vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  ngôn ngữ & dịch thuật



 

 

 

'Suýt phải trả 1.000 USD/một bài thơ dịch'

"Nguồn sách dịch chủ yếu do cá nhân dịch giả tự lo liệu. Nếu không có trách nhiệm của các NXB, tới đây, làm sao họ thực hiện được những giao dịch với các đối tác ở tận nước ngoài", dịch giả Thúy Toàn nói về những bất cập về luật bản quyền ở nước ta.

- Theo ông, Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đón nhận Công ước Berne về Luật bản quyền, dự kiến có hiệu lực vào quý IV năm nay?

- Trong đề dẫn hội thảo văn học dịch toàn quốc tổ chức tại Phú Yên vừa qua, tôi đã đưa vấn đề bản quyền văn học dịch vào 1 trong 6 vấn đề khẩn cấp. Nhưng vì hội thảo nhiều vấn đề quá nên chưa báo động hết được. Khi tham gia Công ước Berne, chúng ta phải có bản quyền mới được phép mang sách về dịch, sau đó mới có chuyện xuất bản. Có những cái mà cứ mua bán thẳng thừng thì không thể nào "chơi" được. Trung tâm Đông Tây chúng tôi đang làm tuyển tập thơ Mỹ hiện đại, tuyển thơ của năm mươi mấy tác giả, phải xin phép từng người một. Có người chỉ tuyển 2 bài thôi nhưng giá bản quyền là 2.000 USD, mà phải giao dịch qua trung gian.

- Có nghĩa là giá bản quyền văn học nước ngoài đang ở mức "trên trời", với Việt Nam làm thế nào để mua được?

- Tất nhiên, tính ra là 1.000 USD/bài thơ, nhưng cuối cùng thì chúng tôi không mất xu nào nhờ tài giao dịch của dịch giả Hoàng Hưng. Điều tôi muốn nói ở đây là bản quyền văn học dịch vừa khó mà lại vừa dễ. Sẽ rất khó đối với những người không hiểu biết, nhưng lại mở ra nhiều cơ hội nếu như chúng ta năng động trong giao dịch, tận dụng được các mối quan hệ. Đặc biệt là tổ chức được một cơ quan chuyên môn làm môi giới về vấn đề bản quyền. Chứ để cá nhân từng người thì không xoay xở được.

- Còn trách nhiệm của các NXB, rồi Trung tâm bản quyền văn học của Hội nhà văn trong vấn đề này?

- Trung tâm bản quyền rục rịch từ khá lâu, đợi đủ 100 người đăng ký mới thành lập nhưng đến giờ vẫn chưa đủ. Còn NXB thì sao? Trước đây, khi tôi ở NXB Văn học thì hằng năm, NXB lập một kế hoạch các tác phẩm văn học nước ngoài để các dịch giả đến, ai thích dịch quyển nào thì chọn. Bây giờ thì dịch giả phải tự xoay xở kiếm cuốn này cuốn nọ mang đến tán các ông NXB để xin in. Nếu không thì bán cho đầu nậu. Vậy tới đây, làm sao họ thực hiện được những giao dịch bản quyền với đối tác ở tận nước ngoài. Mà có phải ai cũng có nhiều quan hệ, cũng biết vào Internet đâu.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

 

   

 

 

   ngôn ngữ và dịch thuật


 




 


  22- Văn học dịch: Thừa cái dở, thiếu cái hay!                                                                            Doãn Diễm -VNN
  24- Các dịch giả thi nhau "tố khổ".                                                                                                             Sưu tầm
  25- "Tồn tại đã là tuyệt vời".                                                                                                          Đoàn Tử Huyến 
  26- Suýt phải trả 1.000 USD/một bài thơ dịch.                                                                                        Sưu tầm  
  27- Dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở Trung Quốc thế kỷ 20 .                                         Trần Minh Sơn 
  28- "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ.                                                                                   Ngân Huyền

vhvt 11
Trang bìa chính