vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
ngôn ngữ & dịch thuật |
|
Hội nghị văn học dịch toàn quốc lần thứ nhất: các dịch giả thi nhau "tố khổ" Trong hai ngày 8 và 9/7, Hội nghị các dịch giả văn học toàn quốc lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Hội Liên hiệp VHNT Phú Yên phối hợp tổ chức đã diễn ra ở thị xã Tuy Hòa (Phú Yên). Đây được xem là cuộc hội ngộ đầu tiên của giới dịch giả cả nước nhằm "tố khổ" về nỗi bức xúc của văn học dịch hiện nay.
Ngay trong bài phát biểu đè dẫn hội nghị, dịch giả Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc nhất của văn học dịch Việt Nam hiện nay là tình trạng thừa sách vở nhưng thiếu sách hay. Sách đẹp mã nhưng nội dung quá nhiều sai sót về chữ nghĩa, về dịch tiếng Việt, về phiên âm do tình trạng dịch ẩu, dịch theo đơn đặt hàng. Tình trạng bản quyền của sách dịch là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp. Bản quyền để có sách dịch vốn rất khó khăn khi Việt Nam đã ký kết các hiệp ước bản quyền quốc tế. Vấn đề bản quyền của chính những dịch giả hiện nay cũng đang rất bức xúc. Đề dẫn của ông Chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam như "kích" đúng chỗ bức xúc của các dịch giả. Dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng khó khăn lớn nhất của những người làm công tác văn học dịch hiện nay là vấn đề bản quyền. Ông Nguyên nói: "Chúng ta đã ký các hiệp ước bản quyền với Mỹ, với Thụy Sĩ, và sắp tới sẽ gia nhập đầy đủ các công ước bản quyền khác của thế giới. Điều này đặt ra những khó khăn rất lớn, ngoài chuyện kinh phí mua tác quyền, chuyện giữ được nguyên vẹn nội dung của tác phẩm cũng là một vấn đề. Những trường đoạn không phù hợp về chính trị, về thuần phong mỹ tục...thì tính như thế nào khi không được quyền cắt xén?". Dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng: Nếu các biên tập viên trong các nhà xuất bản đủ trình độ để hiệu đính tác phẩm dịch, nếu họ đủ độ tinh để nhận ra đâu là tác phẩm "đạo dịch" thì thị trường không còn nhiều tác phẩm dịch kém chất lượng như báo chí từng lên tiếng". Thực tế cho thấy người đọc không thể kiểm tra chất lượng sách trước khi mua, mà chỉ nhìn cái bìa, cái tít là bỏ tiền ra, có khi mua về rồi lại bỏ vì tác phẩm quá tồi, dịch sai hoặc "chôm chỉa" đâu đó.
Văn học dịch là "con ghẻ"?
Dịch giả Đoàn Tử Huyến tỏ ra khá bức xúc và nói thẳng rằng các ngành hữu quan hiện nay coi văn học dịch như "con ghẻ". Theo ông Huyến đây chính là lý do dẫn tới sự trì trệ của loại hình văn học này. "Đến bây giờ mới có hội nghị văn học dịch đầu tiên là quá chậm. Ban đầu, Hội Nhà văn còn bảo hoãn cho đến tháng 10".
Đa số các dịch giả cho rằng giới dịch giả Việt Nam hiện thiếu một sự tổ chức thống nhất do nhà nước quản lý. "Chức năng và quyền hạn của hội đồng văn học dịch thuộc thuộc Hội Nhà văn cũng rất hạn hẹp. Hội đồng hoàn toàn không đủ tư cách là đại diện cho lực lượng dịch thuật nói chung" - dịch giả Thúy Toàn bày tỏ. Chính vì thế, nhiều dịch giả cho rằng cần phải có một tổ chức thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin hoặc Hội Nhà văn đủ năng lực lãnh đạo và quản lý những người dịch thuật. Dịch giả Phan Quang cũng đồng ý như thế khi cho rằng: "Nhà nước phải có tác động vào lĩnh vực văn học dịch, vì hoạt động này đang bị chi phối bởi quy luật thị trường. Không thể thả lỏng như hiện nay".
Dịch giả Thúy Toàn cho rằng hội nghị này được mở ra không phải để giải quyết toàn bộ những khó khăn của văn học dịch, mà chỉ tạo nên dư luận và tác động xã hội để từ đó các cơ quan hữu quan tìm cách tháo gỡ. Ông nói: "Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những động thái tích cực hồi âm cho hội nghị này, đồng thời các dịch giả cũng gọi là có một dịp "lên tinh thần" khi lần đầu tiên được bày tỏ những tâm sự rất thật về nghề của mình".
Lạc Nam - Quyền Khanh
Văn hóa, số 138, ngày 12/07/2004
___________________ Trích ý kiến của Dịch giả Dương Tường, người từ chối tham gia hội nghị:
"Chúng ta đã và đang tổ chức quá nhiều hội thảo mà không giải quyết được vấn đề gì một cách thỏa đáng. Đánh động thực tế là cần thiết nhưng cái quan trọng là đưa ra được biện pháp cụ thể. Không riêng gì Hội Nhà văn Việt Nam, có lần Hội Mỹ thuật Việt Nam mời tôi viết tham luận. Tôi bảo nếu đăng ký đề tài Sự vô bổ của những cuộc thảo luận thì các ông có chấp thuận không. Họ chỉ còn nước cười trừ..."
"...Về tương lai của văn học dịch Việt Nam, quả thật tôi rất hoang mang. Thú thực là bây giờ bảo tôi phải chỉ ra vài cái tên dịch giả trẻ thì rất khó. Bở dịch thuật đòi hỏi tài năng và tâm huyết. Mà những cái đó thì hình như lớp trẻ đang thiếu. Còn những bậc lão làng thì tuổi già sức yếu nên cũng "rửa tay gác bút" hoặc đã qua đời như Phạm Mạnh Hùng, Nhị Ca..."
Văn hóa, số 138, ngày 12/07/2004
|
|
ngôn ngữ và dịch thuật |
|