vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  sân khấu



 

 

 

NSND Phùng Há - 94 tuổi, một ngày bình yên…

VietNamNet) - Đối với NSND Phùng Há, sinh nhật của bà (30/4) cũng chính là ngày bà làm lễ báo hiếu hai đấng sinh thành của mình. Năm nay cũng vậy, 11 giờ trưa ngày 30/4/2004, NSND Phùng Há sẽ làm lễ báo hiếu tại Chùa Nghệ Sĩ – nơi bà trú ngụ mấy năm nay.

 

NSND Phùng Há

Giữa trưa nắng gắt, bước vào không gian riêng của NSND Phùng Há – một căn nhà nhỏ nằm yên tĩnh trong góc Chùa Nghệ Sĩ, tôi cảm thấy lòng thanh thản lạ lùng. Má ngồi đó, chờ chúng tôi tự bao giờ. Bao lần gặp, tôi vẫn mãi ngạc nhiên trước phong thái thanh lịch của má ở tuổi 94. Vẫn mãi ngạc nhiên cho sức quyến rũ còn vương vấn trong đôi mắt, làn môi, trong hơi hướng nồng nàn và mãnh liệt của niềm đam mê, của lòng nhiệt tâm kỳ lạ đối với nghề. Sức quyến rũ đó theo năm tháng càng nồng đượm, không hề phôi phai như nhan sắc, không trôi đi như tuổi thanh xuân…

 

Chiêm ngưỡng thời gian của má – hơn 8 thập niên gắn bó với nghề, tự dưng tôi cảm thấy lòng khác lạ. Ông bầu Xuân bảo: “Tối qua, 10 giờ đêm tôi phải gọi điện nhắc má cố gắng đi ngủ sớm để ngày mai có nhà báo lên thăm. Bởi tôi biết tánh má, biết có mấy anh chị phóng viên ghé, má lại mừng thao thức chẳng ngủ được”. Tôi ngỡ ngàng mắt chợt cay, bối rối cảm thấy mình như người có lỗi. Má cười ánh mắt hóm hỉnh bảo: “Lão bà này có gì để viết nữa đâu. Khán giả đã biết tôi ngót một thế kỷ rồi, sợ nhàm chán quá xá. Bây giờ tôi chỉ thích ngồi trò chuyện chơi cho vui thôi…”.

 

Chúng tôi đã ngồi thật lâu để nghe má kể những câu chuyện không đầu không cuối. Quá khứ, hiện tại và tương lai như cùng trộn lẫn trong câu chuyện của má. Má lật lại cho chúng tôi xem từng tấm ảnh trắng đen xưa cũ. Rất nhiều tấm ảnh thời má còn rất trẻ, rực rỡ xuân sắc của tuổi hoa niên. Có tấm ảnh trông má như cô gái chân quê với tóc bánh lái, tấm áo nâu. Nhiều bức ảnh đã ố vàng theo thời gian mà tôi không thể nhận rõ được mặt người. Có những cái tên má nhắc đến, với thế hệ hậu sanh như chúng tôi chẳng thể nào biết hết được.

 

Ngạc nhiên đến “kỳ lạ” là má nhớ rành rẽ từng chi tiết, từng tên vở diễn, tên tác giả, từng kỷ niệm xưa với người trong ảnh. Mỗi tấm ảnh xưa như lật lại cho chúng tôi từng trang đời má. Tấm ảnh này má chụp với nghệ sĩ Từ Anh trong vở “Tô Ánh Nguyệt”. Ảnh kia má đóng vai Phạm Lãi, diễn chung với cô Kim Lan trong vở “Tây Thi gái nước Việt”. Ảnh khác má cùng diễn với NSND Năm Châu và Thanh Nga trong vở “Vợ và người tình”, v.v… và v.v…

 

Trong dòng ký ức miên man, những nhân vật xưa, người xưa, cảnh xưa giữa cái nắng gắt buổi trưa như trở về cùng má. Đôi mắt đẹp mơ màng, má phân tích cho chúng tôi nghe tính cách của từng nhân vật. Má tả cái tình đắm đuối của Đường Minh Hoàng dành cho Dương Quý Phi, giọng nói đầy cảm xúc như thể má đang diễn trên sân khấu. Vẫn ngồi nguyên trên ghế, má vừa ca vừa diễn lại cho chúng tôi xem đoạn Đường Minh Hoàng si tình Dương Quý Phi. Cây bút trên tay tôi không theo kịp lời ca của má... Nhắc đến Lựu (nhân vật chính trong vở “Đời cô Lựu”), đôi mắt má ấm áp lạ lùng. Tôi hiểu má đã yêu Lựu biết bao, yêu tất cả những người đàn bà (cả những người đàn ông) đã đi qua cuộc – đời – nghệ – thuật của má. Họ đã trở thành lẽ sống của đời má.

 

Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ cả nhan sắc, cả tuổi trẻ, cả những dấu vết xưa… Nhưng, có một thời gian trong lòng má đã trở thành vĩnh cửu. Hôm qua, hôm nay vẫn vậy, má luôn đi về trên con đường thời gian vô tận. Má đã làm nên biết bao những công trình nghệ thuật tuyệt tác. Từ những cái hình như chưa có gì là tuyệt tác, chỉ một ít cát bụi, má cũng có thể làm nên bao nhiêu châu ngọc để lại cho đời.

