vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
âm nhạc |
|
Nhạc trẻ không có tội!
Trong thời gian qua, đã có sự hỗn loạn trong không khí âm nhạc cả nước, nhất là ở giới nhạc trẻ. Có nhiều ý kiến phê phán nặng nề và kết tội loại hình âm nhạc này. Theo tôi, tất cả các loại hình âm nhạc không có tội gì hết. Cái tội là do ý tưởng con người đặt vào đó: phản động, đồi trụy, lố lăng, não tình... Hãy nhìn vào một đội ngũ viết trẻ sau 30/4/1975 gồm: Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Trần Tiến, Phạm Đăng Khương, Phạm Trọng Cầu, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Nguyễn Đạt, Chu Minh Ký, Bảo Phúc, Thế Hiển... Mỗi tác giả cũng viết ít nhất từ 2 đến hơn 10 ca khúc phục vụ cho các sân khấu tụ điểm ca nhạc, các hoạt động chính trị, các đoàn lưu diễn trong và ngoài nước từ 1979 đến 1995 và sau này. Phần lớn một số ca khúc đã viết trong thời điểm đó đã trở thành nhạc truyền thống của Thanh niên Xung phong, của các phong trào sinh viên học sinh, thanh niên công nhân. Chúng ta phải suy nghĩ tại sao phong trào nhạc trẻ hiện nay lại bị phê phán thường xuyên, thậm chí có những người thành kiến dị ứng với nhạc trẻ. Theo tôi, có 3 vấn đề cốt lõi đưa đến tình trạng không tốt trong thời gian qua là có những kẻ lợi dụng cơ chế thị trường, sự quản lý không hợp lý và việc đầu tư phát triển không hợp lý, chưa đến nơi đến chốn. Cơ chế thị trường đã bị “lũng đoạn” ra sao? Cơ chế thị trường đã tạo ra được bước đột phá cho việc kinh doanh âm nhạc. Các trung tâm băng đĩa tư nhân ào ạt ra đời. Sự cạnh tranh gay gắt với những xảo thuật, những trò tung hê loạn xạ hay mua chuộc từ báo chí, phát thanh, truyền hình, hội nghề nghiệp và cả những nhà quản lý. Họ không từ bỏ bất cứ ai có thể tạo được cơ hội có lợi cho họ. Để có được những tác phẩm giá rẻ bất ngờ họ đã khuyến khích một số nhạc công, hay một số nhạc sĩ trẻ dựa theo những ca khúc nước ngoài nổi tiếng để "nhái" lại. Ca sĩ được lăng-xê bằng nhiều cách, một số "cò" trong vai khán giả mang hoa, mang búp bê chạy từ sân khấu này đến sân khấu khác để tặng. Bài hát nào cũng phải có múa minh họa; một cách hát ngọng nghịu hoặc cường điệu cũng được ra đời. Ca sĩ có cận vệ theo xô đẩy, tạo rối loạn nhiều điểm diễn để gây sự chú ý... Muôn ngàn kiểu cách cạnh tranh, thậm chí còn có kẻ chửi bới nhau trên mạng rất mất văn hóa. Quản lý chưa có... lý! Tất cả các sân khấu lớn nhỏ, các chương trình băng đĩa đều do các Sở Văn hóa - Thông tin quản lý. Cửa ngõ các đài phát thanh truyền hình cũng do nhà nước quản lý. Ấy thế mà "nhạc nhái", "nhạc copy" vẫn xuất hiện trên thị trường băng đĩa, trên sàn diễn, trên các đài là tại sao? Không biết những nhà biên tập âm nhạc ở những cơ quan xuất bản cũng như các nhà quản lý có đọc kỹ lời của các ca khúc trước khi cấp phép kinh doanh hoặc cho phép phát sóng không? Tôi nghĩ rằng, nếu có xem xét cẩn thận (và vô tư), các quý vị ấy sẽ không đồng ý cho thứ văn hóa thô thiển đó ra đời. Cần đầu tư đến nơi đến chốn Chúng ta thừa biết mặt trận nhạc trẻ là mặt trận phức tạp, tốt cũng nó mà xấu cũng nó. Bất cứ thời đại nào, tuổi trẻ cũng gần với nhạc trẻ hơn các loại hình khác. Nếu không đầu tư để cho ra đời những tác phẩm tốt gắn liền với ý thức xã hội và mang đậm tính dân tộc cũng là điều thiếu sót lớn. Đã có hàng trăm tác phẩm do các hội, các ngành đầu tư cho các nhạc sĩ viết, xong rồi không có tiền tiếp theo để công diễn, để thu băng đĩa, để giới thiệu ở truyền hình phát thanh... hóa ra lãng phí tiền nhà nước. Đã có đầu tư hoặc vận động sáng tác, tôi nghĩ phải thực hiện đến nơi đến chốn. Trong các loại hình âm nhạc không nên xem nhẹ loại nhạc nào. Loại nào cũng cần nâng đỡ và tạo điều kiện để đi đúng hướng phát triển của xã hội và của nền văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta xem thường nó, để nó đi sai lệch gây tác hại cho lớp trẻ thì âu cũng là lỗi của những người có trách nhiệm. Có thể nói, nhạc trẻ là một loại hình nhạy cảm, có thể trở thành một loại ca khúc chính trị, ca khúc xã hội mang tính giáo dục và cũng có thể đưa giới trẻ đến những điều không tốt. Do đó, sự quan tâm đến nó, đến ý thức xã hội của người viết là một điều không thể thiếu. Nhạc trẻ chẳng có tội gì, nó có thể bị lệch lạc bởi ý thức của nhạc sĩ, ca sĩ, người biên tập, của các trung tâm kinh doanh âm nhạc và các nhà quản lý mà thôi.
