vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  điện ảnh



 

 


Người Việt tường trình từ Cannes:
Phim mới của Trương Nghệ Mưu Chiếm Cảm Tình Khán Giả và Báo Chí

CANNES (Pháp) 19/5.- Tài tử Takeshi Kaneshiro lúng túng một lúc mới trả lời được câu hỏi của phóng viên báo Nhật trong cuộc họp báo tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes. Anh so sánh cách làm việc của hai đạo diễn Wong Kar Wai và Trương Nghệ Mưu: “Mỗi người một kiểu. Wong Kar Wai làm việc theo cảm hứng nghệ sĩ, ít khi chuẩn bị trước, mỗi buổi sáng đến phim trường chẳng bao giờ tôi biết ngày đó sắp làm gì, còn Trương Nghệ Mưu thì ngược lại, ông chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ, rất chu đáo, tính đến từng chi tiết. Rất khác nhau.”

Sự “rất khác nhau” của hai đạo diễn hàng đầu ngành điện ảnh Trung Hoa thể hiện rõ nét trong ngày hôm nay tại Cannes. Buổi sáng, ban tổ chức đã phải thông báo phải hoãn hai suất chiếu phim “2046” của Wong Kar Wai vì phim... chưa có. Ban Tổ Chức Ðại Hội Cannes cho biết, đến mai (20/5), phim “2046” mới đến phi trường Paris lúc 5 giờ sáng, vội vã mang đi làm phụ đề, rồi mang lên máy bay đến Cannes để kịp suất “gala” 7:30 tối. Hai suất chiếu cho báo chí vào lúc 9:30 sáng và 2:30 chiều phải bỏ, thay bằng hai suất (chưa báo giờ) ngày Thứ Sáu 21/5. Buổi họp báo dự trù chiều Thứ Năm phải hoãn đến chiều Thứ Sáu.

Lỗi tại ai? Lỗi tại Wong mọi đàng. Vào phút chót cách đây ba tuần nhà đạo diễn “làm việc theo cảm hứng nghệ sĩ” này đã cho quay lại một số cảnh khiến thời khóa biểu bị hoàn toàn đảo điên.

Cùng ngày, buổi chiếu ra mắt phim “House of Flying Daggers” (tiếng Quan Thoại “Shi Mian Mai Fu”, xin tạm dịch từ tựa tiếng Anh là “Hội Phi Ðao”) của đạo diễn “rất chu đáo” Trương Nghệ Mưu đã được khán giả và giới báo chí tại Cannes đón nhận nồng nhiệt. Ngay khi phim mới bắt đầu được chưa đến mười phút, sau cảnh tài tử Chương Tử Di múa trống và đấu võ với tài tử Lưu Ðức Hòa, khán giả đã vỗ tay rào rào, một điều hiếm xảy ra khi còn đang giữa phim.

Sự thành công của phim “Flying Daggers” cũng mang lại thành công cho đạo diễn và các diễn viên. Ðây là lần đầu tiên Trương Nghệ Mưu lọt vào Cannes sau 10 năm, sau phim “To Live” với Củng Lợi (Gong Li), chiếu tại đây năm 1994.

Trả lời báo Người Việt, ông Chi-Hui Yang - một giám đốc Hiệp Hội Truyền Thông Người Mỹ gốc Á - NAATA, cũng đang có mặt tại Cannes, tiên đoán, sự thành công của “phim 'Flying Daggers' báo hiệu sự trở lại của diễn viên Takeshi Kaneshiro (mẹ Ðài Loan, bố Nhật) vì đã lâu Kaneshiro chưa có một vai quan trọng nào.”

