vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
ngôn ngữ & dịch thuật |
|
Văn học dịch: Thừa cái dở, thiếu cái hay! Doãn Diễm -VNN Đã quá muộn, nhưng vẫn bị hoãn lại... vì Euro, cuối cùng thì Hội nghị dịch giả văn học toàn quốc cũng được khai mạc vào ngày mai, 8/7, tại Phú Yên. Văn học dịch đang bị bỏ rơi: Quá thừa những bản dịch tồi, những tác phẩm kém chất lượng và quá thiếu những bản dịch hay, những tác phẩm có giá trị. Người trẻ dịch ẩu đã đành, người dịch có tên có tuổi cũng dịch ẩu; trận địa phê bình dịch bị bỏ trống... Đó là những vấn đề bức xúc mà các đại biểu sẽ lên tiếng tại hội nghị này. Trong khi mỉa mai những dịch giả chỉ chăm chắm “ăn theo” những cuốn thời thượng, có người còn muốn ám chỉ đến Trần Đình Hiến bởi sự cổ súy quá mức nhiệt tình của dịch giả này với những tác phẩm của Mạc Ngôn. Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Đã quá muộn, nhưng vẫn
chưa được chú ý đúng mức! Câu chuyện về dịch thuật thì tôi nói nhiều trên báo chí rồi, bây giờ chỉ nói lại thôi. Việc dịch ngày xưa là việc sang trọng. Nay thì người ta dịch, hoặc là vì yêu, say, hoặc thuần túy để kiếm tiền, dịch rất nhanh và ẩu, chọn các sách trinh thám, tình cảm của Mỹ, của Quỳnh Dao..., miễn là bán chạy. Nhiều tác phẩm nghiêm túc khác của Mỹ nên giới thiệu sang VN như cuốn Âm thanh và cuồng nộ - W. Faulkner, hay tác gia lớn như Jem Joy (nhà văn Ailen lớn nhất thế giới thế kỷ 20) lại không được để ý... Trừ những năm 1970, 1980, miền Bắc được bao cấp nên dịch phẩm loại này khá nhiều, còn hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, chúng không phải đến mức không có nhưng rất ít. Lý do? - Không ăn khách, khó dịch, ít độc giả, số lượng bán được mỗi lần xuất bản chỉ 1000-1500 bản, trong khi đó sách "chưởng" thì bán được 5000-7000 cuốn. Đấy là tôi nói về sự sai lầm, thiên lệch trong định hướng, kế hoạch dịch. Còn về dịch ẩu. Tình trạng này không phải chỉ có ở những người trẻ mới vào nghề, ít kinh nghiệm, mà còn ở cả các dịch giả có danh. Họ lấy tên tuổi ra "đứng" hợp đồng, rồi thuê người dịch, sau đó thậm chí chỉ biên tập, rà soát qua loa! Dịch giả Cao Xuân Hạo: Nhiều người dịch còn "ngọng" tiếng mẹ đẻ! Văn học Nga, Pháp nói chung được dịch khá nhiều ở VN. Nhưng đối với nhiều nước khác lại thiếu trầm trọng, như văn học Anh, Mỹ,... Ít tới nỗi không đủ cho độc giả trong nước có được một cái nhìn sơ bộ về nền văn học các nước này. Nói chung ở ta, người dịch thường là những người được đào tạo về ngoại ngữ, chứ không phải về phương pháp hay nghệ thuật dịch. Một số bản dịch đọc thấy không "ra" tiếng Việt. Vấn đề cơ bản là ngoại ngữ của họ không yếu nhưng chính cách diễn đạt của tiếng Việt, tưởng là điều sơ đẳng, thì họ lại không nắm vững! Đọc nhiều bản dịch cảm thấy ngọng nghịu cứ như là nghe Tây nói tiếng Việt! Dịch giả Phạm Xuân Nguyên: Cần có đội ngũ biên tập và phê bình dịch theo đúng nghĩa! Trong hội thảo ngày mai, tôi sẽ nói về việc làm sao để có được những dịch phẩm tốt cho văn học. Điều quan trọng trước tiên mà tôi nhấn mạnh là cần xem lại công tác biên tập dịch ở các nhà xuất bản. Nếu biên tập thật sự cẩn thận thì có khi phải mất công sức chẳng kém gì bản thân việc dịch: phải đối chiếu bản dịch với bản gốc xem có chính xác không, rồi lại xem bản tiếng Việt đã nhuần nhuyễn chưa. Lâu nay, chúng ta hầu như không có biên tập dịch theo đúng nghĩa! Ngay cả các NXB lớn như NXB Văn học cũng thường chỉ nhận bản dịch rồi đọc qua loa, soát lỗi tiếng Việt còn chưa kĩ huống hồ đối chiếu với bản gốc! Nhiều tác phẩm lớn, kinh điển mà dịch sang tiếng ta thành ra một thứ lộn nhộn! Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác phê bình dịch. Lâu nay cái gọi là phê bình dịch thật ra chỉ tóm tắt và giới thiệu mỗi khi có một dịch phẩm mới xuất bản, trong khi đó lờ đi hoặc nhận định không chuẩn về chất lượng bản dịch. Thứ ba, sáng tác là việc của cá nhân nhưng dịch thuật có thể làm tập thể. Ở Trung Quốc khi dịch bộ Đi tìm thời gian đã mất (M.B) đã tập hợp 15 tác giả làm việc ròng rã 10 năm. Còn cuốn Uylix (Jem Joy) thì cần 2 người làm việc miệt mài trong 7 năm. Thừa những cuốn bestseller nhưng chúng ta lại thiếu những cuốn kinh điển, không đủ dù chỉ để tạo cho độc giả một nền tảng tri thức chung và sơ đẳng về văn học toàn thế giới. Cần dịch sớm ngày nào hay ngày ấy những cuốn này, không phải vì lợi nhuận, không phải vì lượng độc giả nhất thời lớn, mà vì giá trị văn hóa của cuốn sách, vì nó tạo ra dưỡng chất cho nền văn hóa nước nhà. Theo tôi, để dịch được một cách nghiêm túc thực sự, dịch giả cần phải có bản lĩnh văn hóa, và sau cùng, tiếng mẹ đẻ phải giỏi. Dịch giả Trần Đình Hiến: Tôi chọn Mạc Ngôn không phải vì chạy theo thị hiếu! Trong khi các dịch giả có tiếng khác đều nhất trí rằng dịch thuật của nước nhà hiện nay còn manh mún, tản mạn, chạy theo thị trường, thì Trần Đình Hiến - bỏ ngoài tai mọi lời ra tiếng vào rằng Mạc Ngôn là thứ văn chương hạng ba, một thứ bestseller ăn khách bằng kiểu ám chỉ và ngôn ngữ dung tục... - vẫn trung thành với quan điểm của mình. Vậy vì sao ông chọn Mạc Ngôn? Chưa biết mô hình "nhà văn lớn tạo ra dịch giả lớn" có thành hiện thực với trường hợp của Mạc Ngôn và ông không, nhưng chí ít, nhà văn TQ này đã khiến ông "nổi đình đám" theo cả nghĩa tiêu cực lẫn tích cực. Tôi chọn Mạc Ngôn, thứ nhất, vì Mạc Ngôn là người được đọc nhiều nhất ở Trung Quốc hiện nay. Vừa rồi Đàn Hương hình giành 100% phiếu bầu nhận giải Mao Thuẫn lần thứ 6 (cùng với Lỗ Tấn, đây là hai giải thưởng lớn nhất TQ). Mạc Ngôn cũng là người đứng đầu trong số 10 nhân vật mới đây được TQ bình chọn là "Người bước qua năm 2003 đầy thành tích vẻ vang". Nhưng tôi chọn Mạc Ngôn còn vì những quan điểm của Mạc Ngôn mới đúng là những quan điểm về văn học nghệ thuật. Ví dụ về lịch sử, Mạc Ngôn viết về những mảng khuất của lịch sử, về số phận con người theo tinh thần nhân bản. Thứ ba, Mạc Ngôn viết bằng cái giọng mà ai cũng có thể thấy đó là cuộc sống. Về mặt lý luận, ông ta đã có đóng góp rất lớn, điều này Hội Nhà văn VN đã có tổng kết trong lần trao giải thưởng thường niên năm ngoái. Tôi đánh giá rất cao Mạc Ngôn. Dư luận có nhiều người nói không hay về Mạc Ngôn ư? Thì họ cứ nêu dẫn chứng! Còn tôi, tôi xin đưa ra tất cả các văn bản, các báo cáo tổng kết có tính chất toàn quốc khẳng định vị trí cao của Mạc Ngôn. 26 năm nay, Mạc Ngôn đã chiếm trọn văn đàn TQ. Còn chúng ta, 10 năm nay, chúng ta có gì để đọc?! Ngoài Mảnh đất lắm người nhiều ma ra, chỉ còn vài cái truyện ngắn đáng đọc! - PV: Những tác phẩm đương đại khác của TQ, ví dụ "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện, tại sao ông không dịch? Ông đánh giá ra sao về các bản dịch "Linh Sơn" hiện có bằng tiếng Việt? - TĐH: Tôi theo dõi các vấn đề và văn học nghệ
thuật, thấy cái gì hay hoặc cái gì có thể gợi mở cho nước mình thì tôi dịch,
chứ tôi đâu có được giao nhiệm vụ đứng làm cái cổng chắn tất cả các tác phẩm
đi qua. Cả nước còn bỏ sót tác phẩm hay thì làm sao một người làm hết được?
Các bản dịch Linh Sơn tiếng Việt mà tôi được biết đều chưa thoát được một ý
rất cơ bản mà cuốn tiểu thuyết định nói: nằm ẩn trong Linh Sơn là văn hóa
Trường Giang vốn cực kỳ rực rỡ, bị văn hóa Trung Nguyên xâm lấn nên mai một,
nay người ta đang đi tìm lại. Đấy là cái tinh thần chính của Linh Sơn mà tôi
không thấy toát lên trong các bản dịch, cả bản dịch từ tiếng Pháp của Trần
Dĩnh và bản dịch từ tiếng Trung của Ông Văn Tùng.
|
|
ngôn ngữ và dịch thuật |
|