eVăn:
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1956
tại Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa, trong một gia đình nông dân. Trước khi
gia nhập quân đội năm 1976, ông làm trong nhà máy sản xuất dầu thực vật. Năm
1986, ông tốt nghiệp ban văn chương Trường Văn hóa Quân đội, và gia nhập Hội Nhà
văn Trung Quốc. Ông nổi tiếng từ giữa thập niên 1980 qua truyện ngắn Củ cà
rốt trong suốt,
và được thế giới biết đến qua cuốn tiểu thuyết đầu tay Cao lương đỏ -
đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim. Tuy bút hiệu
của ông có nghĩa là “không nói” nhưng ông chính là một trong những nhà văn có
sức sáng tạo mạnh nhất Trung Quốc hiện nay, với 9 bộ tiểu thuyết và trên 70
truyện ngắn. Các tiểu thuyết Báu vật của đời (nguyên tác Phong nhũ phì
đồn), Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận... của ông đã rất quen
thuộc với bạn đọc Việt Nam.
Linh dược (The Cure, Ling Yao,
1993) trích trong tuyển tập nhiều tác giả Chairman Mao Would Not Be Amused,
do Howard Goldblatt dịch sang Anh ngữ, Grove Press xuất bản năm 1995 tại New
York.
Linh dược
Truyện Ngắn của
Mạc Ngôn
Phạm
Văn dịch
Chiều hôm đó,
chi đội lao động vũ trang dán yết thị trên bức tường vôi trắng hướng ra con
đường nhà Mã Khúc Tam, thông báo về buổi hành quyết sáng mai ở địa điểm thường
lệ: đầu cầu phía nam sông Giao. Mọi dân làng khỏe mạnh phải có mặt để học tập.
Năm đó người ta hành quyết quá nhiều tới nỗi thiên hạ chẳng buồn để ý nữa, và
cách duy nhất để có đông người xem là bắt ép họ phải có mặt.
Căn phòng vẫn tối như mực lúc ba ngồi dậy thắp đèn dầu lạc. Sau khi mặc áo khoác
ấm, ông đánh thức tôi và giục tôi ra khỏi giường, nhưng trời lạnh nên tôi chỉ
muốn nằm trong chăn ấm. Cuối cùng ba kéo chăn, ông gọi:
- Dậy đi, chi đội lao động vũ trang chỉ muốn xong việc sớm. Nếu ra trễ, mình sẽ
lỡ cơ hội.
Tôi theo ba ra cổng. Bầu trời phía đông rực sáng. Đường xá lạnh buốt và vắng
tanh, gió tây bắc thổi suốt đêm quét sạch bụi; con đường xám xịt hiện rõ. Ngón
tay và ngón chân tôi lạnh như chấu cắn. Đi ngang khu nhà của Mã, nơi chi đội lao
động vũ trang đóng, chúng tôi thấy cửa sổ sáng và nghe tiếng ống bễ. Ba nói nhỏ:
- Nhanh chân lên. Chi đội lao động đang ăn sáng.
Ba kéo tôi lên bờ sông, ở đó có thể thấy dáng cây cầu đá tối tăm và những mảng
băng dưới lòng sông. Tôi hỏi:
- Mình núp ở đâu hở ba?
- Dưới cầu.
Chân cầu không có ai và tối như mực, chưa kể còn lạnh cứng. Da đầu tôi như bị
kim châm, vì thế tôi hỏi ba:
- Sao da đầu con như bị kim châm?
Ông nói:
- Ba cũng vậy. Họ bắn nhiều người ở đây quá đến nỗi oan hồn khắp nơi.
Tôi phát hiện những hình thù lông lá cử động trong bóng tối dưới cầu. Tôi la
lên:
- Oan hồn kìa!
Ba nói:
- Không phải oan hồn. Đó là lũ chó ăn xác chết.
Tôi rụt lại tới khi đụng chân cầu lạnh thấu xương. Tôi nghĩ tới bà nội, mắt bà
mờ đục như mù. Bầu trời sẽ sáng hẳn khi ba vì sao phía tây chiếu nghiêng xuống
lòng cầu. Ba đốt ống vố, mùi thuốc thơm ngát bao phủ. Môi tôi tê cứng.