Cuốn phim “House of Flying Daggers” lấy bối cảnh thời mạt Ðường, khi nhiều nhóm phản loạn nổi dậy chống triều đình. Một trong những nhóm này là Phi Ðao Hội, mặc dù thủ lãnh đã bị ám sát nhưng vẫn còn kiên trì chống đối. Hai võ quan triều đình là Leo (do Andy Lau Tak Wah tức Lưu Ðức Hòa thủ vai) và Jin (do Takeshi Kaneshiro đóng) bèn lập mưu thâm nhập nhóm này. Nghe đồn rằng trong vùng có nàng kỹ nữ Mei (do Zhang Ziyi tức Chương Tử Di đóng) là con gái vị cựu thủ lãnh Phi Ðao Hội, Leo lập kế bắt cô này vào tù và Jin thì giả phá ngục cứu cô ra.

Leo và Jin đoán rằng Mei sẽ dẫn Jin đến sào huyệt đảng Phi Ðao. Thật vậy, Mei chỉ đường cho Jin đi trong khi Leo lần theo dõi. Ngờ đâu, vị tướng chỉ huy trong vùng lại sai lính đi lùng giết hai người này thật. Trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm, hoàn cảnh khiến kẻ “phản động” và chàng “cảnh sát” đã phải lòng nhau. Câu chuyện sẽ gỡ rối như thế nào khi họ lọt vào sào huyệt Phi Ðao Hội? Ðâu là những bí mật giấu trong tim cặp nhân tình?

Ðó là những câu hỏi chính trong đầu đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ông cho biết, “Tôi không muốn làm một cuốn phim chưởng bình thường. Tôi muốn làm loại phim võ thuật riêng kiểu tôi, trong đó có tình yêu, có đam mê. Cuốn phim có thể là phim võ thuật, nhưng nó cũng là một câu chuyện tình lãng mạn.”

Trả lời phỏng vấn trong cùng buổi họp báo, Chương Tử Di nói về việc đóng phim cho đạo diễn họ Trương. Cô cho biết, “Cuốn phim đầu tiên tôi đóng cho Trương Nghệ Mưu là 'The Road Home' đã được nhiều người yêu thích. Các phim của ông cho phép tôi được diễn xuất cá tính của tôi. Trong việc đóng phim võ thuật, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để không những diễn đạt được tâm trạng nhân vật mà còn làm được phần diễn thể lực loại phim này đòi hỏi”.

Phim “House of Flying Daggers” quay rất đẹp, hài hòa giữa những hành động trong phim và cảnh núi, rừng chung quanh. Ðể có các cảnh theo ý mình, đạo diễn đã cho quay cuốn phim này tại Cộng Hòa Ukraine (thuộc Liên Xô cũ). Trong buổi họp báo, ông giải thích “Ở Ukraine tôi mới tìm được các cảnh cần cho tôi quay. Nhiều ngoại cảnh tại Trung Quốc không còn nữa với sự phát triển đô thị, mặc dù đã có các chương trình trồng rừng nhưng cảnh rất khó tìm.” Ông cho biết thêm, “Nhân công rẻ ở Ukraine cũng là một yếu tố, nhưng ngược lại có những khó khăn khác, tất nhiên đầu tiên là trở ngại ngôn ngữ.”

Nhiều tài năng đã từng làm phim phim “Hero” cũng do Trương Nghệ Mưu đạo diễn quy tụ về với “Flying Daggers”. Ngoài tài tử nữ chính Chương Tử Di, còn phải kể đến đạo diễn võ thuật Tony Ching Siu-tung và đạo diễn ánh sáng Zhao Xiaoding.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “Flying Daggers” rập khuôn “Hero”. Trong “House of Flying Daggers” những tiểu xảo về kỹ thuật quay không nằm trong trọng tâm. Trong “Hero” có rất nhiều, có thể nói là quá nhiều, cảnh quay chậm bằng ống kính dài kéo “zoom” sát gần những mũi gươm, những giọt mưa. Trong Flying Daggers, những cảnh này ít hơn và được sử dụng khéo léo, đúng chỗ cần thiết.

