văn hiến việt tộc |
tự do tư tưởng và văn hoá |
âm - nhạc |
|
NGUYỄN BÌNH Hằng đêm, bên lề đường
của một TP sôi động, ít ai biết rằng có những “nghệ sĩ”... hát rong vẫn đang
khao khát giấc mộng đổi đời Làm nghề này mà mắc cỡ, ngượng ngùng là... thua liền”. Nguyễn Trung Hiếu, chàng “ca sĩ... lề đường” ở khu vực chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp - TPHCM đã “tư vấn” như vậy khi biết tôi có ý định trở thành một ca sĩ... lề đường.
Ca sĩ... lề đường Hoàng Dũng đang biểu diễn ở đường Cây Trâm, Q. Gò Vấp “Live show... kẹo kéo” Đúng 17 giờ 30 phút, chúng tôi xuất phát từ nhà Hiếu tại một con hẻm nhỏ nằm trên đường Nguyễn Văn Lượng, phường 16, quận Gò Vấp. Hiếu mặc áo chẽn, đội nón bánh tiêu chở “dàn nhạc cụ” gồm thùng loa, ampli và một đầu VCD được cột khá gọn gàng trên chiếc Suzuki đời 100... năm trước, đã bị “lột trần”, chỉ còn trơ trọi có bánh xe và tay lái. Ông Nguyễn Tuấn Hải, cha của Hiếu, có mái tóc dài gần chấm vai như nghệ sĩ, “bầu sô” của “gánh hát” chạy xe Citi phía sau chở Hoài Phong, người cháu họ cũng là một giọng ca “chủ lực”, bắt đầu cho cuộc hành trình... Dãy quán nhậu bình dân nằm trên đường Phan Văn Trị vào giờ cao điểm, hầu như quán nào cũng đông nghẹt khách. Chúng tôi dừng lại trước quán bia hơi Bạch Đằng. M.C Trung Hiếu chỉnh lại âm thanh, giới thiệu “chương trình ca nhạc” và đưa mi-crô cho Hoài Phong hát theo dàn nhạc tự đệm liên tiếp bốn bản nhạc trẻ như Yêu lầm, Thà rằng như thế, Mỗi người một nơi... Ông Hải giải thích, Phong “chuyên trị” nhạc trẻ, hễ vào quán nào mà khách phần lớn là thanh niên thì “nhiệm vụ” của Phong, còn dạng khách “sồn sồn” thích nghe nhạc tiền chiến sẽ do Hiếu đảm trách. Riêng dân ghiền ca cổ thì sẽ được đáp ứng ngay bằng giọng ca của... “nam danh ca” Tuấn Hải. Tôi phụ Phong và ông Hải cầm kẹo mời khách nhưng hầu như đến bàn nào cũng chỉ nhận cái lắc đầu, xua tay từ chối. Đã hết 6 bản nhạc nhưng mới chỉ bán được có 10 cây kẹo. Chúng tôi định nán thêm một lúc thì một ông khách mặt đỏ phừng phừng, áo banh ngực, có vẻ đã khá xỉn, bước ra, quát: “Ồn ào quá...”. Không muốn lớn chuyện, cả nhóm vội vã đi qua quán lân cận. Nhưng mới chỉ vừa dừng xe đã bị nhân viên ở đây bước ra yêu cầu không được “phục vụ”. Vậy là lại đi. Vòng qua Công viên Bến Hải, quận Gò Vấp, chúng tôi được một bàn nhậu ra một điều kiện cứ hát một bài sẽ mua... một cây kẹo kéo và thảy lên bàn tờ giấy... 50.000 đồng. Ông Hải cố hát được đến bản Tình anh bán chiếu là bản thứ 4 thì đã khá mệt... Hiếu nói nhỏ: “ Ba em bị cảm mấy bữa nay, hát vầy đêm nay thế nào cũng kiệt sức. Nhưng biết sao được hả anh, vui lòng khách mới mua mà...”. Tôi nghe mà bỗng dưng thấy lòng mình nghẹn lại... Hát rong nuôi con vào đại học Ông Hải trước đây từng một thời là nghệ sĩ cải lương, làm kép phụ ở các đoàn cải lương Sài Gòn 1, Hương Miền Nam... Sau vì hoàn cảnh gia đình nên phải chuyển nghề khác. Nhưng nhớ nghề nên thỉnh thoảng ông đứng ra tổ chức các chương trình “đại nhạc hội” ở các xã vùng xa. Được một người bạn cũ dạy cho cách làm kẹo kéo và cho vay vốn “tậu” một dàn âm thanh cũ, ông bắt đầu hành nghề ca sĩ... lề đường. Mỗi ngày bỏ vốn khoảng 150.000 đồng để làm một bánh kẹo, nếu bán hết trong đêm sẽ lời được khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Hơn 10 năm đi hát rong ruổi khắp TP từ chiều đến 9, 10 giờ đêm, với số tiền lời ít ỏi này, ông đã cần kiệm nuôi 5 đứa con vào đại học, cao đẳng. “Giờ còn có mỗi một đứa đang học cấp 3, ráng đi hát nuôi nó thêm vài năm nữa. Đến khi mấy anh, chị nó học ra trường, mình cũng nhẹ gánh được phần nào...”