghề của ông càng cao. Người hợp tác vừa giảng ý tứ của nguyên tác xong, ông đã ghi lại ngay bằng Trung văn một cách lưu loát. Bình quân một giờ ông có thể dịch được trên 1500 chữ, dịch xong hầu như không phải sửa chữa lại (tất nhiên có chỗ ông chỉ dịch ý hoặc lược bỏ).


Cứ vậy, trong hơn 20 năm, ông đã dịch được tổng cộng 171 bộ tiểu thuyết nước ngoài, chừng 270 tập, trong đó gồm tác phẩm của mười mấy nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Hy Lạp, Na Uy, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha... Các tác phẩm của tác giả nổi tiếng thế giới như Shakespeare, Tolstoi, Ibsen, Hugo,... đều do Lâm Thư lần đầu tiên giới thiệu vào TQ. Có thể nói những năm đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết dịch của Lâm Thư đã có tác dụng khai sáng rất lớn đối với giới trí thức TQ lúc đó, thậm chí có nhà lý luận còn cho rằng “việc xác lập văn học hiện đại TQ lấy phương Tây làm mẫu mực được bắt đầu từ tiểu thuyết dịch của Lâm Thư”.


Dưới đây là phần trình bày khá toàn diện và công phu của dịch giả Qua Bảo Quyền về tình hình dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở TQ từ sau phong trào Ngũ Tứ (1919) trở lại đây.

 

Sau Phong trào Ngũ Tứ


Cùng với sự hưng khởi của phong trào văn hóa mới “Ngũ Tứ” (1919), việc phiên dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học nước ngoài, sự du nhập các hình thức văn học mới (thơ mới, kịch nói) và ký hiệu đánh dấu mới đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của văn học mới Trung Quốc. Trước tiên là sự ra đời của tạp chí Tân Thanh Niên tháng 9 năm 1915 do Trần Độc Tú chủ biên, chủ trương “dân chủ” và “khoa học”, phản đối đạo đức cũ, đề xướng đạo đức mới, phản đối văn học cũ, đề xướng văn học mới đã trở thành mặt trận quan trọng trong việc giới thiệu và dịch văn học nước ngoài vào TQ. Lúc đó đã giới thiệu tiểu thuyết của Turgenev, Tolstoi, Maupassant..., kịch của Ibsen..., đặc biệt tháng 6 năm 1918 đã cho ra chuyên san về Ibsen, phiên dịch và giới thiệu kịch bản Nôra... rất có tác dụng cho cuộc đấu tranh chống phong kiến và đòi giải phóng cá tính lúc đó.


Ngay từ “Ngũ Tứ”, trong phương diện giới thiệu và dịch văn học nước ngoài, quan điểm của các nhà đi tiên phong rất rõ ràng. Lỗ Tấn cho rằng, dịch các tác phẩm văn học nước ngoài là vì nhu cầu của cách mạng TQ. Còn Thẩm Nhạn Băng khi phụ trách “chuyên mục trào lưu tiểu thuyết mới” của tờ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo năm 1920 chỉ rõ: “... hiện giờ TQ phải dịch nhiều tiểu thuyết của các trường phái mới, trước tiên nên dịch và giới thiệu phái Tả thực và phái Tự nhiên.” Ông còn đưa ra một danh mục 43 tác phẩm chủ yếu của 20 nhà văn quan trọng của Châu Âu. Cù Thu Bạch trong lời tựa cuốn Tập truyện ngắn các nhà văn Nga nổi tiếng thì nói: “Chỉ dịch những tác phẩm mà xã hội TQ yêu cầu – chỉ dịch những tác phẩm mà người dân bình thường trong xã hội TQ hiểu được”.