Nếu “Hero” bao hàm những ẩn dụ rất bao quát về chủ nghĩa ái quốc, về xã hội Trung Hoa đương đại, phim “House of Flying Daggers” là một chuyện tình thuần túy. Không có cả một nửa lời giải thích tại sao lại có những đảng phản loạn như Phi Ðao Hội. Hầu như chính trị - động cơ hành động của cả ba nhân vật Leo, Jin, và Mei, không còn có chỗ đứng một khi tình yêu đã len vào.

Có lẽ đó là ý chính của Trương Nghệ Mưu. Trong buổi họp báo tại Cannes, ông nói thêm, “Thứ tình yêu trong phim Flying Daggers không phải là tình yêu kiểu cổ như thường thấy trong các tác phẩm văn học cổ Trung Hoa. Nó là thứ tình yêu rất hiện đại.”

Thật vậy, với hai cuốn phim “Hero” và “House of Flying Daggers”, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã nâng phim võ thuật lên hẳn một bậc, mang thể loại phim này vào thời hiện đại, vào thế kỷ 21.


Đại Hội Điện Ảnh Cannes Khai Mạc Rầm Rộ
Báo NV Cannes:

Tường trình tại chỗ của Vũ Quí Hạo Nhiên

CANNES (Pháp), 12-05. – Với cuốn phim “La Mala Educación” (tạm dịch “Học Không Nên Người ») của đạo diễn Pedro Almodóvar người Tây Ban Nha, Đại Hội Điện Ảnh Cannes đã bắt đầu rầm rộ ngày hôm nay tại đại sảnh Palais de Festival et des Congrès ngay bên bờ Địa Trung Hải tại Pháp.

Sự thực thì Đại Hội Cannes đã bắt đầu từ cả tuần trước trên toàn nước Pháp. Ngay ở Paris, không thể bước ra đường hai bước mà không đụng đầu vào Cannes. Khắp nơi ở ngoài đường, trong hầm métro, là những bảng quảng cáo cho các phim chiếu tại Cannes. Cả những cuốn phim thương mại như « Troy », phim hoạt họa « Shrek 2 », phim bắn nhau loạn xạ như « Kill Bill vol. 2 », phim hài hước đã chiếu rộng rãi ở Mỹ từ cả tháng nay như « The Ladykillers », cũng quảng cáo với dòng chữ « Sélection Officielle de Cannes » (được chính thức chọn chiếu tại Cannes) như một thứ dấu ấn chính thức công nhận chất lượng cuả phim.

Báo chí cũng một điều Cannes, hai điều Cannes. Một tờ báo phát không mang tên « A Nous Paris » (Paris cuả chúng ta) nhưng mở ra thì cũng một loạt bài về Cannes. Trên truyền hình, nỗi lo lớn cuả Pháp không phải là Iraq mà là những diễn viên nhất thời– những người làm « temp », tiếng Pháp gọi là « intermittent du spectacle » -- đang hăm doạ biểu tình phải đối kỹ nghệ phim nước Pháp không chăm lo cho họ. Thị trưởng Cannes phải phân trần rằng thì là Đại Hội Cannes mang đến cho nền kinh tế điạ phương hàng triệu euros và yêu cầu đôi bên dàn xếp ổn thoả để không làm gián đoạn đại hội. Cuối cùng, hai bên đồng ý một số diễn viên nhất thời cũng được bước chung lên thảm đỏ với các minh tinh, và Bộ trưởng Văn Hoá hưá sẽ xét đến nguyện vọng những người này muốn được ăn tiền thất nghiệp.

Việc bước lên thảm đỏ vào trong rạp – tiếng Pháp gọi là « monter les marches » dịch nguyên văn là « bước lên bậc thang » - là một thứ truyền thống cuả Cannes nhiều người ham muốn. Được monter les marches tức là được giao du với những người khác cũng monter les marches, là các minh tinh, các đạo diễn, các nhà làm phim. Nếu là diễn viên – dù là diễn viên tạm, được monter les marches là được báo chí chụp ảnh trong bộ đồ tuxedo hay trong áo đầm dài dạ hội đẹp nhất cuả mình.

