vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 



 

 


    

Khải huyền muộn
(trích đoạn tiểu thuyết)
Nguyễn Việt Hà

Tôi và anh đi lang thang quanh Bờ Hồ. Thường là những buổi chiều muộn và không hiểu sao rất hiếm người đi bộ. Cũng có thể bây giờ trời đã nhuốm Đông, còn ở những chiều mùa Hè nhạt nắng, nhan nhản những tiểu thị dân có tuổi, nam và nữ, nôn nóng đi bộ dưỡng sinh để vơi bụng mỡ. Tôi cố nhìn sang phía xa của bờ hồ bên kia. Đã vài lần tôi nhớ tháp Rùa. Tôi đứng trước cửa bưu điện Buôn mê Thuột chợt trông thấy hình của nó, in nhố nhăng xanh đỏ trên một bưu thiếp. Trời cao nguyên xanh mênh mông bỗng thoắt xa vời khác lạ. Hình như còn thêm lần nữa ở miền Tây, khi tôi đang uống dở cốc cà phê pha loãng chờ buổi diễn tối. Cái buổi chiều dở mưa dở nắng ở trung tâm thị xã Rạch Giá ấy đột nhiên có cầu vồng. Nụ hôn đầu đời bẽn lẽn của tôi ở gần đền Ngọc Sơn, sát phía chân cầu Thê Húc. Cái cầu gỗ cong cong cũ kỹ có tên nôm nơi đậu ánh mặt trời. Tôi đến mép kè bê tông nhìn mặt hồ. Chưa bao giờ tôi nhìn hồ Gươm kỹ như vậy. Nước hồ xanh một mầu buồn buồn không soi rõ mặt người. Tôi đã rời sàn diễn gần hai năm nhưng vẫn còn khá nhiều người biết mặt. Con bé chị trong cặp sinh đôi cùng lọt vào vòng hai cuộc thi người đẹp phía Bắc thở khói thuốc nói: "Đàn ông đâu có nhìn mặt chúng mình, bọn đó chỉ chăm chăm để ý đến mông và ngực". Anh nhìn tôi và cười. Anh nói sẽ giữ nguyên câu này khi viết. Nhưng nó có vẻ sỗ sàng quá. Anh mủm mỉm và mãi lần gặp sau nữa tôi mới biết là anh rất hay đùa.

"Thế em tưởng văn chương là dịu dàng à"

Khi ở Trung học tôi cũng giỏi văn. Con gái đa cảm thì thường giỏi văn hồi học phổ thông. Có lẽ do phần lớn là phải học thuộc lòng các đoạn trích giảng. Văn phổ thông trung học ở thể nghị luận có hai dạng. Một là chứng minh, một là phân tích. Thầy Thu chủ nhiệm dạy văn nói, tại sao tôi lại yêu cô ấy là phân tích. Còn tôi yêu cô ấy như thế nào là chứng minh. Đơn giản như vậy mà rất nhiều em lầm. Con bé Vân Anh lớp trưởng về mách cái ví dụ ấy với bố nó là trưởng ban phụ huynh học sinh. Thầy Thu bị ban giám hiệu mờì lên họp phải viết bản kiểm điểm. Cái Vân Anh có được nghe bố nó kể lại rằng bản tự phê của thầy Thu viết theo thể bình luận nghĩa là có cả chứng minh và phân tích.