- Ba, con ra ngoài chạy được không? Con lạnh cóng rồi.
Câu trả lời của ba là:
- Nghiến răng lại. Chi đội lao động vũ trang sẽ bắn tù nhân khi mặt trời ban mai
còn đỏ.
- Họ bắn ai sáng nay hả ba?
Ba nói:
- Ba không biết. Nhưng chả bao lâu sẽ biết. Ba hy vọng họ bắn người nào còn trẻ.
- Sao vậy?
- Người trẻ có cơ thể trẻ. Hiệu quả hơn.
Tôi muốn hỏi thêm, nhưng Ba đã mất kiên nhẫn:
- Đừng hỏi nữa. Mình nói chuyện dưới này, trên kia họ nghe được đó.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, bầu trời đổi sang trắng như bụng cá. Lũ chó làng
đã họp thành bầy sủa ông ổng, nhưng vẫn không át được tiếng khóc của các bà. Ba
bước khỏi chỗ núp và đứng một lát trên lòng sông, vểnh tai về hướng làng. Lúc
này tôi thực sự bồn chồn. Lũ chó ăn xác chết lảng vảng dưới chân cầu nhìn đăm
đăm như muốn xé xác tôi. Tôi không biết điều gì giữ mình khỏi bỏ chạy. Ba lom
khom quay lại. Tôi thấy môi ông run trong ánh ban mai mờ nhạt nhưng không rõ ông
lạnh hay sợ. Tôi hỏi:
- Nghe gì không ba?
Ba thì thào:
- Im. Họ tới bây giờ. Ba nghe họ đang trói tội nhân.
Tôi sát lại gần ba và ngồi xuống lùm cỏ dại. Lắng nghe thật kỹ, tôi có thể nghe
tiếng cồng trong làng, lẫn với tiếng đàn ông bực tức:
- Dân làng hãy tới đầu cầu phía nam để coi hành quyết, bắn tên địa chủ bạo ngược
Mã Khúc Tam, vợ hắn, và tên xã trưởng bù nhìn Luân Phong Sơn. Lệnh của thủ
trưởng Trương, trưởng chi đội lao động vũ trang, kẻ nào không đi sẽ bị trừng
phạt, coi như là đồng lõa.
Tôi nghe ba lầm bầm:
- Tại sao bắn Mã Khúc Tam? Họ không nên bắn ông ấy.
Tôi muốn hỏi ba tại sao họ không nên bắn Mã Khúc Tam, nhưng chưa kịp mở miệng
thì tôi nghe tiếng súng; viên đạn vút đi, lên tít bầu trời. Rồi tiếng vó ngựa
tiến về hướng chúng tôi, tới tận đầu cầu, tiếng vó ngựa trên cầu lóc cóc như
tiếng gió lốc. Ba và tôi rút vào nhìn những tia nắng xuyên qua khe hở giữa các
hòn đá. Cả hai chúng tôi sợ hãi không rõ chuyện gì đang xảy ra. Sau khoảng thời
gian hút xong nửa ống vố, chúng tôi nghe tiếng người tới gần hò hét. Họ dừng
lại. Tôi nghe một người giọng như vịt quang quác:
- Kệ nó, tổ cha nó. Không bắt được nó đâu.
Hai tiếng súng bắn chỗ vó ngựa. Tiếng vang trên tường nơi chúng tôi núp. Tai tôi
ù đặc, mùi thuốc súng nồng nặc.
Tiếng quang quác lại trồi lên:
- Thằng khốn, mày bắn cái gì? Giờ này nó đã qua quận khác mất rồi.
Có tiếng người nói:
- Tôi không dè nó làm như vậy. Thủ trưởng Trương ạ, nó chắc là tá điền.
Tiếng vịt quác:
- Nó là đồ chó quấn đít giai cấp địa chủ.
Có người bước tới thành cầu tiểu xuống. Mùi hôi nồng nặc. Tiếng vịt quác:
- Thôi, quay lại. Mình còn lo vụ xử bắn nữa.
Ba thì thầm với tôi rằng gã nghe như vịt là trưởng chi đội lao động vũ trang
được quận giao trách nhiệm nhổ sạch bọn phản Đảng. Người ta gọi gã là Thủ trưởng
Trương.