Đầu năm 1921, Hội nghiên cứu văn học được thành lập, ngay năm sau, tờ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo do Thẩm Nhạn Băng đích thân chủ biên và cách tân đã có công lớn trong việc giới thiệu rộng rãi văn học nước ngoài, chẳng hạn tờ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo tháng 9 năm 1921 ngoài việc xuất bản chuyên san Nghiên cứu văn học Nga, tháng 10 cùng năm lại cho ra chuyên san Văn học các dân tộc bị áp bức, tháng 4 năm 1924 lại cho ra chuyên san Nghiên cứu văn học Pháp. Ngoài ra về phương diện nghiên cứu tác giả, lần lượt cho ra Chuyên san Tagore, Chuyên san Byron, Chuyên san Andersen, Chuyên san Romain Rolland... Lúc này các nhà dịch thuật hăng hái nhất phải kể đến Lỗ Tấn, Thẩm Nhạn Băng, Cù Thu Bạch, Quách Mạt Nhược, Trịnh Chấn Đạc... Lỗ Tấn chủ yếu dịch văn học Nga, Nhật và các quốc gia Đông Âu, Bắc Âu; Thẩm Nhạn Băng thường xuyên giới thiệu và dịch văn học của các quốc gia và dân tộc nhược tiểu trên tờ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo, ngoài ra còn viết nhiều bài bình luận và nghiên cứu văn học. Cù Thu Bạch và Cánh Tế Chi đều là những nhà nghiên cứu và dịch văn học Nga, ngay từ năm 1920, họ đã biên tập cuốn  Tập truyện ngắn các nhà văn Nga nổi tiếng. Các cuốn Tùng thư văn họcNgaTập kịch Nga, trong đó tác phẩm Cha và con của Turgenev, Phục sinh của L. Tolstoi, kịch bản Giông tố của A.N. Ostrovski... do Thương Vụ ấn Thư Quán xuất bản đều do Cánh Tế Chi biên soạn. Quách Mạt Nhược chủ yếu dịch văn học Đức, các cuốn do ông dịch như Nỗi buồn của chàng Werther Faust của Goethe đều rất thịnh hành lúc đó. Trịnh Chấn Đạc từ năm 1922 thay Thẩm Nhạn Băng tiếp tục làm chủ biên tờ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo, vẫn tiếp tục coi nhiệm vụ dịch và giới thiệu văn học nước ngoài là chính. Mỗi kỳ ông đều viết mục Văn học đại cương, giới thiệu toàn diện văn học nước ngoài từ cổ đại đến hiện đương đại, đồng thời ông còn dịch nhiều tập thơ của Tagore. Phương diện giới thiệu kịch nước ngoài, Phan Gia Tuân dịch các tác phẩm của Ibsen, Bernard Shaw, Oscar Wilde..., Điền Hán cũng bắt đầu dịch kịch của Shakespeare.


Trước và sau thập kỷ 30


Sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1927, cùng với việc thành lập Liên minh các nhà văn cánh tả TQ, việc phiên dịch văn học đã bước vào giai đoạn mới, lượng lớn văn học vô sản Liên Xô và văn học cách mạng, tiến bộ các nước đã được giới thiệu. Lỗ Tấn cho đến tận lúc mất (1936), luôn là chủ tướng của giới phiên dịch. Trong tình trạng nổ ra các cuộc “vây diệt quân sự” và “vây diệt văn hóa” do bọn phản cách mạng Quốc Dân Đảng gây ra, vì một nền lý luận văn nghệ cách mạng của TQ, ông đã chủ biên bộ Tùng thư lý luận nghệ thuật khoa học, trong năm 1929 đã phiên dịch được các bộ Bàn về nghệ thuật của Plekhanov và bộ Bàn về nghệ thuật của Lunacharski... Ông cho rằng lúc này dịch các “tác phẩm mang tính chiến đấu” là quan trọng hàng đầu. Năm 1930, ông đã dịch cuốn Chiến bại của Fadeev, bỏ tiền ra in cuốn Suối thép của Serafimovich do Tào Tĩnh Hoa dịch. Ông còn chủ biên và giới thiệu bộ Tùng thư văn nghệ hiện đại, giới thiệu các tác phẩm văn học Liên Xô, ngoài ra ông còn lần lượt chủ biên các tờ văn nghệ: Mãng Nguyên, Bôn Lưu, Triêu Hoa, Manh Nha Nguyệt Báo, Dịch Văn..., đã bồi dưỡng được nhiều tài năng phiên dịch trẻ như Nhu Thạch, Tôn Dụng... Năm 1935 ông đã hoàn thành tác phẩm dịch quan trọng nhất trong đời, cuốn  Những linh hồn chết của Gogol. Lúc đó Cù Thu Bạch đang sống bí mật tại Thượng Hải, ông đã dịch từ tiếng Nga nhiều luận văn văn nghệ của chủ nghĩa Mác và các tập chính luận, tiểu thuyết của Gorki, về sau được Lỗ Tấn tập hợp thành tập Hải thượng thuật lâm và xuất bản năm 1936, tác phẩm thơ nổi tiếng Những người Digan của Puskin và tác phẩm Bài ca chim báo bão của Gorki cũng được hoàn thành vào giai đoạn này.