"Hôm nay là chiều thứ mấy"

"Là chiều thứ năm"

"Không, em muốn hỏi là buổi chiều thứ mấy anh và em gặp nhau"

"Vẫn là chiều thứ năm"

Ở đời có nhiều trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng tôi sẽ trở thành một nhân vật của anh thì hoàn toàn không ngẫu nhiên. Buổi sáng đầu tiên chúng tôi gặp nhau anh đi cùng với Nhật Mỹ, một phóng viên nữ của tờ Thời trang. Tôi đang rát cổ vì hò hét đám thí sinh trẻ chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu học đường. Đa phần là mười sáu tuổi, hồn nhiên nhưng không còn trinh trắng. Đấy là văn anh đấy nhé, còn em, em không bao giờ nghĩ thế. Anh cười cười. Chúng tôi thoả thuận sẽ không tách lời của nhau. Tôi nghĩ thế nào tôi sẽ nói như vậy. Và anh, viết những cái ấy thành như thế nào, là chuyện của anh. Tôi chấp nhận sự hiện diện của tôi qua giọng kể của anh. Cẩm My là tên anh đặt cho nhân vật nữ nghĩa là đặt cho tôi. Thế tôi tên thật là gì anh đã biết chưa. Anh nói, chuyện ấy không quan trọng. Anh nhớ có một lần, hình như năm ngoái, báo chí đã gọi em là á hậu Nguyễn Cẩm My. Hơn nữa, anh là nhà văn và đặc quyền của nhà văn là tưởng tượng. Thôi được, có lẽ văn chương ghê gớm hơn thời trang. Tôi là người mẫu chuyên nghiệp. Tôi đã trình diễn tôi nhiều lần dưới những vỏ quần áo khác nhau, nhưng trong sâu tôi không thấy tôi khác. Còn lần này, trong cái vỏ ngôn ngữ này, chắc chắn tôi sẽ đánh mất tôi. Anh lắc đầu, văn chương không hẳn là sáng tạo nhưng không bao giờ là huỷ diệt. Em vẫn sẽ là em tất nhiên có hơi khang khác.

"Chúng ta tin nhau nhé".

Nhà văn kể sơ qua về quá khứ sẽ là của tôi. Hình như tôi đã thảng thốt kêu.

"Mối tình đầu của em không phải như thế và em cũng chưa bao giờ yêu một ông chức to có vợ".

Anh hút thuốc nói nhỏ nhẹ, em là tuổi trẻ và tuổi trẻ là sự khởi đầu. Theo anh, tuổi trẻ chịu đựng được những sự lầm lẫn một cách trong trắng và bền bỉ. Tuổi trẻ không biết bắt đền và mặc cả. Thôi được, anh sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những câu chữ của anh. Anh cười buồn nửa như gật đầu. Hình như những người viết văn thường sợ trách nhiệm, liệu họ có biết san sẻ và đồng cảm. Tôi ngậm thêm một quả ô mai mơ có nhiều cam thảo. Các thí sinh ngoại tỉnh kéo theo người nhà rất đông ngồi la liệt ngoài hành lang tiền sảnh cung văn hoá Việt Xô. Những ông bố bà mẹ, những ông anh bà chị sẽ trệu trạo ăn bữa trưa bằng cơm nắm tôm rang bằng bánh mì kẹp trứng với sự hãnh diện ngấm ngầm về những thiếu nữ con em của họ. Đêm mai sẽ bắt đầu vòng chung kết. Đám buôn lậu vé đang chửi nhau giành giật các hàng ghế dưới nhà. Ngoài hành lang, vài gã trung niên công chức vẻ mặt dâm ngầm trốn giờ làm, lượn lờ gian giảo ngắm những cặp đùi non hớ hênh để hở.

"Cô giáo ơi mời cô xơi quả táo"