Nhạc sĩ trẻ nghĩ gì? Nhạc sĩ Đức Trí: Với tư cách là nhà sản xuất, tôi nghĩ nhạc sĩ trẻ luôn luôn trau dồi, đó là cách tốt nhất để tồn tại và thời gian sẽ trả lời. Hiện nay, đã có nhiều lời trách cứ các nhạc sĩ trẻ thì tôi nghĩ không nên chỉ trích họ mà nên hướng dẫn và động viên họ để làm tốt hơn. Về khía cạnh nào đó, không nên nôn nóng đòi hỏi những tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ phải hay, phải sâu đậm, phải mang hơi thở cuộc sống. Vì văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng không thể thay đổi nhanh chóng theo kịp với xã hội - kinh tế khi mà kinh tế ngày một phát triển nhanh. Và khi xã hội, kinh tế phát triển thì mới có điều kiện để văn hóa phát triển. Trong giai đoạn này, cần khuyến khích những nhạc sĩ trẻ tiếp cận thường xuyên với bên ngoài để học hỏi và phát triển nghề nghiệp chứ đừng so sánh và chê bai khi chúng ta luôn đi chậm... một bước. Nói thế không có nghĩa là dung túng những ca khúc có ca từ không hay, không đẹp. Cần có thời gian chứng minh, cái gì tốt đẹp sẽ được tồn tại. Ngoài ra, đứng ở góc độ nhà sản xuất thì tôi cần dung hòa cả ba yếu tố trong một ca khúc: giải trí - nghệ thuật - thương mại. Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Theo tôi, hiện nay có ba khuynh hướng viết nhạc như: Thứ nhất, có những sáng tác chỉ được viết theo công thức đang thịnh hành được giới trẻ chú ý. Những ca khúc đó thường làm nghèo đi vốn từ tiếng Việt vốn rất phong phú. viết không nhằm thăng hoa nghệ thuật mà chỉ là công cụ phục vụ cho cá nhân và mục đích. Thứ hai, bề mặt xã hội đã tạo nên sản phẩm như thế, khán giả thích chơi, thích nhìn ca sĩ hát nhạc trên sân khấu hơn là nghe và những người sáng tác đã viết nên những ca khúc được gọi là "sản phẩm" theo nhu cầu thị trường. Thứ ba, tự thân ca khúc ấy sẽ thể hiện đẳng cấp văn hóa của nó. Tóm lại, theo tôi sẽ rất khó thay đổi tình trạng này, bởi mình đang khởi đầu để đi đến chuyên nghiệp. Trong quá trình đó, tất sẽ xảy ra nhiều điều không mong muốn. Giờ đây, chúng ta cần những người sáng tác chân chính, người nghe nhạc và thưởng thức âm nhạc chân chính. Hiện tại không phải là không có những ca khúc của những sáng tác trẻ mang tư tưởng hay nhưng nó đang lọt thỏm vào hố sâu của những ca khúc mang tính chất thị trường, những người sử dụng thị trường mà nhân danh nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hoài Sa: Nhạc sĩ Từ Huy
Thành lập nhóm nhạc trẻ: Biết khổ vẫn... lao vào Ngoài các nhóm nhạc đã định hình và phát triển như MTV, Trio 666, AC&M, GMC, 5 Dòng Kẻ, Mây Trắng, Mắt Ngọc..., gần 80% các nhóm nhạc trẻ tại TPHCM khó lòng bứt phá trong tình hình âm nhạc hiện nay.