Trước và sau thập niên 30, trước tiên là lượng lớn tác phẩm văn học Liên Xô được giới thiệu và dịch, trong đó tác phẩm của Gorki ảnh hưởng lớn nhất. Chẳng hạn cuốn Người mẹ của Gorki do Hạ Diễn (Thẩm Đoan Tiên) dịch, có tác dụng rất lớn đối với việc giáo dục động viên lớp trẻ đi theo con đường cách mạng, do đó bị chính quyền Quốc Dân Đảng liệt vào “sách cấm”. Phương diện giới thiệu văn học tiến bộ và văn học cách mạng các nước, có Quách Mạt Nhược dịch kịch bản của John Galsworthy (Anh) và các cuốn  Vua than đá, Dầu mỏ, Lò sát sinh... của Sinclair (Mỹ), ông còn dịch cả các luận văn liên quan đến nghệ thuật của Mác và Ăngghen.

Việc giới thiệu và phiên dịch văn học cổ điển và văn học cận đương đại nước ngoài cũng được liên tục. Chẳng hạn Thương Vụ ấn Thư Quán đã xuất bản nhiều danh tác của văn học thế giới, bộ tùng thư của Hội nghiên cứu văn học đã xuất bản nhiều tác phẩm dịch. Trong các nhà phiên dịch, Chu Sinh Hào chuyên dịch tác phẩm kịch của Shakespeare, Mục Mộc Thiên dịch tiểu thuyết của Balzac, Lý Thanh Nhai dịch truyện ngắn của Maupassant, Phụ Lôi dịch tác phẩm Jean Christophe và ba truyện danh nhân của Romain Rolland. Trong văn học phương Đông, Khai Minh Thư Điếm và Trung Hoa Thư Cục đã xuất bản nhiều tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản, chẳng hạn các tuyển tập của: K. Doppo, N.Soseki, A. Takeo, A. Ryunosuke, S.Haruo, T. Jun’ichiro, K. Kan..., đồng thời cũng xuất bản các tác phẩm văn nghệ của giai cấp vô sản Nhật Bản, như tác phẩm Những người bắt cua của K. Takiji. Tháng 8 năm 1934 Lỗ Tấn sáng lập tạp chí Dịch Văn, đến tháng 6 năm 1937 thì đình bản, tổng cộng ra được 29 kỳ. Từ tháng 10 năm 1935, Trịnh Chấn Đạc chủ biên bộ Thế giới văn khố, tổng cộng ra được 12 cuốn. Trong phương diện giới thiệu văn học cổ điển nước ngoài, văn học tiến bộ và cách mạng của các nước lúc đó, chúng đã có tác dụng nhất định thúc đẩy sự phát triển của văn học hiện đại TQ.

Lỗ Tấn và Cù Thu Bạch trong phương diện xây dựng lý luận phiên dịch đã có cuộc tranh luận gay gắt với Lương Thực Thu, Trần Nguyên... Năm 1931, trong bức thư Lỗ Tấn gửi cho Cù Thu Bạch bàn về phiên dịch, đã trình bày một cách hệ thống lý luận của ông. Lỗ Tấn chủ trương “Phàm việc phiên dịch phải chú ý cả hai mặt, một là phải gắng sức sao cho dễ hiểu, hai là phải giữ được phong cách vốn có của nguyên tác”. Ông không tán thành những người chủ trương “thà lưu loát mà bất tín”. Quan điểm của ông là “thà tín mà không lưu loát”. Cù Thu Bạch tiến một bước đề xuất vấn đề “thống nhất giữa tín và lưu loát”. Loạt bài viết về vấn đề phiên dịch của họ đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự.

