Triển lãm Lê Quảng Hà bị đóng cửa
BBC
Tại Việt Nam, triển lãm hội họa của một họa
sĩ ở Hà Nội vừa mới mở vài ngày đã bị đóng cửa.
Phòng tranh của họa sĩ Lê Quảng
Hà đặt tại trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội bị nói là mô tả
những cảnh hết sức quái dị và thô thiển.
Lẽ ra triển lãm của họa sĩ Lê
Quảng Hà còn trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội cho
đến ngày 20-5.
Không có giấy phép
Tuy nhiên, chiều 11-5, phòng tranh đã bị đóng cửa. Lý do mà các
ngành chức năng đưa ra là phòng tranh này không có giấy phép.
Tranh Lê Quảng Hà tại triển lãm
ở trung tâm văn hóa Pháp
Vụ Mỹ thuật-Nhiếp ảnh đã có công
văn gửi cho Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Văn hóa và Sở Văn
hóa-Thông tin Hà Nội đề nghị có hình thức xử lý và đóng cửa
triển lãm.
Ông Phạm Xuân Sinh, Vụ trưởng vụ
hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa cho đài BBC biết:
"Trước khi khai mạc phòng tranh,
thường bao giờ họ cũng mời cơ quan quản lý đến để biết. Ở đây họ
không xin phép."
"Các cơ quan quản lý ở Việt Nam
đã có những hướng dẫn. Bên trung tâm văn hóa Pháp có nêu lý do là
người thư ký ở đấy vì ốm nên không làm các thủ tục. Nên sai là ở
phía trung tâm. Trước hết là về thủ tục họ không làm đúng thì
chúng tôi đề nghị phải làm đúng."
Bên cạnh lý do thủ tục, một nguyên
nhân khác, theo giới chuyên môn, là các bức tranh mang đến triển lãm
đã khiến nhiều người bị sốc.
Nội dung tác phẩm
Họa sĩ Lê Quảng Hà, năm nay 40 tuổi, được giới phê bình và mua
tranh trong ngoài nước đánh giá cao, nhưng cũng là người gây tranh
cãi vì các tác phẩm của mình.
Năm 2001, một triển lãm của ông
tại Hà Nội suýt bị đóng cửa và chỉ được cho phép triển lãm sau
khi đã rút lại bảy bức tranh, còn ba bức thì phải đổi tên.
Một bức tranh có tên ‘Vẻ đẹp
truyền thống’ phải đổi tên vì vẽ gương mặt một cụ già xấu xí.
Một bức khác bị cấm, có chủ đề
về cuộc chiến ở Afghanistan, vẽ một người đeo khăn trùm đầu của
tộc trưởng làm từ lá cờ Mỹ.
Lần này, trong những bức tranh tại
triển lãm ở trung tâm văn hóa Pháp, có bức vẽ một người để hở
bộ phận kín, có bức lại họa những người lõa thể bên cạnh một
con chó.
Trong bài viết bày tỏ thiện cảm,
đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng nói đại ý là họa sĩ nhìn thấy
ở mỗi người không chỉ có phần Người, mà cả phần Con trong đó.
Còn một tờ báo chỉ trích họa sĩ
là “mô tả những con người và cảnh tượng hết sức quái dị, trần trụi và thô
thiển”, “mô tả những cảnh sinh hoạt đầy bản năng giới tính đến hoang dại”.
Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như
Hương từ Hà Nội nói
"Tôi thấy tiếc là phòng tranh
ấy bị hạ, có thể vì anh Lê Quảng Hà cũng hơi cực đoan. Anh ấy đi
trước thẩm mỹ của nhiều người ở Việt Nam. Nhiều người không trong
giới nghệ thuật không hiểu hay thông cảm hết thì cho nghệ thuật đó
là suy đồi."
Trong những năm qua, mỹ thuật có
lẽ là lĩnh vực ít chịu sự kiểm duyệt nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh sự thông thoáng của cơ
quan quản lý, thì một lý do khác còn là đa số họa sĩ Việt Nam
ít đụng chạm đến các vấn đề xã hội.
Câu chuyện xoay quanh triển lãm bị
đóng cửa của ông Lê Quảng Hà có lẽ thể hiện giới hạn của sự
thông thoáng này đối với người nghệ sĩ ở Việt Nam.
Khi đài BBC gọi điện cho họa sĩ Lê
Quảng Hà, ông bày tỏ sự thận trọng và chỉ nói sẽ có một buổi
họp báo để thảo luận vấn đề:
"Tôi đang có sự thu xếp cho một
cuộc hội thảo công khai giữa các nhà phê bình nghệ thuật, nghệ sĩ
cùng với báo giới trong ngoài nước. Sẽ cùng nhau nói chuyện và
tôi sẽ trả lời tất cả các phản biện."
Triển lãm tranh của Lê Quảng Hà
Bảo Lưu
Một cảm giác rờn rợn khi xem tranh của Lê Quảng Hà.
Những khuôn mặt ma quái, những ánh mắt hờn ghen như chất vấn, dằn vặt
người đối diện. Dường như họa sĩ muốn lôi ra ánh sáng tất cả góc
khuất của cuộc sống, những góc tối mà cuộc đời mỗi người đều tồn
tại và muốn chôn giấu.
Tranh của họa sĩ thể hiện dưới cách nhìn góc cạnh,
đi sâu vào mặt trái cuộc sống và hơi mang tính siêu tưởng. Thân hình
của người thiếu nữ mang khuôn mặt quỷ dữ; dàn nhạc hòa âm lướt dưới
bàn tay gân guốc của những bộ xương khô; phút yêu thương lãng mạn xung
quanh bầy chó hoang... Đó là những giây phút phần "Người" nằm im, để
mặc cho phần "Con" trong mỗi cuộc đời lên tiếng và vẫy vùng.
Màu sắc trong tác phẩm của Lê Quảng Hà cũng lạ như
tranh của anh. Nó dựa hoàn toàn trên cảm xúc mãnh liệt mà không tuân
theo một quy tắc nào của nghệ thuật hình họa. Những sắc màu trong
sáng, mạch lạc, không lẫn nhòa trong nhau. Hình khối, bố cục trong mỗi
tác phẩm cũng rõ ràng, đôi khi tạo cảm giác hơi căng cho người xem,
nhưng không vì thế mà mất đi vẻ hài hòa.
Triển lãm trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp L'espace
- 24 Tràng Tiền, Hà Nội hết ngày 20/5.
Bảo Lưu