Bầu trời đổi sang màu hồng trên chân trời phía đông, các đám mây mỏng thấp lơ
lửng hiện ra, chẳng bao lâu mây cũng ráng hồng. Lúc này trời đủ sáng để thấy
phân chó khô cứng trên mặt đất nơi chúng tôi núp, và mấy mảnh vải rách, nhúm
tóc, và một sọ người bị nhai nát. Tôi phải quay mặt đi vì ghê tởm. Lòng sông khô
như xương, ngoại trừ mấy vũng nước đóng băng đây đó, những bụi cỏ dại điểm sương
mọc trên bờ dốc. Gió bấc đã lặng, cây cối trên bờ sông đứng thẳng lặng yên trong
bầu khí giá lạnh. Tôi quay nhìn ba thấy hơi thở của ông. Thời gian như đứng yên.
Rồi ba nói:
- Họ tới kìa.
Đoàn hành quyết tới đầu cầu ầm ĩ tiếng cồng nhốn nháo và tiếng vó ngựa điếc tai.
Rồi có tiếng oang oang:
- Thủ trưởng Trương, thủ trưởng Trương ơi, cả đời tôi là người tốt...
Ba thì thầm:
- Mã Khúc Tam.
Một tiếng nói khác yếu ớt nức nở:
- Thủ trưởng Trương, xin ông khoan hồng... Chúng tôi bầu xã trưởng. Tôi đâu có
muốn làm... Chúng tôi bầu. Tôi rút trúng cọng cỏ ngắn, tôi xui xẻo... Thủ trưởng
Trương, xin ông khoan hồng, tha mạng chó của tôi... Tôi còn mẹ già tám mươi phải
trông nom...
Ba thì thầm:
- Luân Phong Sơn.
Sau đó, một tiếng the thé nói:
- Thủ trưởng Trương ơi, ông ở nhà tôi, tôi nuôi ông ăn đầy đủ, cho ông uống rượu
ngon nhất. Tôi còn cho cả đứa con gái mười tám tuổi của tôi chăm lo mọi thứ ông
cần. Thủ trưởng Trương, ông đâu có lòng gang dạ sắt nào?
Ba nói:
- Vợ Mã Khúc Tam.
Cuối cùng, tôi nghe tiếng đàn bà rống:
- U-la-ah-ya...
Ba thì thầm:
- Bà vợ câm của Luân Phong Sơn.
Bằng giọng điềm tĩnh hững hờ, thủ trưởng Trương nói:
- Tụi mày sẽ bị bắn dù có làm om sòm hay không, vậy thì im đi. Ai cũng phải có
lúc chết. Tụi mày xong cho sớm để đi đầu thai kiếp khác.
Khi đó Mã Khúc Tam nói lớn với đám đông:
- Thưa bà con, trẻ cũng như già, tôi, Mã Khúc Tam, chưa từng hại ai. Bây giờ xin
bà con hãy phát biểu cho tôi...
Vài người khuỵu xuống thành tiếng và bắt đầu tuyệt vọng cầu khẩn:
- Xin thủ trưởng Trương khoan hồng. Để họ sống. Họ là người chân thật, cả bọn
họ...
Một giọng thanh niên la át tiếng kẻ khác:
- Thủ trưởng Trương, tôi đề nghị chúng ta bắt bốn tên chó đẻ này quì xuống ngay
trên cầu lạy một trăm lạy. Rồi mình trả lại đời chó của chúng. Ông nghĩ sao?
Thủ trưởng Trương trả lời giọng đe dọa:
- Cao Nhân Sơn, anh có ý kiến à! Anh cho tôi, Trương Khuất Để, là thứ ma báo oán
hả? Tôi thấy anh làm trưởng ban dân phòng đủ lâu rồi đấy! Thôi đứng lên, dân
làng. Quỳ như thế lạnh lắm. Chính sách rõ ràng. Bây giờ không ai có thể cứu
chúng, thôi mọi người đứng lên.
Mã Khúc Tam khẩn khoản:
- Dân làng, làm ơn xin cho tôi...
Thủ trưởng Trương cắt ngang:
- Đừng lần lữa nữa. Tới giờ rồi.
