vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  nhiếp ảnh



 

 


Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân: 100 máy ảnh... bám bụi thời gian

 

Cái tên Huỳnh Ngọc Dân vốn không xa lạ gì trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Từng đoạt được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế, anh hiện là hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) và Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA). Huỳnh Ngọc Dân còn được biết đến bởi là người hiện có một bộ sưu tập máy ảnh rất độc đáo ở Việt Nam.

Huỳnh Ngọc Dân sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Nếu năm 1979 anh không về chơi cho ban nhạc của Hợp tác xã Nhiếp ảnh Thảo Cầm Viên Sài Gòn thì đến bây giờ hẳn anh còn đang ôm cây đàn guitar bass chơi trong một ban nhạc nào đó, chứ không phải cầm chiếc máy ảnh vì anh vốn là nhạc công của Đội văn công Công ty Dầu khí OSC. Chơi đàn cho HTX Nhiếp ảnh riết rồi mê... chụp ảnh hơn đánh đàn, đến độ theo hẳn nghề ảnh...

* Do đâu anh có ý định sưu tầm máy ảnh cổ ?

Máy ảnh Leica C thời kỳ đầu của hãng Leica 1927

- Có lẽ là vì "gien", bố tôi cũng là một người chơi ảnh "amatuer" (nghiệp dư). Ông có chiếc máy ảnh hiệu Kodak loại Retina II C cũ kỹ. Thuở còn bé dại, ngay lần đầu tiên được cầm chiếc máy ảnh này trên tay tôi đã thích mê đi và tự nhủ bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ nó làm vật kỷ niệm của gia đình. Dạo đó tôi đã có sở thích sưu tầm những cây bút, con tem, tiền cổ v.v... Sau một thời gian dài lênh đênh theo ban nhạc, khi được về chơi đàn ở HTX Nhiếp ảnh Thảo Cầm Viên, những đam mê thuở nhỏ bỗng bùng dậy... Tôi "thừa hưởng" chiếc máy ảnh cũ của ông già, mày mò học hỏi các anh em chụp ảnh trong HTX và rồi... gia nhập đội ngũ "phó nhòm" chụp dạo trong Thảo Cầm Viên. Đó là một quyết định... dũng cảm và đúng đắn để đối phó với hoàn cảnh kinh tế gia đình đang rất khó khăn trong thời điểm đó. Xài qua chiếc máy ảnh nào là tôi để dành làm kỷ niệm. Sau này, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn tôi chuyển sang chụp ảnh nghệ thuật. Trong những dịp đi sáng tác đây đó (Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... và cả ở Mỹ), tôi thường tìm đến các cửa hiệu bán máy ảnh chỉ để tìm mua những chiếc máy ảnh thuộc diện "đưa vào viện bảo tàng"...

* Đến nay thì bộ sưu tập của anh đã có được bao nhiêu hiện vật ? Chiếc máy ảnh nào độc đáo nhất và chiếc máy ảnh nào để lại ấn tượng cho anh nhiều nhất ?

 

“Mỗi máy ảnh tôi đều có những kỷ niệm "cam go" mới có được nó. Riêng chiếc máy ảnh mà tôi quý và có nhiều kỷ niệm nhất thì không phải là thứ đắt giá mà chính là chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời mình (của bố để lại), nó đã gắn bó với tôi suốt một thời gian dài...". Huỳnh Ngọc Dân

- Tôi hiện có khoảng hơn 100 máy ảnh và đang được tiếp tục bổ sung. Tất cả đều thuộc đời đầu tiên của nhiều loại máy ảnh. Từ loại chụp phim nhỏ (72 kiểu) đến các loại chụp phim lớn như: Buly, Argus, Leica, Nikon, Foca, Contax, Canon, Bronica, Rolleiflex... với nhiều kích cỡ. "Bề thế" nhất là loại máy Buly hộp gỗ do Pháp sản xuất đầu thế kỷ XX (máy chữ A, người chụp phải dùng miếng vải đen trùm lên đầu để lấy nét). Tôi cũng có những chiếc máy Buly hộp gỗ do cụ Viên Tô Ký - người Việt Nam sản xuất máy ảnh chữ A, chất lượng không thua gì của Pháp. Những chiếc máy ảnh trong bộ sưu tập này có giá từ 200.000 đồng đến 1.500 đô la. Nếu hỏi máy ảnh nào độc đáo nhất thì... chịu, hầu như tất cả đều độc đáo bởi rất hiếm và khó tìm. Cho nên khi phát hiện ra và đã "kết" một chiếc máy ảnh nào rồi thì tôi quyết sở hữu được nó. Có khi phải mất rất nhiều thời gian (1-2 tháng) để giao dịch, thương thuyết. Có khi phải dành dụm tiền để mua hoặc lấy đồ vật trong nhà ra đổi chác. Có khi biết mình mua "hớ" vẫn phải cắn răng trả tiền, sợ kẻo người khác "phỗng" mất... Tìm ra được thì háo hức và khi sở hữu được rồi thì có cảm giác rất "đã".

* Đây có phải là bộ sưu tập máy ảnh duy nhất ở Việt Nam?

Leicaflex 1960

- Không đâu ! Theo tôi biết thì hiện đang có vài người cũng có cái thú sưu tập máy ảnh. Có thể trong bộ sưu tập của họ có những hiện vật có giá trị hơn của tôi nhưng vì một lý do nào đó họ không muốn đem ra trưng bày. Riêng tôi lại nghĩ khác, cái gì độc đáo nên đem ra cho mọi người cùng thưởng thức. Bộ sưu tập của tôi để trong tủ kính ở cà phê Cát Đằng, ai cũng có thể đến đó ngắm nhìn.

* Ước mơ của anh ?

- Tôi mơ ước đất nước mình, hoặc ít nhất là ở TP Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ có một bảo tàng nhiếp ảnh. Đó là nơi tập hợp những tư liệu, máy ảnh du nhập vào Việt Nam qua các thời kỳ và là nơi để những người yêu thích nhiếp ảnh đến tìm hiểu về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp hoặc đơn giản chỉ là để nhìn ngắm những chiếc máy ảnh...

* Xin cám ơn anh !

Hà Đình Nguyên
(thực hiện)

 

   

 

  mỹ thuật   


 



Picasso tự họa
 


 
55- Nghệ phẩm"Che chở" của Thân Nguyên đạt thứ hạng cao.                                                   Tích hợp
  56-
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân: 100 máy ảnh... bám bụi thời gian.                                    Sưu tầm
  57-
Triển lãm Lê Quảng Hà bị đóng cửa.                                                                                               BBC 
  58- Họa sĩ Đỗ Quang Em: Tôi là con ếch ngồi đáy giếng..                                                          Quang Thi 
  59-
Thiên tài họa sĩ Picasso.                                                                                                               Sưu tầm
  60-
 Trại Điêu khắc Quốc tế đã sẵn sàng.                                                                              Nguyễn Thanh

vhvt-10
Trở lại trang chính