Thời kỳ chiến tranh chống Nhật và sau thắng lợi

Năm 1937, chiến tranh chống Nhật bùng nổ, việc phiên dịch văn học vẫn không bị dừng lại, tại khu Quốc dân đảng thống trị, tại khu giải phóng và Thượng Hải “cô đảo”, những người làm công tác phiên dịch vẫn liên tục đứng trên cương vị chiến đấu.

Trong khu Quốc dân đảng thống trị, các loại báo và tạp chí dù xuất bản tại Trùng Khánh, Quế Lâm, Côn Minh... như Tân Hoa Nhật Báo, Cứu Vong Nhật Báo, Kháng Chiến Văn Nghệ, Văn Nghệ Trận Địa, Văn Học Nguyệt Báo, Trung Xô Văn Hóa, đều đăng tải lượng lớn các tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là các tác phẩm liên quan tới cuộc kháng chiến của nhân dân Liên Xô. Lúc đó tại Hiệp hội Văn hóa Trung Xô ở Trùng Khánh, Tào Tĩnh Hoa đã chủ biên bộ Tùng thư văn học Liên Xô, những người tham gia biên tập và phiên dịch gồm có Tào Tĩnh Hoa, Mao Thuẫn, Qua Bảo Quyền... Tào Tĩnh Hoa dịch tác phẩm Tôi là người con của nhân dân lao động của Kadaev, tác phẩm Cầu vồng của Vasiliev, kịch bản Xâm lược của Leonov... Mao Thuẫn dịch Ngọn lửa phục thù của Pavlenko... Qua Bảo Quyền dịch trên Tân Hoa Nhật Báo nhiều phóng sự liên quan đến nội chiến ở Tây Ban Nha, về cuộc vây hãm ở Paris và cuộc chiến anh dũng của nhân dân Liên Xô, sau biên tập thành các cuốn Cuộc chiến tranh không phải chiến tranh, Thành phố Xtalin anh hùng...
 


Tại Diên An, các tờ Giải Phóng Nhật Báo, Đại Chúng Văn Nghệ đăng nhiều tác phẩm văn học nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô). Tiêu Tam dịch vở kịch Tiền tuyến của Korneychuck đăng trên tờ Giải Phóng Nhật Báo.
 


Tại “Cô đảo” Thượng Hải, năm 1941 xuất hiện NXB Thời Đại, đã cho ra mắt các tờ Thời Đại Nhật Báo, Thời Đại Chu San, Văn Nghệ Liên Xô, phiên dịch lượng lớn tác phẩm văn học kháng chiến của Liên Xô. Lúc đó, những người tham gia biên tập và phiên dịch của nhà xuất bản gồm có Khương Xuân Phương, Lâm Đạm Thu, Trần Băng Di, Diệp Thủy Phu, Lỗi Nhiên, Thảo Anh... Sau kháng chiến thắng lợi có thêm Qua Bảo Quyền, Tôn Thằng Vũ, Tưởng Lộ, Trương Mạnh Khôi... Lúc đó trên tờ Thời Đại Chu San mở chuyên trang “Nghiên cứu Gorki”, giới thiệu tác phẩm của Gorki và tình hình nghiên cứu Gorki ở Liên Xô. Qua Bảo Quyền sau khi tham gia NXB Thời Đại, đã biên tập các cuốn Gorki nghiên cứu niên san, Văn tập PuskinNghiên cứu nhà viết kịch lớn của Nga A.N.Ostrovski.


Nhà phiên dịch trẻ Vạn Thực Tư đã qua quốc tế ngữ Espéranto dịch tập thơ Gào thét của Maiakovski, giới thiệu các bài thơ Mệnh lệnh gửi đội quân nghệ thuật, Hành khúc sang trái Hộ chiếu Liên Xô... Mai ích phiên dịch tiểu thuyết nổi tiếng của N.A.Ostrovski Thép đã tôi thế đấy. Cuốn sách này trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh có tác dụng giáo dục rất lớn đối với quảng đại độc giả trẻ.