Khác với các đại hội điện ảnh khác, Đại Hội Cannes không có khán giả bình thường. Không có khách mua vé xem phim. Đại Hội Cannes chỉ dành riêng cho giới phim ảnh – các đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật gia. Ngay cả giới báo chí muốn tham dự Cannes cũng phải chứng minh cho ban tổ chức rằng mình là ký giả ngành điện ảnh. Việc chứng minh này không khó: năm nay Cannes cấp thẻ báo chí cho 4,000 phóng viên, ký giả cuả các báo, truyền hình, truyền thanh trên toàn thế giới.

Tất nhiên không thể thiếu các nhà tài trợ phim, các công ty phát hành, các đài truyền hình. Trong số 30,000 người đến dự, có 5,000 nhà tài trợ và sản xuất phim, và 4,000 nhà phát hành phim. Như mọi đại hội điện ảnh khác, Đại Hội Cannes là dịp để các nhà làm phim tìm « đầu ra » cho sản phẩm cuả mình.

Ngay ngày đầu tiên, giới làm phim tại Cannes đã xôn xao về tin mới nhất : Đài truyền hình TF1 cuả Pháp đã ký hợp đồng phát hành phim « La Mala Educación » trên thế giới. Và những nhà làm phim khác đều mong đợi được một tin tương tự.

Những nhà làm phim không lọt vào Cannes cũng có thể lọt vào mắt xanh một nhà phát hành khác qua một phương pháp khác. Song song với đại hội Cannes chính thức còn có một đại hội do nghiệp đoàn đạo diễn Pháp « Société des Réalisateurs de Films » tổ chức, mang tên « Quinzaine des Réalisateurs » – Hội Mười Lăm Ngày cuả các Đạo Diễn. Nghiệp đoàn các nhà phê bình phim Pháp « Syndicat Français de la Critique de Cinéma » cũng tổ chức một « Semaine Internationale de la Critique » - Tuần Quốc Tế Phê Bình Phim. Hai đại hội bên lề này cũng lâu đời không kém Cannes. Năm nay là Đại Hội Cannes thứ 57, thì cũng là tuần phê bình thứ 43 và hội quinzaine thứ 36.

Ngoài ra, còn có một phiên chợ bán phim. Nếu có người đã mỉa mai rằng các đại hội điện ảnh chỉ là những phiên chợ trá hình, thì cái phiên chợ này không ngần ngại tự đặt tên là « Marché des Films » - chợ phim. Nghệ thuật thứ bảy cũng phải biết thế nào là kinh tế thị trường.

Chính giám đốc Đại Hội Cannes, ông Gilles Jacob, tuyên bố rằng Đại Hội Cannes năm nay hợp ý thích quần chúng hơn tất cả các kỳ trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là Cannes chỉ rập khuôn những ý muốn cuả các đại gia Hollywood. Ngược lại, như mọi năm, phim Nam Mỹ, phim Âu Châu, và phim Phi Châu vẫn có chỗ đứng vững tại Cannes hơn là tại các công ty phát hành phim cuả Mỹ. Một phim bị nhà Disney rút lại hợp đồng phát hành cũng được chiếu tại Cannes, là phim tài liệu Farenheit 911 của đạo diễn Michael Moore (từng làm phim Roger & Me) trong đó ông tố cáo chính phủ Bush bỏ lơ những dấu hiệu dẫn đến cuộc tấn công cuả khủng bố ngày 11 tháng 9.

Riêng về phim Á Châu, Đại Hội Cannes kỳ này biểu lộ sự phát triển cuả điện ảnh châu lục này. Về phía ban giám khảo có trưởng ban giám khảo, đạo diễn Quentin Tarantino, đã thú nhận mình là một « fan » cuả điện ảnh Á Châu. Điều này đã thể hiện rõ ràng trong phim Kill Bill vol. 1 đã ra và Kill Bill vol. 2 sắp ra. Tarantino cũng là một người không xa lạ với Cannes. Ông là đạo diễn phim Reservoir Dog (từng chiếu tại Cannes 1992), Pulp Fiction (đoạt giải Palme d’Or tại Cannes 1994). Cũng trong ban giám khảo 9 người còn có đạo diễn Tsui Hark, một người gốc Hoa sinh tại Việt Nam, từng đạo diễn phim Knock Off với tài tử Jean Claude Van Damme cũng như hàng mấy chục phim chưởng Hong Kong trong đó có loạt phim Wong Fei Hung (tên Việt : Hoàng Phi Hùng, tên Mỹ : Once Upon A Time In China).