Cái bà người Phát diệm không gầy không béo mẹ của thí sinh đeo số 275 Nguyễn thu Hằng bắt đầu làm khổ tôi. Cả chiều hôm qua tôi kinh sợ bà. Bà ta theo tôi từng bước kể lể về đức hạnh của cô con gái. Cô bé có đạo, đeo dây chuyền mỏng có mặt thánh giá bằng vàng tây mắt tròn to long lanh lo lắng nhìn bà mẹ rồi nhìn tôi. Cô bé chắc chắn còn ngoan thật. Cứ nhìn kiểu lúng túng cởi quần áo giữa lộm nhộm đông người. Giống như tôi ở buổi diễn đầu tiên. Cái ánh mắt trắng đến khó tả sau lỗ khoét loe nhoe rách trên lưng chừng tấm màn nhung huyết dụ.Tôi co tay che ngực. Nguyễn thu Hằng cũng vẻ ngượng nghịu nhìn tôi khe khẽ bản năng co tay che ngực. Tôi cười và cô bé hơi ưng ửng cười. Ngực con gái mười bẩy đẹp như nhau. Tôi hơi xoay người vào cái góc chật quây tạm bằng tre nứa để tránh cái ánh mắt ấy. Không biết là của ai. Của gã bảo vệ nhà hát huyện tục tằn râu ria hay của tay nhạc công đàn oóc xanh mướt như thằng nghiện. Tôi ăn bữa trưa rờn rợn miếng mỡ da gà dầy. Phòng bếp của nhà hát huyện lỏng chỏng một cái bàn dài, thông thống trông ra bạc phếch nhấp nhô là đồi. Con bé chị của cặp sinh đôi đang ngồi bói bài vừa nói vừa nhai tăm "Nhằm nhè gì, rồi sẽ quen em ạ. Cái nghề này còn có những cái ghê tởm hơn nhiều". Tôi cố bình thản và cũng không phải đợi lâu, rồi tôi được biết những cái còn ghê hơn nhiều. Đàn organ lướt một giai điệu xé tai. Thí sinh Nguyễn thu Hằng lập cập đôi giầy cao gót mới sắm cố nhún nhẩy tự nhiên đi dọc mép sân khấu. Tôi vô cảm. Cái dáng gánh lúa của thôn nữ đường làng không phải cứ có nhạc pốp hay rốc là mất ngay được. Nhật Mỹ vẫy tôi lại gần.

"Giới thiệu với em..."

Tôi bắt tay nhà văn và rất có cảm tình với cái cười của anh.

"Tôi không viết báo. Tôi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết có một nhân vật nữ làm công việc giống của chị. Tôi không biết gì về công việc đó, mong chị làm ơn giúp đỡ"

Tôi thú vị nhưng không ngạc nhiên. Đã có nhiều lời mời tôi đi đóng phim truyền hình, phim truyện nhựa. Người mẫu đang là đề tài thời thượng chỉ sau ca ve. Văn học Việt Nam từng hãnh diện nhiều lần vì có Kiều. Tôi đồng ý là sau bữa trưa thì ra quán cà phê Âu Lạc. Tôi đã vào đây vài lần và thích nó vừa vừa. Bàn kế bên có một ông Tây, một bà đầm mặt sát nhau rủ rỉ. Bây giờ tôi nổi tiếng rồi, những quán ít người Việt làm tôi thoải mái hơn. Nhật Mỹ và tôi đều hút ba số, hy vọng là anh sẽ hút tẩu. Hoạ sĩ thì hay để râu bờm xờm lẫn vào tóc dài, còn nhà văn thì thường hay ngậm píp. Anh lấy tay áo chùi mồm ấp úng đọc một trong mười tám câu hỏi chuẩn bị sẵn.

"Chị có bao giờ hoặc đi nhà thờ hoặc đi chùa"

"Em sẽ trở thành một nhân vật của anh à"

Tôi nửa tò mò nửa ngơ ngác hỏi. Anh gật đầu. Nhà văn đi tìm nhân vật cũng chẳng phải là thao tác gì mới. Nó giống như đạo diễn đi kiếm diễn viên như những gã lục lâm Anh bị mất rừng đi sang Bắc mỹ đào vàng.

"Như người ta đi kiếm tình yêu"

Anh lắc đầu. Phụ nữ hay bị đề tài tình yêu quấy rầy, khi thất tình họ hay uống thuốc ngủ quá đát. Về bản chất đàn bà khó yêu hơn đàn ông. Vì khó nên hay nhắc.