- Tránh ra, tránh chỗ!
Vài thanh niên ở đầu cầu, hầu hết là người của chi đội lao động vũ trang, dẹp
những người đang quỳ trên cầu. Rồi Mã Khúc Tam khấn trời:
- Trời già mù sao? Tôi, Mã Khúc Tam, đổi cả đời làm việc tốt bằng một viên đạn
vào đầu sao? Trương Khuất Để, đồ chó đẻ, mày sẽ chết bờ chết bụi. Đồ chó đẻ.
Thủ trưởng Trương gầm:
- Lẹ lên! Hay tụi mày muốn nghe nó phun nọc độc?
Tiếng chân chạy băng qua cầu trên đầu chúng tôi. Qua các khe đá, tôi thoáng thấy
người. Tiếng người ở đầu cầu phía nam ra lệnh:
- Quỳ xuống!
Tiếng ở đầu phía bắc hét lớn:
- Mọi người tránh ra.
Đùng - đùng - đùng, ba tiếng súng.
Tiếng nổ rung màng nhĩ tới nỗi tôi tưởng mình điếc. Lúc đó, mặt trời đã lên khỏi
chân trời phía đông, vầng đỏ thắm tỏa ra từ các đám mây như tán cây thông khổng
lồ. Khối thịt kềnh càng từ từ đổ xuống trên cầu như mây trôi, ngã uỵch xuống mặt
đất băng giá bằng sức nặng của nó. Dòng máu trong như pha lê nhỉ ra trên đầu.
Hỗn loạn và kinh hoàng ở đầu cầu phía bắc - tôi nghe như tiếng tan tác điên
cuồng của dân làng bị huy động chứng kiến cảnh hành quyết. Nó không giống tiếng
chi đội lao động vũ trang đuổi theo kẻ đào ngũ.
Một lần nữa, tiếng chân chạy qua cầu từ bắc sang nam, theo sau tiếng hô “Quỳ
xuống” ở đầu cầu phía nam và tiếng “Tránh ra” ở phía bắc. Rồi ba tiếng súng nữa
- Luân Phong Sơn đầu trần mặc áo khoác vá rách rưới gục xuống nơi bờ sông, thoạt
tiên đổ vào Mã Khúc Tam rồi lăn sang bên cạnh.
Sau đó, mọi việc đơn giản hơn. Một tràng súng át tiếng ồn và xác hai phụ nữ rũ
rượi đổ xuống, tay chân tung ra, rơi vào thân hình của hai người chồng.
Tôi nắm chặt tay Ba, cảm thấy quần của mình ấm và ướt.
Ít nhất năm sáu người đứng ngay phía trên cầu; hình như sức nặng của họ xuyên
qua nền đá đè xuống thẳng đầu chúng tôi. Tiếng quát như sấm của họ gần như điếc
tai:
- Có nên kiểm lại xác không thủ trưởng?
- Kiểm làm gì? Óc tung tóe cả ra. Ngọc hoàng có xuống cũng không cứu được.
- Thôi, đi! Vợ ông Quốc đang rán đậu đợi mình.
Họ qua cầu về hướng bắc, bước chân như tiếng tuyết lở. Nền cầu đá lắc kẽo kẹt
như muốn đổ xuống bất cứ lúc nào. Hay là tôi cảm thấy thế.
Im lặng trở lại.
Ba thúc khuỷu tay tôi:
- Đừng đứng đó như thằng ngốc. Làm đi.
Tôi nhìn quanh, nhưng mọi thứ vô nghĩa. Ngay cả ba tôi, vốn quá thân thuộc,
nhưng tôi vẫn không thể nhớ ra ông.
Chắc tôi chỉ có thể nói:
- Hả? Hả?
Ba nói:
- Con quên à? Mình tới đây để lấy linh dược cho bà nội. Phải làm nhanh, trước
khi bọn chúng tới vồ lấy.
Lời ba nói vẫn vang trong tai tôi lúc bảy tám con chó hoang đủ màu lê bóng dài
rời lòng sông đi tới hướng chúng tôi, chúng đang sủa tôi. Tôi chỉ nghĩ được
là khi tiếng súng đầu tiên vang lên, chúng đã quay đầu vừa bỏ chạy vừa sủa kinh
hoàng.