 

“Tôi sống ở đây, ngày ngày nghe tiếng chuông chùa, ngày ngày sống gần những người bạn của tôi, tôi cảm thấy lòng rất vui và thanh thản. Tôi hay nhớ đến những người thân, những người bạn nghề đã cùng tôi đi suốt một chặng đường dài nghệ thuật. Họ đã rời tôi đi lâu rồi, nhiều người đang nằm ở đây, trong nghĩa trang nghệ sĩ này, trong khi tôi thì còn ở lại. Anh Năm Nở trước khi mất còn gởi cho tôi một ký táo đề tặng Phụng Hảo. Trước sau anh vẫn muốn tôi đổi tên là Phụng Hảo. Khi anh Năm Nở mất, tôi không dám đi dự đám tang vì tôi cảm thấy lòng buồn quá đỗi…

 

Nghệ sĩ Phùng Há và nam
tài tử điện ảnh người Pháp
 Yves Montand.   

Có những đêm khuya cô tịch, vắng lặng, mênh mông, tôi cảm thấy mình như đi lạc vào cái xa thẳm của thời gian, như nghe được trong hồn cả hơi gió lạnh buốt từ cõi vô cùng đưa đến. Tôi thấy tôi ở tuổi 13, từ chốn lò gạch bước vào sân khấu, thấy tôi ở tuổi 16 – ham hát đến nỗi… mỗi đêm đòi sắm năm, sáu vai tuồng. Tôi lại thấy tôi đẫm nước mắt, đắm chìm trong nỗi đau của Lựu, của Tô Ánh Nguyệt, của Hương… Biết bao người đàn bà, bao vai diễn đàn ông đã đi qua cuộc đời tôi. Tôi đã có trong hồn bao tâm hồn, bao cá tính. Cho đến bây giờ sống qua gần một thế kỷ, tôi nghiệm ra rằng sân khấu đã cho tôi một niềm tin vững chãi để tôi không cảm thấy mình lạc loài giữa cái mênh mông của đất trời, cái xa vắng của thời gian…”.

 

- Một ngày má thường làm gì?

 

- Nếu tối ngủ được, tôi thường dậy sớm, tập Yoga ngay trên giường, rồi đi bách bộ loanh quanh trong chùa. Có những ngày tôi rất bận, nhưng cũng có những ngày tôi chỉ ngồi nhìn… thời gian đi qua. Ông bà ta thường nói: “Một ngày của người già là tất cả những ngày qua cộng lại”. Tôi đang sống bằng niềm vui, bằng kỷ niệm của quá khứ. Hơn thế, tôi còn vui sống trong biết bao công việc bộn bề của giới sân khấu, chùa nghệ sĩ, việc ái hữu, việc xây dựng nhà dưỡng lão, việc đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ, v.v… Tôi luôn mơ ước sẽ xây dựng được một nhà trẻ cho giới nghệ sĩ sân khấu. Tôi nghĩ, chúng ta đã chăm chút tốt cho “cửa tử” của nghệ sĩ – đó là “nghĩa trang cho nghệ sĩ”. Và chúng ta cũng đã chăm sóc được một số nghệ sĩ già yếu ở viện dưỡng lão. Nhưng còn “cửa sinh” – còn rất nhiều con em trẻ thơ của anh chị em nghệ sĩ không được ăn học dưỡng dục đến nơi đến chốn. Chăm sóc tốt cho chính những đứa con nhà nòi ấy, cũng chính là chúng ta đang chăm sóc cho “cửa sinh” của sân khấu cải lương vậy.

 

… Ở tuổi 94, má vẫn không thôi lo lắng cho tương lai của sân khấu cải lương, không thôi lo lắng cho lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa. Tôi nghe má kể, giọng đầy nuối tiếc cho một nghệ sĩ trẻ có sắc vóc khá sáng sân khấu, nhưng không chịu tiếp thu những bài học sân khấu của má. Tôi chỉ thấy má buồn mà không trách giận. Buồn vì những châu ngọc của một nền nghệ thuật mà má hằng trân trọng cả một đời, nhưng một số người trẻ sau này thì lại cho rằng nó đã trở nên lỗi thời…!

 

- Hình như khu du lịch Đầm Sen có mời má đến dự chương trình sân khấu cải lương nhân dịp 30/4?

 

- Ờ. Kể từ sau đêm diễn “Trọn đời trả nợ dâu” ở rạp hát Hưng Đạo thì Đầm Sen và cả Đài Truyền hình có mời tôi tham gia, nhưng tôi đã từ chối…

 

- Vì sao hở má?

 

- Tôi già rồi, rất sợ xuất hiện trước khán giả. Bởi tâm lý ai mà chẳng vậy, thấy người già, xấu xí, chán chết đi được!

 

Chữ “già” má nói mà mắt như lấp lánh nụ cười tinh nghịch.

 

Hình ảnh ấy, vẫn còn lưu mãi trong trái tim tôi…

  • Trân Huyền

 

   

 

 điện ảnh - sân khấu


 



 

 
  19- Phim "Green Dragon" (Rồng Xanh): trang sử đầu của người Mỹ gốc Việt.                    Bùi Văn Phú 
  20-
51 triệu người xem phần cuối của Friends.                                                                                       BBC 
  21- Nghệ sĩ Phùng Há - 94 tuổi, một ngày bình yên…                                                             Trân Huyền 
  22- Lo âu và cổ phần hóa (giải tư) hãng phim truyện.                                                               Tiền Phong 
  23- Nỗi lo hậu giải thưởng ở cải lương.                                                                                            Bảo Lưu

  24- Điện ảnh Cannes.                                                                                       Tường trình  của Người Việt
  25- Phim tài liệu chống Bush giành Cành Cọ Vàng.                                                                      Tích hợp 
  26- Chiến tranh vẫn là bi kịch'.                                                                                                               BBC

vhvt-10
Trở lại trang chính