Phim Á Châu cũng có mặt mạnh mẽ với 6 phim trong danh sách 18 phim truyện dài tranh giải. Hàn quốc tham gia với hai cuốn phim, « Old Boy » cuả đạo diễn Park Chan-wook và « Woman Is the Future of Man » cuả đạo diễn Hong Sangsoo. Nhật cũng có hai phim, « Nobody Knows » cuả đạo diễn Kore-Eda Hirokazu, và đặc biệt là phim hoạt hoạ « Ghost in the Shell 2 : Innocence » cuả đạo diễn Oshii Mamoru. Thái Lan cũng có một phim tham gia là phim « Sud Pralad » cuả đạo diễn trẻ Apichatpong Weerasethakul. Năm nay mới 33 tuổi, hai năm trước Apichatpong đã đoạt giải « Un Certain Regard » tại Cannes 2002.

Nhưng trong số phim Á Châu năm nay, người ta trông đợi nhiều nhất là phim « 2046 » cuả đạo diễn Wong Kar-wai, cũng là đạo diễn phim « In the Mood for Love » (ở Việt Nam gọi là « Tâm trạng khi yêu ») được khán giả Pháp rất yêu thích, thành công tại đây vượt trội hơn hẳn với thị trường Mỹ. Phim 2046, với thành phần diễn viên có Lương Triều Vỹ (Tony Leong Chao Wai) và Trương Tử Di (Zhang Ziyi), xoay quanh một tác giả viết truyện giả tưởng là vào năm 2046, khi mọi người đều có khả năng đi ngược thời gian và họ đi ngược lại quá khứ để chuộc lại lỗi mình.

Ngoài những phim truyện dài dự thi, Cannes còn có các phim dài dự giải « Un Certain Regard », các phim chiếu trong Quinzaine des Réalisateurs, trong Semaine Internationale de Critique Cinéma, 10 phim ngắn dự thi, và các phim dài và ngắn không dự thi. Quyển chương trình cuả Đại Hội Cannes dài 140 trang.

Như đạo diễn Quentin Tarantino nói trong buổi họp báo cuả ban giám khảo ngày hôm nay : « Nếu bạn thích phim, thì Cannes là thiên đường. » Phóng viên Người Việt đang sống tại thiên đường phim, và trong các ngày sắp tới sẽ tiếp tục tường trình về các phim chiếu tại Cannes cũng như về những chuyện xảy ra quanh đại hội điện ảnh lớn nhất thế giới này.

 

   

 

 điện ảnh - sân khấu


 



 

 
  19- Phim "Green Dragon" (Rồng Xanh): trang sử đầu của người Mỹ gốc Việt.                    Bùi Văn Phú 
  20-
51 triệu người xem phần cuối của Friends.                                                                                       BBC 
  21- Nghệ sĩ Phùng Há - 94 tuổi, một ngày bình yên…                                                             Trân Huyền 
  22- Lo âu và cổ phần hóa (giải tư) hãng phim truyện.                                                               Tiền Phong 
  23- Nỗi lo hậu giải thưởng ở cải lương.                                                                                            Bảo Lưu

  24- Điện ảnh Cannes.                                                                                       Tường trình  của Người Việt
  25- Phim tài liệu chống Bush giành Cành Cọ Vàng.                                                                      Tích hợp 
  26- Chiến tranh vẫn là bi kịch'.                                                                                                               BBC

vhvt-10
Trở lại trang chính