vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  âm nhạc



 

 


Cùng nhạc sĩ Dương Thụ: nhận diện lại đời sống nhạc Việt
 

Nhạc sĩ
Dương Thụ.

Cao 1,8m, nặng trên 80 kg, dáng dấp rất phong độ. Thi thoảng, người ta thường bắt gặp ông đi xe phân khối lớn và phóng với một tốc độ cũng lớn, thích ngồi lê la trà nước vỉa hè và có thể rít thuốc lào rất điệu nghệ. Tuy nhiên, đấy chỉ mới là bề ngoài, có dịp đối thoại với ông mới thấy chất trẻ trong trí tuệ và tư duy tích cực của một người không có vẻ gì là đang ở tuổi nhi nhĩ thuận - thích nghe lời nói xuôi tai. Hơn tháng nay nhạc sĩ Dương Thụ sống ở Hà Nội để tập trung làm 3 album nhạc cùng ê kíp trẻ mà ông cộng tác lâu nay: album của Thanh Lam với nhạc sĩ Quốc Trung, album của ca sĩ trẻ Khánh Linh với nhạc sĩ Ngọc Châu và album Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung...

Chúng tôi đã đối thoại cùng ông một số vấn đề của nhạc trẻ Việt Nam hiện nay sau những sự cố âm nhạc gây dư luận vừa qua theo một hướng mở và tích cực hơn.

- Anh và nhạc sĩ Bảo Chấn được coi là cặp bài trùng trong làng nhạc trẻ, hai ca khúc bị coi là copy của nhạc sĩ Bảo Chấn là Tình thôi xót xa và Dường như cũng từ album đầu tiên Nghe mưa của hai anh, thế nhưng khi dư luận xôn xao về nghi án âm nhạc này, chưa thấy anh phát ngôn ở đâu cả. Nếu nhận định khách quan về sự việc này, anh sẽ nói gì?

- Căn cứ vào những gì đã biết (tôi có đọc báo và lên mạng), chắc là không bênh được, nhưng cũng không nên trầm trọng hoá vấn đề. Có vẻ như chúng ta đang dồn một con người vào chân tường, rất khoái trá khi thấy họ không có đường thoát. Anh Chấn là một tài năng nhạc nhẹ hàng đầu ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu loại bỏ hai bài hát mà người ta nói là Bảo Chấn copy thì số bài còn lại cũng đủ làm nên một cái tên Bảo Chấn mà các bạn trẻ đã từng ngưỡng mộ. Theo tôi, nên giúp đỡ một tài năng nếu bạn nghĩ họ gặp sai lầm, hơn là tìm cách vùi dập.

Nhưng với công chúng rất có thể là họ không cần phải truy xét việc nhạc sĩ Bảo Chấn có tài hay không có tài mà là sự tổn thương của họ khi lòng yêu quý lâu nay bị lừa dối. Hơn nữa, phẩm chất trước tiên và quan trọng nhất của một người có tài là sự trung thực?

Tôi biết, chuyện này đã gây một tác động xấu đến đời sống âm nhạc và làm tổn thương công chúng. Tổn thương rất nhiều. Và không phải chỉ riêng các bạn, mà cả tôi nữa. Tuy nhiên, nếu thực sự nhìn lại, thực sự cầu thị, thì sự cố này không phải lần đầu tiên xảy ra, mà nó đã có tiền lệ, thậm chí có thể nói đó là chứng bệnh khá nặng không phải của riêng ai (cả trong thi ca, trong nghiên cứu lý luận, trong khoa học) có nhiều dẫn chứng mà chúng ta đã biết.

Nhưng cũng qua đấy để thấy một bài học theo hướng tích cực cho người sáng tác: đó là Việt Nam không còn là vùng sâu vùng xa nữa. Thời đại công nghệ thông tin đã giúp chúng ta dễ dàng bước vào ngôi nhà của thế giới và bắt buộc chúng ta phải tôn trọng luật về quyền sở hữu trí tuệ; còn nếu cứ tiếp tục như trước, cứ dựa dẫm, cóp nhặt... thì liệu còn có cái gì thực sự là của mình? Vả lại, cần nhận ra mình đứng ở đâu và phải nghĩ cách, phải sáng tạo để đóng góp một cái gì đó cho thế giới chứ không thể chỉ cứ học tập, cứ nhận ảnh hưởng để trở thành một bản sao, dù là thứ bản sao tuyệt vời.