"Gia nhập nhóm để thành ca sĩ" Đó là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ có giọng hát "tàm tạm", gia đình khá giả và muốn nổi tiếng bằng con đường ca hát. "50 triệu đồng hay hơn nữa cũng không sao miễn là con tôi được làm ca sĩ. Tôi biết chất giọng của cháu vẫn còn yếu, mong các thầy cô cứ cho cháu gia nhập nhóm hát rồi sau đó hẵng tính" - đó là lời gửi gắm của một phụ huynh, vừa lặn lội đưa cậu con từ Rạch Giá (Kiên Giang) lên Sài Gòn. Không riêng gì các bậc phụ huynh có chút tiền ở tỉnh, ngay tại TPHCM nhiều người cũng ôm mộng con mình sẽ nổi tiếng nhờ làm ca sĩ. Chính vì lý do này mà có khá nhiều em dù đang ở độ tuổi cắp sách đến trường - hoặc trong giai đoạn căng thẳng vì sắp bước vào các kỳ thi quan trọng - vẫn phải bỏ thời gian cho việc ca hát. Thành viên V.H thuộc nhóm AX đã từng phải vào bệnh viện cấp cứu vì không chịu đựng nổi áp lực: vừa chuẩn bị cho kỳ thi đại học, vừa tham gia tập luyện biểu diễn cùng nhóm. Số lượng nhóm nhạc trẻ ở TPHCM hiện nay nhiều không đếm xuể. Ngoài F.5, AXN, Go On, Telephone, 116, Titikids, Tigon, Phiêu Bồng, Nhật Nguyệt, Y2K, Đôrêmi, MP5, New Hoa Đất...; xuất hiện các nhóm mới như Thạch Anh Tím, 007, Thủy Triều, Ánh Trăng, H.A.T, V.Pop, A4, Vĩ Cầm, B2B, Boom, Ước mơ đến, 5 Trái Táo... Hầu như đi bất cứ chương trình ca nhạc cỡ "vừa vừa" nào chúng ta cũng có thể nghe tên những nhóm nhạc mới toanh. Sớm nở, tối tàn
Nhóm hát nhiều như vậy thì đất đâu cho họ "sinh sống"? Thực tế, hầu hết các nhóm nhạc hiện nay chỉ hoạt động ở một vài sân khấu như nhà hàng, công viên, bar, câu lạc bộ, nhà văn hóa với quy mô rất nhỏ. Các sân chơi được nhiều nhóm nhạc mơ ước là chương trình Giới thiệu ca khúc mới, Câu lạc bộ Âm nhạc Chiều thứ năm, Chiều thứ bảy...; "xịn" hơn nữa là chương trình Giai điệu tình yêu, Nhịp cầu âm nhạc (Đài Truyền hình TPHCM), chương trình từ thiện của các báo đài, Hội Âm nhạc TPHCM... Tuy nhiên, để được tham gia những chương trình này, các nhóm nhạc cũng phải trải qua cuộc tuyển lựa khắt khe và hiếm khi được chút tiền bỏ túi vì... làm từ thiện mà ! M.L - thành viên của một nhóm nhạc vừa mới thành lập, tâm sự: "Em biết mình sẽ rất khó khăn khi tham gia nhóm, nhưng thanh - sắc của em không đủ "chuẩn" để solo. Em không còn con đường nào khác. Em muốn làm ca sĩ như một số bạn bè của mình". Cũng có một số nhóm sau khi thành lập không chịu nổi áp lực nên đành rã đám, hoặc xin chuyển qua nhóm khác (như trường hợp D&D, 727, U.5...). Có nhóm không được biểu diễn để kiếm cát-sê thì "xin" các thầy cô, anh chị cho diễn "miễn phí" ở bất kỳ nơi đâu để tự giới thiệu. Có nhóm thì dù không diễn vẫn làm album, xem như một... kỷ niệm. Sự xuất hiện của các nhóm nhạc ít nhiều đem lại sự "nhộn nhịp" cho đời sống ca nhạc và biết đâu trong số họ sẽ có người tỏa sáng. Tuy nhiên, hy vọng này rất mong manh vì trình độ và khả năng của các nhóm mới chưa cao, do đó tình trạng "sớm nở, tối tàn" là điều khó tránh khỏi trước sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Dạ Ly (TN)
|
|
âm nhạc |
|