vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 hội họa



 

 


Họa sĩ Đỗ Quang Em: Tôi là con ếch ngồi đáy giếng..

 

Quang Thi
Chân dung tự họa sơn dầu của họa sĩ Đỗ Quang Em (ảnh chụp lại: Đào Ngọc Thạch)

Nhắc đến Đỗ Quang Em người ta nghĩ đến hai điều: Anh là họa sĩ có tranh bán chạy và là tranh bán chạy có giá cao nhất hiện nay. Nhưng nếu chỉ đối thoại với anh về chuyện bán tranh, về giá tranh thì e rằng cuộc đối thoại sẽ nhạt nhẽo và dễ đổ vỡ vì con người Đỗ Quang Em, tranh Đỗ Quang Em không có chỗ cho những chi tiết thị trường như vậy. Hội họa của Đỗ Quang Em - cũng là con người của Đỗ Quang Em, là những tình cảm có khi rất ngây ngô với thời cuộc, nhưng lại chân thực đến tận đáy lòng với những gì mình vẽ ra...


 

* Đã là tỉ phú tranh thì không lẽ gì không ở trong một ngôi nhà to vật vưỡng, có người lập luôn cả biệt phủ, với tài sản tính bằng triệu đô la. Vậy mà anh vẫn ở ngôi nhà lọt thỏm trong khu chung cư, giá vẽ thì đặt ngay đầu giường ngủ. Tại sao anh lại thích như vậy?

- Đỗ Quang Em: À, cũng đã có nhiều người thắc mắc như anh, mà thật tình tôi cũng không biết tại sao. Tôi đã từng có một ngôi biệt thự, nhưng chưa kịp dọn đến ở thì phải bán đi. Rồi tôi có nguyên cả khu đất, đã mời kiến trúc sư vẽ kiểu, nhưng rồi cũng không xây nhà được. Nên đến tận bây giờ ngôi nhà đang ở vẫn là ngôi nhà cha mẹ tôi để lại. Nói về điều kiện thì ai cũng biết là tôi dư sức, nhưng cuối cùng không hiểu sao vẫn không làm được. Tôi nghĩ chắc tại cái số của tôi nó thế thôi !

* Thế còn chuyện tranh anh bán rất chạy, lại thuộc hàng được giá cao nhất. Chuyện này cũng do “cái số” của anh luôn chứ?

 

Bùa hộ mạng -
tranh Đỗ Quang Em

- Cái đó tôi nghĩ cũng là do trời thương, tổ tiên thương mà cho chứ đó đâu phải cái mình có, đâu phải do sức mình. Bởi vì tranh tôi vẽ cũng chỉ theo những cung cách, những quy tắc như được dạy trong trường lớp. Còn nếu có chăng sự riêng tư thì tôi nghĩ đó là tâm hồn, là sự thật lòng mà tôi đã thể hiện trong tranh. Công chúng có cảm nhận, có thương mến nghệ thuật của tôi hay không có lẽ cũng bắt đầu bằng sự chân thật ấy !

* Anh khiêm tốn thế chứ có dạo mọi người thấy tranh Đỗ Quang Em giá cao thì Đỗ Quang Em cũng tỏ ra "mục hạ vô nhân" lắm, chẳng thấy xung quanh có ai?

- Nào có phải vậy ! Tôi không biết những người nói thế là họ thương mình hay ghét mình? Bởi vì nếu là thương thì họ nói vậy để mình hạ bớt cái tính mình xuống. Còn nếu vì ghét thì họ nói thế là để tẩy chay mình. Nhưng tôi nghĩ anh em thương mà nói vậy thôi chứ tôi thì ai ghét bỏ làm gì. Bởi vì tôi cũng từng được bình chọn là nghệ sĩ được công chúng yêu thích 4 năm liền mà.

* Thế giới hội họa của anh thường chỉ quanh quẩn với những bức tranh vẽ vợ con anh, chân dung anh, với những tĩnh vật là chiếc ghế tre, chõng tre, thang tre, những viên gạch nung, cái tách, cái ấm, cái thạp... Tất cả đều quen thuộc và dân dã nhưng đều được vẽ hết sức tỉ mỉ và trang trọng. Có cảm giác khi vẽ anh luôn muốn gửi gắm cho người thân và những đồ vật ấy tất cả tình cảm của mình?

- Nói thật, tôi tự nhận mình như con ếch ngồi ở đáy giếng, không biết trời cao đất rộng là gì. Tôi chỉ biết một vợ và bốn đứa con của tôi, vỏn vẹn những người bạn mà tôi đã có. Nên tôi có vẽ, có yêu thương ai, có ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi chỉ biết vẽ chân dung tôi, vợ tôi, con tôi, và những đồ vật hằng ngày mà tôi cảm thấy thân thiết. Tôi hạnh phúc hay tôi khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường kia thì tôi hoàn toàn xa lạ. Dù có thiên nhiên đẹp đẽ, hùng vĩ đi nữa mà tôi không chiêm nghiệm được nó, không thấu hiểu được nó thì tôi vẽ để làm gì. Nhưng dù tôi có sống 100 tuổi hay đến 300 tuổi cũng chưa chắc gì hiểu hết được vợ tôi, con tôi...

