vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  âm nhạc



 

 

 

Dương Thụ: 'Âm nhạc Việt Nam chưa thể hội nhập' 

đhf

Nhạc sĩ
Dương Thụ.

"Âm nhạc Việt Nam có hội nhập hay không, đầu tiên nó phải trở thành một thứ hàng hóa. Để đạt được điều này, trước hết phải đủ tiêu chuẩn. Trong chiều hướng này, âm nhạc Việt Nam chưa đáp ứng được", nhạc sĩ Dương Thụ nói. 

- Vậy theo ông, đâu là lý do?

- Nền văn hóa đại chúng, cái đẻ ra nhạc trẻ chưa phát triển mạnh. Nhu cầu đại chúng về giải trí là có nhưng chưa thật cao cấp. Nền văn hóa ấy vẫn chấp nhận những sản phẩm giá rẻ. Nhu cầu như thế, nên người cung cấp không bị sức ép để gia tăng chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, sản phẩm văn hóa đại chúng không đạt tiêu chuẩn bán ra nước ngoài cả về kỹ thuật và chất lượng nghệ thuật. Hội nhập không phải là vấn đề tài năng cá nhân. Đấy chỉ là cách làm.

- Liệu chúng ta đã có một thị trường đúng nghĩa về mặt nghệ thuật?  

- Chưa có, vì thế giá trị thị trường chưa được xác định và công nhận. Điều này phụ thuộc vào nền kinh tế chung. Âm nhạc cũng như một số ngành khác không có chuyện thần kỳ như bóng đá. Việt Nam gia nhập ASEAN khá muộn. Về mặt kinh tế cũng thuộc nhóm kém nhất trong khối. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế, để chen chân vào phải có thời gian, không thể đột phá. Hội nhập âm nhạc phải thông qua con đường duy nhất là thương mại chứ không phải giao lưu.

- Trong khi chờ đợi chiến lược phát triển mang tính quốc gia, các nhạc sĩ cần nỗ lực những gì?

- Tôi chẳng bao giờ nghĩ phải có nỗ lực hay không. Việc sáng tác âm nhạc là việc tự nhiên của người nhạc sĩ. Còn việc bán nó ra nước ngoài là việc của nhà kinh doanh.

Không có chuẩn nào cho sự phấn đấu ấy. Cái quan trọng là cần có thứ văn hóa bán được. Lĩnh vực âm nhạc có nhiều khu vực. Đối với nền văn hóa đại chúng, xã hội nào có thứ âm nhạc ấy. Không có thứ âm nhạc đại chúng văn minh hơn đời sống thật. Nhạc sĩ không cần làm gì đó để hội nhập. Khi đất nước hội nhập được, tất nhiên nhạc sĩ cũng hội nhập được thôi.

- Với trường hợp ca sĩ Mỹ Linh, có thể coi âm nhạc Việt Nam đang bước một chân vào thị trường âm nhạc Mỹ?

- Chưa thể coi như thế được. Rất nhiều người lầm lẫn về chuyện này. Cô ấy phải hát theo hợp đồng là những tác phẩm của Mỹ, nguời ta viết cho cô ấy hát (theo phong cách miền Tây nước Mỹ). Nhà sản xuất hy vọng rằng, giọng hát Việt Nam của Mỹ Linh sẽ trở thành sự pha trộn làm cho phong cách miền Tây của Mỹ mới mẻ hơn. Nếu đĩa của Mỹ Linh bán được và lọt vào top nào đó, chúng ta cũng tự hào vì cô ấy là người Việt Nam. Nhưng không thể vì điều đó mà nói âm nhạc Việt Nam chinh phục nước Mỹ. Giọng hát của cô ấy chỉ là một chất liệu. Người ta vẫn mơ hồ về chuyện hội nhập. 

- Theo ông, âm nhạc truyền thống Việt Nam liệu sẽ chinh phục được những khán giả không có chung nền văn hóa như chúng ta?

- Tất nhiên sẽ chinh phục với điều kiện được khai thác một cách văn minh, phù hợp với khuynh hướng phát triển của âm nhạc đại chúng trên thế giới ngày nay. Nếu vậy thì đây là lợi thế lớn. Nước ta có khoảng 60 dân tộc với chất liệu âm nhạc phong phú, nước ngoài chưa hề biết đến. Giới trẻ quốc tế ưa chuộng cái lạ. Vì vậy, nếu làm với thái độ văn minh, tôi tin là sẽ rất đắt hàng.

(Theo Đẹp)

 

   

 

 

   âm nhạc


 




Kim Tuấn

 

  11- Âm nhạc Việt Nam chưa thể hội nhập.                                                                                             Dương Thụ
  12-
Ca sĩ... lề đường.                                                                                                                               Nguyễn Bình 
  13-
Nhạc trẻ không có tội!                                                                                                                             Sưu tầm 
  14-
Tình Ca VN Một Thời Hạnh Phúc.                                                                  Ðào Trường Phúc - Người Việt 
  15- Nỗi niềm ca sĩ hát dân ca.                                                                                                                        Tuổi Trẻ 
  16- Đạo thơ trong nhạc.                                                                                                                           Thanh Niên

vhvt 11
Trang bìa chính