Tôi nhìn ba đá văng vài viên gạch và ném những con chó đang tới gần. Chúng bỏ
chạy nhốn nháo. Rồi ông lấy dao lạng thịt trong áo khoác quơ lên không để dọa
bầy chó. Những vầng sáng bạc đẹp lấp lánh chung quanh bóng ông. Bầy chó đứng xa
một lát. Ba thắt sợi dây quanh hông và xắn tay áo. Ông nói:
- Coi chừng cho ba.
Như ó vồ mồi, ba kéo mấy cái xác phụ nữ ra, rồi lăn ngửa Mã Khúc Tam lên. Ông
quỳ xuống vái. Ông khấn nhỏ:
- Ông chủ Mã ơi, lòng trung thành và hiếu thảo có hạn. Tôi không muốn làm điều
này đâu.
Tôi thấy Mã Khúc Tam giơ tay lau khuôn mặt đẫm máu. Ông mỉm cười nói: “Trương
Khuất Để, mày sẽ chết bờ chết bụi”.
Ba cố dùng một tay cởi cúc áo da của Mã Khúc Tam nhưng quá run. Tôi nghe ông
nói:
- Này con, cầm dao cho ba.
Tôi nhớ mình đưa tay ra nhận con dao, nhưng ba đã ngậm dao vào miệng trong khi
ông cố cởi hàng cúc vàng trên ngực Mã Khúc Tam. Cúc tròn, đính những hạt vàng
lớn như hạt đậu xanh, hầu như không thể cởi khỏi khuyết áo. Sốt ruột, ba giật
đứt cúc và giật toang áo khoác, để lộ áo lót da dê non. Áo xa-tanh có cùng bộ
cúc, vì thế ba cũng giật đứt. Sau áo ngắn là cái yếm lụa đỏ. Tôi nghe ba thở phì
phì giận dữ. Tôi phải thú nhận rằng đã ngạc nhiên khi thấy áo quần đẹp lạ lùng
mà ông lão to béo - ông trên năm mươi - mặc bên trong bộ áo thường. Nhưng ba
hình như rất tức giận, ông xé toang áo khỏi xác chết và vứt sang bên. Rốt cuộc,
cái bụng tròn và ngực lép của Mã Khúc Tam lộ ra. Ba nắm lấy tay ông ta, nhưng
lại nhổm lên, mặt ba vàng tái. Ông nói:
- Này con, coi tim ổng còn đập không.
Tôi nhớ mình cúi xuống đặt tay lên bộ ngực. Tiếng đập không hơn tim thỏ, nhưng
trái tim đó vẫn còn đập.
Ba nói:
- Ông chủ Mã ơi, óc ông đã rơi ra đất, bây giờ ngay cả Ngọc hoàng cũng không cứu
nổi, vì thế giúp tôi làm đứa con hiếu thảo nhé?
Ba lấy dao khỏi miệng và dò trên vùng ngực, cố tìm đúng chỗ để cắt. Tôi thấy ông
ấn xuống, nhưng làn da dội lại không suy xuyển, như bánh xe cao su. Ông lại ấn
xuống nhưng cũng thế. Ba khuỵu gối:
- Ông chủ Mã ơi, tôi biết ông không đáng tội chết, nhưng nếu ông muốn trả thù
thì cứ trả thù thủ trưởng Trương chứ đừng trả thù tôi. Tôi chỉ cố làm đứa con
hiếu thảo.
Ba mới ấn lưỡi dao xuống hai lần mà trán ông đã đẫm mồ hôi, râu cằm ông trắng
xóa hơi băng. Bầy chó hoang khốn nạn nhích lại càng lúc càng gần chúng tôi, mắt
chúng đỏ như than hồng, lông cổ dựng đứng như lông nhím, răng nanh sắc như dao
cạo trần trụi. Tôi quay sang ba:
- Nhanh lên, bầy chó đang tới.
Ông đứng lên, huơ dao trên đầu, tấn công bầy chó hoang như người điên, đuổi
chúng lui lại khoảng nửa đường tên bay. Rồi ông chạy lại, vừa hổn hển vừa nói
lớn:
- Ông chủ à, nếu tôi không mổ ông ra, bầy chó sẽ lấy răng xé xác ông. Tôi nghĩ
ông thà để tôi làm còn hơn chúng nó.