" Tối nay anh có muốn xem những người đẹp trả lời ứng xử không"

Nhật Mỹ khúc khích cười. Nhật Mỹ viết báo đanh đá vừa phải, rất hiếm khi lôi chuyện đời tư của người mẫu ra công luận nên được các người mẫu quí. Nhiều báo lá cải nhan nhản những truyền ngôn về sự tức cười ngốc nghếch của những người đẹp. " Em muốn làm con chim, tung cánh mạnh mẽ như những bạn đàn ông. Còn một nửa tiền thưởng, em xin hiến tặng các em ở tổ xa mẹ, những con chim non chưa đủ lông đang run rẩy trong dông tố cuộc đời". Báo hình báo viết nhấn đậm câu ấy với nhiều mỉa mai tiểu khí đầy khoái trá. Ở vài ba cuộc thi tôi tham dự, tôi được vào sâu vòng trong là nhờ những câu trả lời ứng xử. Vũ buông vô lăng ôm tôi cuồng nhiệt hôn. Vũ rất hiếm hoi khi tự mình lái xe, đương nhiên những lần ấy chúng tôi chỉ cách Hà nội chừng bốn chục cây số. "Đến bây giờ anh mới được gặp một người vừa đẹp lại vừa thông minh".

Tôi nhíu mày "Vũ là tên người đàn ông yêu em à"

Nhà văn gật đầu "Cũng như em, anh ta là một trong vài nhân vật chính"

Tôi đẩy nhẹ Vũ ra, khi anh hôn lâu anh rất hay lấy răng chà vào trũng ngực. "Vừa xinh này vừa tài hoa này, thế thì em giống Thuý Kiều à". Vũ nhíu mày, Vũ biết tôi thích cái kiểu anh nhíu mày, nó rất hợp với mái tóc muối tiêu của anh. Thi thoảng, Vũ xuất hiện trên VTV1, khi ca mê ra "dum" cận mặt, anh khẽ nhíu mày. Anh nói là dành riêng cho tôi. Tôi không biết là mình có giống Thuý Kiều không, có bị ghi tên vào sổ Đoạn Trường không nhưng hồi học phổ thông tên tôi bị ghi vào sổ Đầu bài của thầy cô chủ nhiệm thì hơi bị nhiều. Học vấn trung học là có biết Kiều. Hình như là ba hay bốn trích đoạn. Thầy Thu dậy văn nói truyện Kiều là kiệt tác không hẳn chỉ vì nó tố cáo những bất công của xã hội phong kiến đâu. Sách giáo khoa nói có đúng nhưng chưa đủ. Cái Vân Anh cắm cúi ghi chép rồi giơ tay phát biểu xin phép thầy giảng rộng thêm. Thầy Thu cười buồn. Tôi thuộc hết trích đoạn bán mình chuộc cha. Chẳng hay ho gì nhưng trí nhớ tôi tốt.

Lần gặp thứ hai hoặc thứ ba gì đó anh bảo tôi kể về mối tình đầu, nếu không có gì e ngại. Tôi nhíu mày vừa nhớ vừa quên. Cái đoạn Hàng Bài này là anh ấy hay đi theo tôi những buổi tan học. Tôi mười lăm tuổi, đôi khi đi một mình và thỉnh thoảng hay quay lại nhìn đằng sau. Tôi nhận được lá thư đầu qua tay mẹ tôi.