* Anh luôn vẽ tả thực, nhưng có gì sai không nếu nói rằng hội họa của anh rất gần với nhiếp ảnh?

 

Tĩnh vật -
tranh Đỗ Quang Em

- Thật ra tôi vốn xuất thân từ gia đình nhiếp ảnh, cha tôi ngày xưa vốn là một nhiếp ảnh gia có tiếng đương thời. Lúc đó tôi phụ cha ở tiệm chụp ảnh nên có thể làm mọi công đoạn như tráng phim, rửa phim, chỉnh hình... Sau này cha tôi hướng tôi theo học mỹ thuật là để bổ sung để tay nghề nhiếp ảnh vững vàng hơn. Nhưng sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật năm 1968 cũng là lúc tôi quyết định đóng cửa tiệm. Chuyện này cũng là chuyện không thể ngờ trước trong cuộc đời cha tôi. Nhưng tôi nghĩ dù hội họa hay là nhiếp ảnh thì điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn của người nghệ sĩ. Còn khác chăng thì trong hội họa người họa sĩ cầm cọ để vẽ, còn trong nhiếp ảnh người chụp ảnh dùng máy móc, kỹ thuật để ghi lại hình ảnh mà thôi.

* Hội họa của anh là một cõi riêng biệt, và dù vẽ cái gì thì anh cũng muốn vẽ tới cùng của sự vật. Vậy có hay không một tình cảm chủ đạo luôn dẫn dắt trong ý thức sáng tạo của anh?

- Tôi quan niệm rằng mọi thứ nếu ta cứ vẽ thật lòng là công chúng chấp nhận. Bởi vì làm sao họ biết anh vẽ hay hay vẽ dở, nhưng tâm hồn anh thật hay không thật trong tác phẩm là công chúng có thể cảm nhận được. Công chúng sẽ nhận ra, sẽ biết ngay. Cho nên trong sáng tác đừng ai nói dóc, nói láo trong tác phẩm của mình mà phải rất chân thật. Nếu thương thì nói rằng thương, mà ghét thì phải thật tình là ghét. Trong tất cả những bức tranh của tôi, dù là chân dung hay tĩnh vật, cũng đều bắt nguồn bằng những tình cảm rạch ròi, chân thực ấy. Cũng như tranh tôi vẽ mỗi ngày mỗi khác nhau, bằng những tâm trạng khác nhau, nhưng điều còn lại vẫn là những tình cảm ấy. Và với tôi chỉ có những tình cảm ấy là quan trọng nhất thôi, còn lại thì tôi vẫn là người "vô học"...

* Anh tự nhận "vô học" ư, theo một nghĩa nào chứ?

-  Thì hồi còn học phổ thông tôi học rất ít, tháng nào cũng bị bắt đứng dưới trụ cờ vì dốt nhất trường. Mà tôi học dốt toàn diện. Toán, văn, sinh, hóa... tôi học đều dốt. Tôi chỉ biết vẽ, giờ học vẽ lúc nào tôi cũng được khen.

* Ồ, theo anh liệu đây có được coi là một "thành tích" xứng đáng được nhắc nhở với con cháu về sau không nhỉ? Hay nó chỉ là một trường hợp dị biệt về anh, về một trong số những người sáng tạo nghệ thuật?

- Bây giờ tôi cũng không biết điều đó là đúng hay là sai? Chỉ mong muốn làm sao làm được những điều giúp tôi có thể đi qua cuộc đời này một cách thanh thản. Bởi vì đời người dù sao cũng thật ngắn ngủi. Nhưng ngày xưa có người thầy luôn nhắc đến tên tôi bằng một nỗi "khiếp đảm", và đến bây giờ thầy đã có thể nói: "Trong đám học trò tôi có Đỗ Quang Em...".

* Anh nghĩ thế nào về tranh đặt hàng?

- Con người ai cũng cần tiền, dù tôi là tỉ phú thì tôi vẫn cần tiền. Nhưng nếu vì cần tiền mà làm tranh theo đơn đặt hàng thì tôi nghĩ như thế sẽ sai đi. Bởi vì nếu vẽ theo đơn đặt hàng thì người vẽ không còn thật lòng nữa, sự trung thực trong tác phẩm sẽ vơi mất. Người họa sĩ vẽ tranh ngoài mong muốn bán được tranh để có chút tiền thì còn phải biết mơ ước tên tuổi mình về sau nữa...

* Xin cảm ơn anh !

Quang Thi
(thực hiện)

 

   

 

  mỹ thuật   


 



Picasso tự họa
 


 
55- Nghệ phẩm"Che chở" của Thân Nguyên đạt thứ hạng cao.                                                   Tích hợp
  56-
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân: 100 máy ảnh... bám bụi thời gian.                                    Sưu tầm
  57-
Triển lãm Lê Quảng Hà bị đóng cửa.                                                                                               BBC 
  58- Họa sĩ Đỗ Quang Em: Tôi là con ếch ngồi đáy giếng..                                                          Quang Thi 
  59-
Thiên tài họa sĩ Picasso.                                                                                                               Sưu tầm
  60-
 Trại Điêu khắc Quốc tế đã sẵn sàng.                                                                              Nguyễn Thanh

vhvt-10
Trở lại trang chính