Thời kỳ chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng, việc phiên dịch giới thiệu văn học cổ điển nước ngoài và văn học hiện đại, đương đại nước ngoài vẫn không bị ngừng trệ. Về văn học cổ Hy Lạp, có La Niệm Sinh, Diệp Quân Kiện... dịch bi kịch cổ đại Hy Lạp; về văn học Anh, có Chu Sinh Hào, Tào Vị Phong... dịch kịch của Shakespeare, Hứa Thiên Hồng, Tưởng Thiên Tá dịch tiểu thuyết của Dickens; về văn học Pháp, có Lý Kiện Ngô dịch tiểu thuyết của Flaubert và kịch của Molière, Phụ Lôi dịch tác phẩm của Balzac và Rolland Romain; về văn học Nga, có Ba Kim, Lệ Ni, Lục Lãi... dịch tiểu thuyết của Turgeniev, Cánh Tế Chi dịch tác phẩm của Dostoievski, Cao Thực dịch Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi, Nhữ Long dịch truyện ngắn của Tshekhov, Cánh Tế Chi và La Tắc Nam dịch tiểu thuyết của Gorki; về văn học Mỹ, có Phụ Đông Hoa dịch tiểu thuyết của Theodore Dreiser, Tưởng Thiên Tá dịch tiểu thuyết của Jack London, Sở Đồ Nam dịch thơ của Whitman... Trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (1949), nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới đã được dịch và giới thiệu.

 

Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập

Năm 1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, mở ra trước mắt những người làm công tác dịch thuật bầu trời rộng lớn. Năm 1951 đã tổ chức Hội nghị công tác dịch thuật toàn quốc lần thứ nhất, xuất bản tờ Phiên Dịch Thông Báo. Năm 1954, Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc lại mở Hội nghị công tác dịch thuật văn học toàn quốc, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Chu Dương... đã tham dự và nêu rõ tính quan trọng của việc đẩy mạnh dịch thuật văn học nước ngoài. Lúc đó cùng với việc cải tạo XHCN, các nhà xuất bản đã trải qua công tư hợp doanh thành lập nhà xuất bản văn học của nhà nước, đưa ra kế hoạch vĩ mô về phiên dịch và xuất bản văn học nước ngoài. Tạp chí Dịch Văn được xuất bản trở lại vào năm 1953, từ năm 1959 đổi tên thành Thế Giới Văn Học, đã có nhiều đóng góp trong việc phiên dịch giới thiệu văn học nước ngoài và đoàn kết những người làm công tác dịch thuật văn học nước ngoài...


Về mặt các quốc gia có tác phẩm văn học được phiên dịch, phạm vi cũng ngày một rộng. Văn học Nga và văn học Liên Xô luôn chiếm vị trí chủ yếu, NXB Văn học Nhân dân đã xuất bản một cách có kế hoạch các bộ Tuyển tập Gorki Tuyển tập Maiakovski nhiều tập. Lúc đó đã bắt đầu chú ý đến tác phẩm văn học của các quốc gia Đông Nam Âu, dù là Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ), Hungari, Rumani, Nam Tư (cũ), Bungari, cho đến Albani, đều có nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng được dịch, chẳng hạn thơ của Mickiewicz của Ba Lan, Petofi của Hungari, Botev của Bungari đều được dịch và giới thiệu. Trong các nhà văn hiện đương đại, tác phẩm Viết dưới giá treo cổ của Fucik, Tiệp Khắc, đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến độc giả TQ.