"Mẹ cứ tưởng là thư của mẹ"

"Tại sao mẹ lại bóc nó ra"

"Mẹ nói lại là mẹ chưa hề đọc, con đừng có hỗn"

Tôi ấm ức khóc chui vào chăn, he hé đọc thư. Mẹ tôi ngồi trước bàn trang điểm nhìn trộm tôi qua gương. Vào dạo ấy, tối nào mẹ tôi cũng có hẹn và mặc dù rất dấu diếm, tôi cũng biết mẹ tôi sẽ đi với ai. Tôi không yêu bố tôi. Con gái quí cha là đúng ở đâu đâu, tôi không thấy đúng. Hồi tôi mười bốn tuổi sắp học hết lớp Muời, ôn thi chuyển cấp trung học, lớp học thêm tổ chức ở nhà tôi. Lớp học thêm có cái Thảo, nhà nó ở khu tập thể Kim Liên, phốp pháp cao hơn tôi nửa cái đầu. Gần chín năm sau tôi còn gặp lại nó. Tôi ra Ngân hàng rút lãi quyển sổ tiết kiệm bằng đô Mỹ. Lãi xuất rất thấp và ngân khoản của tôi có tám ngàn đô gửi theo kỳ hạn ba tháng. Cô nàng kế toán nhăn mặt ngừng ăn dở quả mận chua nhìn tôi chằm chằm. "Chữ ký của chị không đúng mẫu". Tôi biết, tôi không bao giờ ký được giống nhau, chỉ nhang nhác. Tôi ký liền ba chữ ký ra mặt sau của tờ giấy rút tiền. Cô kế toán khoảng tuổi tôi vẫn nhăn mặt. Mấy đồng nghiệp của cô nàng khác bàn ngồi đằng sau, cũng vô thức nhăn mặt. Khi phải ở cạnh nhau thật lâu, mọi người hao hao bị giống nhau. Thế bây giờ phải làm như thế nào, tôi sẵng giọng. Phía sau lưng tôi một bà trung niên cũng đang choang choác. Bà này cũng gửi tiền Mỹ, có hai tờ một trăm đô không được nhận. "Tôi gói nó để trong cạp quần mồ hôi nó ra thì nó bết lại chứ có sao đâu". Bà này mếu máo thanh minh trong sự đồng cảm chia sẻ có nhiều đểu giả của đám đông xung quanh. "Tôi biết cất đâu hả giời. Thằng chồng tôi như thế, thằng con tôi như thế. Đáng nhẽ ra tôi phải tin nhà nước từ rất lâu nhưng tôi vẫn sợ. Tôi đã bị bao nhiêu quả lừa rồi các ông các bà ơi". Trường hợp của tôi và bà tiểu thương trung niên phải vào gặp sếp, nếu sếp giải quyết thì ô kê con gà đen, cô nàng kế toán kín đáo nhả hột mận vẫn nhăn mặt nhưng hứa như vậy. Sếp ngồi quay lưng lại cửa ra vào vì mải chơi game trên computer. Tôi hắng giọng, khẽ nhìn cái khẩu hiệu tám giờ vàng ngọc dán trên tường. Sếp quay lại mặt bầu bĩnh và tôi nhận ra cái Thảo. Cái Thảo hay ngây thơ ngồi lên đùi bố tôi. Ông ấy mắt lim dim dở quyển Luận Ngữ. Ông là một nghiên cứu viên dầy thâm niên ở viện Sử không có bằng phó tiến sĩ. Ông đã nhiều lần vào lúc no cơm tuyên bố sẽ dịch lại cả Tứ Thư cả Ngũ Kinh. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu Nho giáo và cũng chẳng cần hiểu. Tôi chỉ biết mình đã thật già khi phải nhìn cặp đùi của bố tôi kẹp xung quanh mông cái Thảo. Nó đã lấy chồng chưa và mẹ tôi tại sao lại lấy bố tôi. Mẹ tôi kể là hồi sinh viên cũng lác đác có yêu bố tôi. Hồi ấy mẹ tôi đang làm tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp và bố tôi đang học dở năm đầu trường Tổng hợp Sử. Bố tôi học giỏi khối Văn Sử Địa thi đỗ đại học nhưng đi bộ đội gần bẩy năm rồi quay lại trường cũ. Thập niên sáu mươi bẩy mươi cho đến giữa thập niên tám mươi người ta thường đưa giấy gọi nhập ngũ trước khi đưa giấy gọi nhập học. Tôi không có em vì chỉ sau khi cưới khoảng hai năm bố mẹ tôi gần như ly thân. Tôi đọc Dostoievky vào mùa Hè năm tôi mười sáu tuổi và ông nhà văn người Nga nhiều râu ấy bảo, tổ quốc và bố mẹ là hai điều không thể chọn. Sinh ra ở đâu thì đành phải ở đấy. Người yêu đầu tiên của tôi mắt buồn, khe khẽ lắc đầu. Anh là người tin có chúa Giê Su chịu nạn trên cây thánh giá và đức mẹ Maria có con mà vẫn đồng trinh. Tuần anh đi lễ nhà thờ Lớn ba lần và chưa bao giờ bỏ lễ ngày Chủ nhật. Vào tuần cuối của tháng Phục Sinh anh kín đáo ăn chay. Tôi học lớp mười một và đã được hôn chừng mười lần. Anh hai mươi tuổi và tôi biết chắc anh chưa hôn ai. Có một lần khuya muộn anh nhút nhát hôn tôi và rụt rè lần tay xuống phía dưới cổ tôi. Tôi hơi cong người để cả bàn tay anh trôi sâu vào ngực. Chúng tôi yêu nhau được hơn một năm và cũng mười năm sau tôi sẽ còn gặp anh.