- Sau sự cố đáng buồn vừa qua, nhiều người tỏ ra khá bi quan về nhạc trẻ Việt Nam. Bản thân anh là một người trong cuộc và luôn sát cánh với những người làm âm nhạc thực sự, nếu nhận diện lại đời sống nhạc trẻ Việt Nam trong hơn 10 năm qua, anh sẽ nói gì?

- Về trình độ nhạc công lẫn trình độ phối khí, thì 10 năm qua có một bước tiến rất dài. Trước năm 1986, không thể có đựợc một ban nhạc trẻ chuyên nghiệp và đẳng cấp có phong cách âm nhạc rõ nét như ban Anh Em, không thể có được một lực lượng phối khí hùng hậu và đa năng như bây giờ (lúc ấy, chỉ Quốc Dũng, Bảo Chấn, Sỹ Đan, Bảo Phúc ở thành phố Hồ Chí Minh, Quang Vinh ở Hà Nội là đáng kể). Bây giờ đông lắm, ngoài anh em cũ (trừ Sỹ Đan đã đi nước ngoài) đã rất lên tay, còn xuất hiện thêm những nhân vật mới có phần vượt trội. Thành phố Hồ Chí Minh có Đức Trí, Hoài Sa. Hà Nội có Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Ngọc Châu, Bùi Minh Đạo, Đỗ Bảo. Và còn hàng chục người khác nữa ở cả hai miền, chưa thành tên nhưng đầy triển vọng.

Về phong cách âm nhạc thì rock không phát triển, không có thành tựu đáng kể. Các rock -band dù có tính chuyên nghiệp hơn, Việt Nam hơn, nhưng đặc tính rock trong sáng tác, trình diễn còn yếu, thiếu sự bứt phá bùng nổ, thiếu thông điệp xã hội mạnh mẽ quyết liệt. Chưa có ban nhạc rock nào thực sự gây ấn tượng.

Nhạc pop phát triển hơn với các ca sĩ hát đơn, các nhóm hát và ban nhạc. Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Lam Trường đã khẳng định họ là những ngôi sao nhạc pop thật sự, điều mà thập kỷ 80 chỉ có thể kể Trần Tiến, một ca nhạc sĩ pop rất tiêu biểu của Việt Nam. Nhưng trong sự phát triển của nó có vấn đề làm ta đau đầu, đó là chất lượng của các ca khúc pop, kể cả các ca khúc thuộc loại top, hit xuất hiện khoảng 3 năm gần đây. Hàng ngàn bài hát pop ra đời số lượng nhiều nhưng chất lượng yếu kém.

Yếu kém về nhiều mặt. Về nhạc nó thiếu sự sáng tạo, nặng về sao chép các khuôn mẫu phương Tây (đặc biệt là nhạc pop Hoa Kỳ), Hồng Kông, Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc và Thái Lan. Cóp các câu hốt, các câu trống, cóp intro, cóp tiết tấu, cóp vòng hòa thanh, và có khi cóp cả giai điệu (nếu có một nhóm nghiên cứu bỏ ra độ 6 tháng làm tư liệu, rồi lập phép đối chiếu và so sánh, có thể tìm ra hàng trăm bài như thế). Tất nhiên có thể hiểu đấy là học tập, là chịu ảnh hưởng, nhưng cũng có thể hiểu đấy là sự lười biếng, là sự láu cá.

Về ca từ còn nghiêm trọng hơn. Vốn thực chất không phải là tác giả gì cả, nhưng giấc mơ trở thành nhạc sĩ nó ghê quá, nên cố đặt lời gượng ép cho thành bài, thì kết quả chỉ là nhặt nhạnh ý tứ, nhặt nhạnh câu chữ rồi sắp đặt tầm bậy, cho nên ca từ chung chung sáo rỗng, đôi khi tối nghĩa, ngây ngô tầm thường.

Tuy vậy, hơn 10 năm nhạc trẻ cũng để lại cho chúng ta hàng trăm ca khúc có thể nghe được của một số tác giả đã thành danh như Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương... cùng những tên tuổi mới như Bảo Chấn, Ngọc Lễ, Việt Anh (TP. Hồ Chí Minh), Ngọc Châu, Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân, Lê Minh Sơn (Hà Nội)... Những ca khúc này cho chúng ta một diện mạo bài hát Việt Nam khác trước, và một số bài trong đó có đủ tư cách đứng trong lịch sử nhạc Việt.