Hàm răng ba nghiến chặt, mắt ông lồi ra. Với vẻ cương quyết, ông đưa tay xuống;
lưỡi dao thọc vào lồng ngực Mã Khúc Tam một tiếng ọc lút cán. Ông giật lưỡi dao
sang bên, dòng máu đen ồ ra, nhưng vướng khung sườn.
- Quên.
Ông vừa nói vừa rút lưỡi dao lau trên áo da của Mã Khúc Tam, nắm chặt cán và mở
lồng ngực.
Tôi nghe tiếng ọc ọc và nhìn lưỡi dao lạng qua lớp mỡ dưới da để lộ bộ ruột vàng
ngoằn ngoèo như rắn, như một đống lươn, mùi nóng hôi hám.
Vớt ruột ra từng vốc tay, ba như khích động: ông kéo, ông lôi, ông nguyền rủa,
ông chửi bới. Cuối cùng, ông lấy hết bộ ruột, để lại Mã Khúc Tam rỗng bụng.
Tôi nóng nảy hỏi ông:
- Ba còn kiếm gì nữa?
- Túi mật. Túi mật của ổng đâu mất rồi?
Ba cắt qua cơ hoành và mò tới khi tay ông đụng trái tim còn đỏ tươi. Rồi ông moi
phổi ra. Cuối cùng, bên cạnh lá gan, ông tìm thấy túi mật
bằng quả trứng. Ông cẩn thận dùng mũi dao tách nó khỏi lá gan, rồi để trong lòng
bàn tay xem xét. Món đồ ướt và trơn, rực rỡ trong ánh mặt trời. Như viên ngọc
tía.
Ba đưa tôi túi mật:
- Giữ cẩn thận trong khi ba lấy mật của Luân Phong Sơn.
Lần này, Ba thi hành như nhà giải phẫu lành nghề: khéo léo, nhanh nhẹn, chính
xác. Thoạt tiên, ông cắt sợi dây gai Luân Phong Sơn dùng làm thắt lưng. Rồi ông
cởi phía trước cái áo khoác rách rưới, dùng chân giữ yên bộ ngực xương xẩu gầy
guộc lúc ông cắt nhanh bốn năm nhát. Sau đó, ông dọn hết những chướng ngại, thò
tay vào, lôi túi mật của Luân ra như thể đó là cái lỗ của một quả mơ[1].
Ba nói:
- Thôi, đi.
Chúng tôi chạy lên bờ sông, nơi bầy chó tranh nhau những khúc ruột. Chỉ còn một
vết đỏ trên viền mặt trời, lòng ruột, lớn nhỏ, phơi ra dưới tia nắng chói mắt.
Theo thầy pháp La Đại Sơn, bà nội bị bệnh đục con ngươi. Nguồn gốc căn bệnh là
nhiệt bốc lên từ ba hốc trong nội tạng của bà. Linh dược phải là một vật rất
lạnh và rất đắng. Thầy nâng áo thụng bước ra cửa lúc ba xin thầy cho toa.
Thầy pháp La bảo ba kiếm mật heo cho bà uống, sẽ làm mắt bà sáng được một chút.
Ba hỏi:
- Mật dê được không?
Thầy nói:
- Dê được, gấu cũng được. Nào, giá ông kiếm được mật người ... ha ha ... tốt,
nếu mắt mẹ ông có sáng lại như bình thường tôi cũng chẳng ngạc nhiên.
Phạm Văn dịch từ bản tiếng Anh: The Cure
______________
Chú thích:
[1] Bản tiếng Anh chỗ này cũng hơi tối nghĩa: ... "and, as if it
were the pit of an apricot, removed Luan"s gall bladder".
Mạc Ngôn
Nhà văn Trung Quốc, sinh năm 1956.
Tác giả nhiều tiểu thuyết rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Cao
lương đỏ (đã được Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, huy chương vàng Liên
hoan phim Berlin 1987), Báu vật của đời (nguyên tác Phong nhũ phì
đồn), Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, v.v...