Cùng với việc mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, nhiều họat động kỷ niệm các danh nhân văn hóa và nhà văn thế giới đã được tổ chức, các tác phẩm của họ đã được dịch và giới thiệu, trong đó bao gồm tác phẩm của nhiều nhà văn thuộc Tây Âu, Bắc Âu, Nam Âu và Mỹ; đồng thời cũng coi trọng việc giới thiệu tác phẩm của các nước thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh... Lần đầu tiên phiên dịch tác phẩm văn học cổ điển của Nhật, chẳng hạn cuốn Cổ sự ký, Nguyên thị vật ngữ và nhiều tác phẩm của các nhà văn hiện đương đại Nhật, ngoài ra còn dịch tác phẩm văn học cổ điển của Triều Tiên, như cuốn Xuân phương truyện và tiểu thuyết, thơ ca của các tác gia hiện đương đại. Về văn học Ấn Độ đã phiên dịch bộ sử thi Ấn Độ Mahabharata Ramayana, tập đồng thoại Ngũ quyển thư và kịch Sakuntala của Kalidasa và tác phẩm của các tác giả hiện đương đại Ấn Độ Tagore và Prem Chand, ngoài ra còn xuất bản Tuyển tác phẩm của Tagore 10 quyển. Về văn học Pakistan, đã xuất bản tập thơ của Muhammad. Về văn học các nước Ảrập, đã xuất bản Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm cổ điển Vong linh thư của Ai Cập và Tập tiểu thuyết Ảrập hiện đại, Tập thơ Ảrập hiện đại. Về văn học Thổ Nhĩ Kỳ, đã xuất bản tập thơ của Nazim Hikmet. Ngoài ra còn phiên dịch và xuất bản tiểu thuyết và thơ của các quốc gia Châu Phi. Đã dịch và xuất bản nhiều tác phẩm của các quốc gia châu Mỹ Latinh, chẳng hạn tập thơ của nhà thơ Chilê Neruda và tập tiểu thuyết của nhà văn Brazil Amado.


Nhân tài phiên dịch xuất hiện ngày một nhiều. Hầu như văn học các nước và các khu vực đều có những người chuyên dịch, số người làm công tác dịch thuật đông không kể xiết, đặc biệt các nhà phiên dịch trẻ xuất hiện ngày càng nhiều.


Thời kỳ “Cách mạng văn hóa” (1966-1976), văn học nước ngoài trở thành khu cấm, mãi đến năm 1976 sau khi lật đổ tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh, công việc dịch và giới thiệu văn học nước ngoài mới được hồi sinh. Các NXB văn học đã khôi phục kế hoạch ra sách vốn có, không ít các NXB địa phương cũng đã bắt đầu xuất bản tác phẩm văn học nước ngoài. Các tập san dịch và giới thiệu văn học nước ngoài cũng liên tục xuất hiện, ngoài tờ Thế Giới Văn Học xuất bản trở lại vào tháng 10 năm 1977, đã ra mắt các tập san văn học nước ngoài mới: Nam Kinh có Dịch Lâm Đương Đại Ngoại Quốc Văn Học; Thượng Hải có Ngoại Quốc Văn Nghệ, Ngoại Quốc Văn Học Báo ĐạoNgoại Quốc Ngữ; Bắc Kinh có Ngoại Quốc Văn Học Quý San, Quốc Ngoại Văn Học, Ngoại Quốc Văn Học, Ngoại Quốc hý kịch; Vũ Hán có Ngoại Quốc Văn Học Nghiên Cứu; Quảng Châu có Thế Giới Văn Nghệ, Dịch HảiHoa Thành Dịch Tác. Các tập san mang tính chuyên môn, về văn học Liên Xô, Bắc Kinh có Văn Học Liên Xô, Văn Học Liên Xô Đương Đại; Vũ Hán có Văn Học Nga Xô; về văn học Nhật Bản, Trường Xuân có Văn Học Nhật Bản.


Theo Tào Văn Hiên, từ cuối thập kỷ 70 thế kỷ 20, TQ đã dịch và xuất bản một lượng lớn chưa từng có các tác giả lớn của văn học thế giới, từ thế kỷ 18 lại đây (toàn bộ các nhà văn đứng đầu trong lịch sử văn học nước họ) đều đựơc giới thiệu. Các trước tác của họ, hoặc một phần hoặc toàn bộ đều đã được dịch.


Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các tác phẩm nổi tiếng, các nhà văn lớn, các trào lưu sáng tác, trường phái lý luận, tư trào triết học lớn của phương Tây gần 100 năm qua đều được dịch và giới thiệu ở TQ. Chẳng hạn lý luận chủ nghĩa hình thức, lý luận văn học phê bình mới, lý luận văn học chủ nghĩa cấu trúc, lý luận văn học tự sự học, lý luận văn học phân tích tinh thần, lý luận văn học phê bình nguyên hình, lý luận văn học chủ nghĩa hiện sinh, lý luận tiếp nhận văn học, phê bình phản ứng độc giả, lý luận văn học hiện tượng học, lý luận văn học giải thích học, lý luận văn học chủ nghĩa Mác phương Tây, xã hội học văn học, ký hiệu học, lý luận văn học giải cấu trúc, lý luận văn học chủ nghĩa hậu hiện đại, lý luận văn học so sánh...

 


Việc du nhập ồ ạt văn hóa văn nghệ nước ngoài, một mặt đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội, đến cách nghĩ cách cảm của mọi người, nhất là lớp trẻ. Mặt khác, do du nhập một cách tràn lan, thiếu sự giới thiệu với tinh thần phê phán, gạn đục khơi trong, nên trong một chừng mực nhất định đã gây nên sự hỗn loạn. Thái độ tiếp nhận của giới lý luận cũng rất khác nhau. Tiền Trung Văn cho rằng, có mấy loại như sau: “Một loại là bài xích một cách giản đơn. Đối với những người này, phàm là lý luận văn học của phương Tây đều là dị đoan tà thuyết. Cách nghĩ của họ là, thập kỷ 30 nhất là thập kỷ 50, những lý luận văn học chủ nghĩa Mác được du nhập từ Nhật bản, Liên Xô (cũ) vào TQ, và hệ thống quy phạm lý luận được nêu ra trong các chuyên luận của các học giả Liên Xô (cũ) đã quá đủ để chúng ta sử dụng và truyền lại cho đời sau, không tuyên truyền những tư tưởng này, lại đổ xô chạy theo các lý luận văn học của phương Tây, là cớ làm sao? Lý luận văn học nước ngoài là bộ phận hợp thành của hình thái ý thức giai cấp tư sản nước ngoài, cho nên mỹ học tiếp nhận đã bị coi là “thú chơi của giai cấp tư sản”, còn “Bản thể luận”, “Hiện tượng học” lại là công cụ lý luận để giai cấp tư sản phương Tây tiến hành “diễn biến hòa bình” đối với chúng ta, sao có thể dùng được? Có tác giả đến nay còn cho rằng, văn học chủ nghĩa hiện đại thịnh hành một thời ở phương Tây, đều là văn học của giai cấp tư sản hủ bại. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số người, thân đã ở vào thập kỷ 90 mà tư tưởng vẫn dừng lại ở thời đại “Cách mạng văn hóa”, điều này tất nhiên không đáng để coi là bài học. Một loại khác lại là, một số người cho rằng lý luận văn học truyền thống, lý luận văn học chủ nghĩa Mác đã hết thời, liền bị họ ném bỏ, cái gì của nước ngoài cũng hay, đối với các loại lý luận văn học phương Tây họ đều tiếp nhận một cách toàn diện, hoàn toàn đồng cảm. Khi tư tưởng của văn học phê bình mới được giới thiệu vào, liền cho rằng học thuyết này hay hết chỗ nói, đã thực sự giải quyết đựơc mọi vấn đề của lý luận văn học. Kỳ thực đối với phê bình mới, các học giả nước ngoài từ lâu đã chỉ ra nhược điểm của nó, mà đó lại là nhược điểm rất nghiêm trọng, thế mà với một số tác giả TQ, nhược điểm lại trở thành ưu điểm. Khi tư tưởng văn nghệ của Freud đựơc giới thiệu vào, nó rõ ràng đã mở rộng tầm nhìn cho lý luận và sáng tác của chúng ta, đồng thời đối với loại lý luận khó mà thực chứng này, Freud cũng đã nói rằng “libido” là do bị “Êđip” “đốc thúc”. Song đối với một số tác giả của nước ta, nói hay thì cái gì cũng hay, đối với thuyết “ libido” như vớ được bảo bối, dốc toàn lực tán dương sự hoành hành và phóng túng của “libido”, tức tán dương phiếm tính luận. Lý luận chủ thể được giới thiệu vào khoảng giữa thập kỷ 80, liền nổ ra cuộc tranh luận dữ dội. Tư tưởng của lý luận chủ thể là cơ sở lý luận của nhiều loại tư tưởng mỹ học phương Tây hiện đại, trong lý luận văn học trước đây của chúng ta, nó không được coi trọng, không thay đổi tình trạng này, lý luận văn học khó mà tiến lên được, cho nên việc sửa chữa sai lầm này là lẽ đương nhiên. Song trong tranh luận, ý tứ thực tế của những người đề xướng lý luận chủ thể lại muốn dùng quan niệm văn học của lý luận chủ thể để thanh trừ lý luận văn học truyền thống vốn bị coi là “cái lồng tinh thần”, mà người phản đối trên thực tế lại chỉ dùng quan hệ chủ khách thể trong triết học để thay cho tư tưởng chủ thể của sáng tác văn học vốn cực kỳ phức tạp, biến hóa phức tạp. Tự sự học rất có ý nghĩa về mặt lý luận, đã liên tục được giới thiệu. Có tác giả đã vận dụng nó để nghiên cứu tiểu thuyết, cho rằng hiện giờ ý hướng của một số tiểu thuyết nào đó, đã từ biểu hiện nội hàm của việc kể lại câu chuyện, chuyển sang cấu trúc và hình thức của tiểu thuyết, do đó, tiểu thuyết đã trở thành loại nghệ thuật ngôn ngữ thực sự, thực sự trở thành loại văn thể độc lập, chỉ có ngôn ngữ và phương thức cấu trúc của nó mới là chỗ tồn tại căn bản của tiểu thuyết. Vậy thì, từ nay về sau vẫn sẽ xuất hiện lượng lớn tiểu thuyết không phù hợp với loại lý luận tiểu thuyết này thì sao? Chúng sẽ phải ngừng tồn tại, hoặc tự diệt vì loại lý luận này sao? Tiểu thuyết, nói thế nào nhỉ? Bảo rằng chỉ cần ngôn ngữ, cấu trúc là đủ sao? Tiểu thuyết chỉ là tự sự sao? Ngoài ra, ngoài việc tiếp nhận một cách toàn diện lý luận văn học nước ngoài, phủ nhận truyền thống lý luận văn học gần mấy chục năm qua, còn xuất hiện tình trạng phủ nhận toàn diện truyền thống lý luận văn học bản địa lâu đời của chúng ta?”.