Có lẽ điều cần nhấn mạnh là những cái không ổn do tác động của thị trường âm nhạc trong ba năm gần đây bộc lộ điểm yếu của hệ thống giáo dục và đào tạo (việc hình thành năng lực thẩm mỹ và nhân cách văn hóa cho một con người), bộc lộ điểm yếu trong công việc quản lý nghệ thuật. Chúng ta cần phải ý thức rõ điều này, chứ không nên đổ hết lỗi lên đầu nhạc trẻ, coi nó như là một thứ ung nhọt, một cái gì đó đáng xấu hổ. Thái độ ấy thiếu khách quan và không công bằng.

- Có một nguyên nhân nào khác dẫn đến sự yếu kém của giới trẻ nghe nhạc, chơi nhạc và làm nhạc hiện nay như anh đã nhận xét?

- Tôi cho rằng chúng ta chưa có được một lớp trẻ tinh hoa, những elite thật sự của thời đại mới. Có bằng cấp, có tiền, có quyền lực về kinh tế, đi xe hơi đời mới, ở biệt thự hoặc trong căn hộ cao cấp với đầy đủ tiện nghi và những phương tiện thông tin liên lạc, nghe - nhìn tối tân, đi nghỉ cuối tuần ở những resort sang trọng nhưng.... chưa có quyền lực về văn hóa, chưa tới được những chuẩn giá trị về đời sống. Họ còn lẫn lộn giữa sở thích và giá trị, và lẫn lộn rất nhiều thứ. Như thế đâu có thể gọi là tinh hoa. Tầng lớp tinh hoa rất cần cho một xã hội phát triển, nó sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công chúng, nó là chỗ dựa cho những sáng tạo nghệ thuật thật sự, vì thế, nó rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của đời sống âm nhạc.

Tất nhiên chúng ta cũng có những người trẻ tuổi thuộc loại tinh hoa, nhưng họ chưa đủ để trở thành một tầng lớp, chưa đủ để trở thành một cái phin lọc. Phải là một tầng lớp, một giới, mới có đủ sức mạnh.

- Liệu trong âm nhạc của ta hiện nay có những người trẻ tuổi được coi là những elite mới?

- Tôi nghĩ là có, như Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung chẳng hạn. Họ vừa có học (được đào tạo qua nhạc viện ở cả trong nước và nước ngoài) thông thạo ngoại ngữ (Anh Quân, Huy Tuấn biết tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga; Quốc Trung biết tiếng Anh) sống văn minh (lái xe hơi cừ, giỏi vi tính, thành thạo những kỹ thuật mới về hình và tiếng, có phòng thu với máy móc hiện đại...), chơi nhạc văn minh (là nhạc công chơi nhạc funk, R&B, World Music đẳng cấp, có thể đứng trong các ban nhạc trẻ cỡ Châu âu mà không phải xấu hổ). Họ có được cái quyền lực văn hóa nhất định đối với công chúng trẻ và lôi kéo được nhiều người theo mình.


(Theo SVVN)

    

   

 

   âm nhạc


 



 


  11-
Ukraine đoạt Eurovision 2004.                                                                                                  Tích hợp 
  12-
Nguyên Lê, Hương Thanh: Sự gặp gỡ thú vị giữa dân ca và nhạc Jazz.                           Hà Giang
  13- Nhạc của Trịnh gắn kết loài người.                                                      Đạo diễn WMPA Matt Taylor  
  14- Nhạc sĩ, Hoàng Dương: Đa sầu đa cảm, mơ mộng ưu tư...                                       Trần Hữu Ngư 
  15-
Thiếu vắng những ca khúc mang âm hưởng dân ca.                                              Người Lao Động  
  16- Ca sĩ Trang Mỹ Dung: “U.50 đi hát... từ thiện !”.                                                                   Sưu tầm 
  17-
Mỹ Linh trước ngày đi Mỹ.                                                                                                           SGTT
  18- Cùng nhạc sĩ Dương Thụ: nhận diện lại đời sống nhạc Việt.                                                    SVVN

vhvt-10
Trở lại trang chính