vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  điện ảnh



 

 


Chiến tranh vẫn là bi kịch'
BBC

 

Bộ phim Thành Troy của đạo diễn người Đức Wolfgang Petersen được công chiếu ngày 14-5 vừa qua.

Với kinh phí được nói là lên đến gần hai trăm triệu đôla, đây là một trong những phim kinh phí lớn nhất của năm 2004.

Cuối tuần qua, nó đã thu 45.6 triệu đôla trong mấy ngày chiếu đầu tiên để trở thành phim dẫn đầu bảng ăn khách tại Mỹ.

Chương trình Front Row của đài BBC đã gặp ông và đặt câu hỏi phải chăng khi dựng phim này, ông cũng muốn đặt sự so sánh với các diễn tiến lịch sử khác trong thế kỷ 20 và hiện nay:

Nhân vật Paris và Helen trong phim

Việc bắt cóc Helen là ngòi nổ cuộc chiến thành Troy

Wolfgang Petersen: Tôi nghĩ thiên tài của Homer to lớn và gây kinh ngạc đến mức ngay từ ba ngàn năm trước, ông ấy đã biết chính xác con người hành động ra sao, đánh nhau ra sao. Nếu ta đọc lại những gì ông ấy mô tả và so với những gì đang xảy ra, thì ta sẽ thấy con người đã không thay đổi bao nhiêu. Thế giới vẫn tồn tại, nhưng chúng ta vẫn là sinh vật rất hung hăng, sẵn sàng tham chiến.

BBC:Nhiều đạo diễn Mỹ khi làm phim chiến tranh thường chịu ảnh hưởng từ chiến tranh Việt Nam. Với ông, ông có chịu ảnh hưởng từ kinh nghiệm của một người Đức?

Wolfgang Petersen: Tôi không sinh ra trong thời chiến, nên không có kinh nghiệm cá nhân liên quan chiến tranh. Tôi chỉ hiểu thông qua những gì học được từ cha mẹ, từ trường học. Tôi cũng có khuynh hướng giống như khi làm phim về tàu ngầm Thế chiến II, tức là mô tả thực tại cuộc chiến mà không theo về phe nào.

Cả tác phẩm của Homer về cuộc chiến thành Troy cũng nói là chả có cuộc chiến tranh nào có sự phân biệt rõ ràng giữa người tốt, kẻ xấu. Tôi cũng chả tin có một điều như thế, tuy rằng tổng thống và các chính trị gia cố gắng thuyết phục chúng ta, nhưng chẳng phải thế đâu.

Chiến tranh phức tạp hơn thế. Có những người tốt chiến đấu, những người tốt ở cả hai phía, họ có những lý do cá nhân để lâm trận. Nhiều khi như vua Priam của thành Troy nói trong phim: “Đôi khi anh ra trận vì tình yêu.” Nhưng dẫu vậy, chiến tranh kết thúc trong sự phá hủy, và có nghĩa chiến tranh là bi kịch.

BBC:Có vẻ như trong phim Thành Troy không có anh hùng nào là hoàn hảo cả?

Wolfgang Petersen: Đúng vậy. Thí dụ trong cảnh đánh nhau hoành tráng giữa Achilles và Hector. Anh đứng về phe nào? Anh có tình cảm, sự thông cảm dành cho hai người. Vì sao? Hector là một dũng sĩ cao quý, còn Achilles lại là một người nhiều dằn vặt và ích kỷ. Chúng ta có thể thông cảm với cả hai, bởi vì ta có cả hai con người đó trong bản thân mình.

Nên sự thông minh, hay là thiên tài của Homer nằm ở chỗ: Tôi tạo ra nhân vật Achilles và khán giả thông cảm với anh ta vì tính cách anh ta có trong quý vị. Tôi tạo ra nhân vật Hector, và quý vị cũng có anh ta trong tâm tính quý vị, bởi vì sự cao quý cũng là một phần trong con người. Nên quý vị là những con người phức tạp.

