vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
âm nhạc |
|
Đạo thơ trong nhạc Thanh Niên
Thơ khơi nguồn cảm hứng cho nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ thăng hoa. Thế nhưng, đằng sau những cuộc hôn phối nghệ thuật này đôi khi lại xảy ra những chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa hai đồng tác giả. Tuần qua, người nhà của cố thi sĩ Kim Tuấn đến Trung tâm Bản quyền - Hội Nhạc sĩ Việt Nam để nhận tiền tác quyền bài thơ Lý cây bông (trong tập Thơ lý và thơ ngắn, NXB Văn nghệ TP HCM 2002), được nhạc sĩ T.Q.T phổ nhạc. Đến nơi, họ té ngửa bởi "đồng tác giả" đã nhanh tay "nhận giùm". Dù đã được năn nỉ "đừng làm lớn chuyện", nhưng chị Phương - vợ nhà thơ cũng không giấu được bức xúc: "Từ ngày nhà tôi mất, gia đình tôi rất ít quan tâm đến chuyện tác quyền. Sở dĩ lần này chúng tôi đến là do trung tâm mời. Vả lại tiền tác quyền cũng chẳng là bao. Thế nhưng, khi sự việc đã "lỡ" rồi, họ lại cắc cớ bắt con tôi phải chứng minh đó là tác phẩm của Kim Tuấn và là người nhà của tác giả. Tôi thấy đây là một kiểu làm ăn tắc trách cũng như xúc phạm đến người đã khuất. Bởi nếu không biết chúng tôi thì họ đã không mời. Riêng nhạc sĩ T.Q.T, tôi buộc phải đến xin lỗi gia đình tôi tại nhà nhưng cho đến nay không thấy ông ấy đến". Có một dạo, báo chí đăng tải chuyện ông nhạc sĩ ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu lấy thơ của bạn hiền ở tỉnh Bình Phước phổ đến 13 bài, mà vẫn "vô tư" không hề cho bạn được "đồng hành" với tên mình trên các bản nhạc. Nhà thơ nữ P.N Thường Đoan cũng từng không thấy tên mình đính kèm tên của nhạc sĩ Phú Quang (ca khúc Catina cà phê sáng), và bên nhạc sĩ Phan Khanh (ca khúc Mơ hồ) trong album của một nữ ca sĩ trẻ do Công ty Văn hóa tổng hợp Bến Thành sản xuất. Nhà thơ Nguyễn Hải Thảo cũng ngán ngẩm không kém khi bài thơ Xin đừng quên tôi được nhạc sĩ Quốc An phổ nhạc và được ca sĩ Đoan Trang hát nhiều lần nhưng chỉ có tác giả phần nhạc được giới thiệu. Sau khi báo chí lên tiếng, nhạc sĩ liền đặt lời 2 (vẫn giữ giai điệu) và đổi tựa là Forget me not để không còn dính chút gì đến Hải Thảo nữa. Nhạc sĩ Quốc An cũng từng kiện một công ty quảng cáo đã sử dụng "ca khúc của tôi" (Cây đàn sinh viên) trong một đoạn phim quảng cáo trên truyền hình mà không xin phép. Đáng ra phải là "ca khúc của chúng tôi" bởi anh đã phổ ca khúc này từ thơ của Thuận Thiên. Nhà thơ Nguyễn Hải Thảo cũng còn bài thơ Giả đò được Dzoãn Bình phổ nhạc nhưng tên tác giả thơ thì của... "ông bác sĩ nào đó bên quận 6" như lời Hải Thảo nói. Gần đây, trong một đĩa CD do H.T Production phát hành có bài hát nổi tiếng Nổi lửa lên em, đáng tiếc là chỉ có tên tác giả nhạc Huy Du mà sót tên tác giả thơ Lam Giang. Cũng có khi trên các văn bản vẫn ghi tên hai đồng tác giả một cách đàng hoàng, thế nhưng nếu có đơn vị nào đó mời giao lưu, thì... nhạc sĩ cứ thế mà "bốc" về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, y như chỉ mỗi mình "rứt ruột đẻ ra"! Cũng chính vì thế mà bài Huế, tình yêu của tôi đã có lời cải biên: "Ôi Huế của tao, không phải Huế của mày...". Đa số các trường hợp "quên" tên tác giả thơ thường bị đổ là: "Do thiếu sót về khâu kỹ thuật, do họa sĩ design bìa, do biên tập, do người làm chương trình...". Nhiều nhà thơ cho biết, điều họ cần không phải là tiền bạc mà là "sự thừa nhận một cách tương xứng với đóng góp của họ để tạo thành tác phẩm”. (Theo Thanh Niên)
|
|
âm nhạc |
|