Văn học nước ngoài, số 3/2004

Tài liệu tổng thuật:

1. Đại bách khoa toàn thư TQ, Văn học TQ, quyển 2, NXB Đại Bách khoa Toàn thư TQ, 1993.

2. Tào Văn Hiên, Nghiên cứu hiện tượng văn học những năm 80 của TQ, NXB Đại học Bắc Kinh, 1998.

3. Tiền Trung Văn, Lý luận văn học: Hướng tới thời đại giao lưu đối thoại. NXB Đại học Bắc Kinh, 1999.

4. Dương Liên Phân, Lâm Thư và sự hình thành tính hiện đại trong văn học TQ. Tân Hoa Văn trích, số 4/2003.
5.
Sự xuất hiện của Lâm dịch tiểu thuyết”, 5000 năm Văn hóa, NXB Thiếu niên Nhi đồng, TQ,1992.

 

   

 

 

   ngôn ngữ và dịch thuật


 




 


  22- Văn học dịch: Thừa cái dở, thiếu cái hay!                                                                            Doãn Diễm -VNN
  24- Các dịch giả thi nhau "tố khổ".                                                                                                             Sưu tầm
  25- "Tồn tại đã là tuyệt vời".                                                                                                          Đoàn Tử Huyến 
  26- Suýt phải trả 1.000 USD/một bài thơ dịch.                                                                                        Sưu tầm  
  27- Dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở Trung Quốc thế kỷ 20 .                                         Trần Minh Sơn 
  28- "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ.                                                                                   Ngân Huyền

vhvt 11
Trang bìa chính