Bây giờ nếu thấy các nhân vật chiến đấu trên màn ảnh, có lẽ quý vị sẽ thốt lên: Ôi, cả hai người đó đều là tôi! Nên tôi không thể tách biệt tốt xấu rõ ràng vì cả hai cũng là tôi.

BBC:Bộ phim này ra đời vào lúc nước Mỹ đang có một cuộc chiến ở Iraq. Ông có nghĩ hoàn cảnh đó khiến bộ phim gặp thiệt thòi hay không?

Wolfgang Petersen: Tôi không biết. Có lẽ cũng chả hại gì, ít nhất thì tôi hi vọng như vậy. Vào một thời chiến tranh như hiện nay, có khi người ta lại muốn vào rạp để xem chiến tranh là như thế nào, có thể để hiểu rõ hơn chiến tranh trong một hoàn cảnh lịch sử khi người ta có một cơ chế đạo đức, các chiến binh nói về danh dự, lòng tự hào, về sự tôn trọng đối phương.

Người ta hiểu những điều như thế rõ hơn trong một phim như Thành Troy hơn là nhìn ra cái đống hỗn độn ngoài kia. Kể từ chiến tranh Việt Nam, người ta không còn hiểu chiến tranh có ý nghĩa gì hơn.

Các tổng thống giải thích đây là người tốt, đây là người xấu, nhưng người dân hồ nghi hình như đây không phải là sự thật. Đâu có dễ như vậy. Đấy, phim Troy nói với chúng ta rằng đâu có dễ̃ như vậy.

BBC:Bộ phim gây ấn tượng về không khí sử thi của phim, nhưng đồng thời cũng bị nhiều nhà phê bình chê bai là không trung thành với nguyên tác. Ông nghĩ thế nào?

Wolfgang Petersen: Các báo chạy các hàng tin lớn nói chúng tôi làm phim này hiện thực quá. Như việc bỏ hết các vị thần đi, không giống như trong Iliad, nơi mà các vị thần xuất hiện và can thiệp.

Chúng tôi nghĩ bây giờ không còn thích hợp nữa. Ngay cả Homer, tôi có cảm giác ông ấy ở trên cao và mỉm cười bảo: Ôi, các cậu không thể làm thế nữa đâu. Ý tôi là chả ai bây giờ lại tin chuyện thần thánh. Ba ngàn năm trước, tôi có thể làm thế, chứ bây giờ thì không. Nên chúng tôi loại các vị thần ra khỏi phim.

BBC:Còn về nhân vật Achilles, ông mô tả nhân vật này không có nhiều vẻ thần thánh như trong truyện.

Wolfgang Petersen: Chúng tôi không biến anh ta thành vị thần. Có một nửa trong anh ta là thần, mà cũng là qua tin đồn thôi. Anh ta có thể bị tấn công, bị sát thương. Ở đầu phim, một cậu bé bảo Achilles là nghe nói Achilles bất tử. Achilles mới trả lời: “Nếu thế thì ta lại mặc các bộ giáp này làm chi?”

Cả cái gót chân Achilles cũng xuất hiện ngắn ngủi trong phim như một sự tôn trọng truyền thuyết, chứ không phải là hiện thực trong phim của chúng tôi.

 

   

 

 điện ảnh - sân khấu


 



 

 
  19- Phim "Green Dragon" (Rồng Xanh): trang sử đầu của người Mỹ gốc Việt.                    Bùi Văn Phú 
  20-
51 triệu người xem phần cuối của Friends.                                                                                       BBC 
  21- Nghệ sĩ Phùng Há - 94 tuổi, một ngày bình yên…                                                             Trân Huyền 
  22- Lo âu và cổ phần hóa (giải tư) hãng phim truyện.                                                               Tiền Phong 
  23- Nỗi lo hậu giải thưởng ở cải lương.                                                                                            Bảo Lưu

  24- Điện ảnh Cannes.                                                                                       Tường trình  của Người Việt
  25- Phim tài liệu chống Bush giành Cành Cọ Vàng.                                                                      Tích hợp 
  26- Chiến tranh vẫn là bi kịch'.                                                                                                               BBC

vhvt-10
Trở lại trang chính