. Nói chuyện một lúc, tôi lại càng bất ngờ hơn khi biết chàng “nghệ sĩ” Trung Hiếu ban ngày là một anh thợ điêu khắc có tay nghề cao, chuyên đi tạo cảnh quan cho nhiều công trình kiến trúc biệt thự, nhà vườn trong TP. Có lần đi biểu diễn ở Công viên Bến Hải, gặp một nhóm trẻ đường phố và các cụ già yêu cầu được nghe cha, con ông hát rồi xin được hát chung nhưng mọi người chẳng ai có tiền mua kẹo. Hát xong, ông Hải còn “kỷ niệm” cho “khán giả” một cây kẹo làm quà. “Đêm đó, kẹo không bán hết, cả nhà phải ăn kẹo... thay cơm nhưng vẫn vui vì dễ gì gặp được người biết thưởng thức giọng ca của mình”- Hiếu kể. Giấc mơ... kẹo kéo Chưa bao giờ người đi làm ca sĩ... kẹo kéo lại rộ lên nhiều như hiện nay ở vùng ven TP. Hầu như vào buổi tối, tại các con đường, ngõ hẻm, các khu chợ, quán nhậu bình dân, đâu đâu cũng gặp các “gánh” hát rong dạng này. Dân TP đi bán kẹo như ông Hải cũng có mà dân nhập cư vào TP từ các tỉnh miền Trung, miền Tây “hành nghề” cũng nhiều. Nhiều người nói vui rằng quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều, quán hạng sang thì có ca sĩ... nhà hàng, ca sĩ... làng nướng thì giới nhậu bình dân có ca sĩ... kẹo kéo, đôi khi cũng vui tai nếu không quá ồn ào. Làm đôi ba xị “sần sần”, thưởng thức giọng ca “tầm tầm”, sẵn mi-crô mượn hát đôi ba bài, chỉ phải trả 1.000 - 2.000 đồng tiền kẹo, xem ra cũng thú vị. Các gánh kẹo kéo này có “luật bất thành văn” là không bao giờ cạnh tranh với nhau. Hễ “gánh” này đang biểu diễn chỗ này thì “gánh” kia sẽ dời đi nơi khác. Tiếp xúc với họ, tôi mới phát hiện ra một điều rằng, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng riêng đến với nghề nhưng đều rất yêu văn nghệ và khao khát một ước muốn đổi thay cuộc sống. Nguyễn Thị Hồng Nhung, 19 tuổi, học hết cấp 3 Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho lên TPHCM mơ làm... ca sĩ. Không người thân, không người “đỡ đầu”, Nhung xin đi hát cho làng nướng nhưng bị khách thường xuyên sàm sỡ, không chịu được, cô và người bạn cùng phòng trọ mỗi người góp 1 triệu đồng thành lập gánh hát... kẹo kéo, hằng ngày thường phục vụ ở khu vực cư xá Bà Điểm, huyện Hóc Môn trong khoảng hơn một năm trở lại đây. “Cứ ngỡ đi hát rong không bị... quấy rối, chọc ghẹo ai ngờ cũng không tránh khỏi...”- Nhung kể. Ngày đầu tiên đi hát, trong lúc cúi xuống mời kẹo, cô bị hai ông khách chèo kéo, ôm hôn. Nhung hốt hoảng tát vào mặt vị khách khả ố trên và bỏ về, thề với lòng sẽ không theo nghề nữa. Nhưng rồi cô cũng lại quay về với xe kẹo kéo. Tôi lại nhớ đến chuyện ông Hải hát hằng đêm, góp tiền cho người con gái út thi vào Nhạc viện TP với lời nhắn nhủ: “Ý nguyện đời ba đã không trọn, tất cả hy vọng ở con...”. Thì ra, hằng đêm, bên lề đường của một TP sôi động, ít ai biết rằng có những “nghệ sĩ”... hát rong vẫn đang khao khát giấc mộng đổi đời.
|
|
âm nhạc |
|