Buổi hẹn đầu tiên của mối tình đầu thì ai cũng nhớ. Những lá liễu lảng vảng hạt nước của trận mưa rào buổi tàn chiều. Chuông nhà thờ Lớn thong thả đánh tám tiếng. Quanh bờ Hồ vắng hẳn những người đi bộ dưỡng già. Chàng trai hẹn cô bé là đúng tám rưỡi ở chân tượng cảm tử cho tổ quốc quyết sinh. Phía trước cổng đền Ngọc sơn gió đầm đậm ẩm và thật thoáng. Khoảng nửa tiếng nữa đám mới lớn con nhà kha khá sẽ tập trung đua xe. Cô bé đến chậm chín phút theo đúng kinh nghiệm tình yêu của phim truyền hình tâm lý Việt Nam. "Chúng mình đi đâu". Chàng trai vừa hỏi vừa vụng dại lóng ngóng châm điếu thuốc lần đầu tiên trong đời. Cô bé vẻ ngây thơ nhìn dòng xe cộ thưa thớt trôi trên đường. Cô bé đi bộ và chàng trai hình như cũng đi bộ. Khi nghèo yêu nhau người ta rất thương nhau. Chàng trai vẫn lúng túng với cái bật lửa ga đi mượn, điếu thuốc lá đầu đời vẫn không làm sao châm được. Gió mềm mại thổi về phía tháp Rùa, sâu trong làn gió là những lảnh mảnh của tình yêu của tuổi trẻ.

- Không phải thế đâu anh ạ. Hôm ấy cũng là tối mùa hè nhưng trời oi lắm. Anh ấy đi một cái xe Dream, hồi đó là một thứ sang trọng khá hiếm. Nhà anh ấy bán bia hơi ở ngã ba Lý Quốc Sư và Chân Cầm. Mẹ anh ấy thì ghi thêm số đề còn bố anh ấy thì buôn thêm xe máy. Đúng là anh ấy cũng khoảng hai mươi hai tuổi, cũng là sinh viên đang tìm việc nhưng không có đạo. Bố anh ấy trước ở trong Nhà Chung sửa chữa điện lặt vặt, sau ăn cắp tivi của các cha nên bị đuổi ra ngoài. Ông nội của anh ấy đạo gốc, suýt lao từ gác chuông xuống tự tử. Anh ấy đẹp trai và sành sỏi, em không phải là người con gái đầu tiên của anh ấy. Em yêu anh ấy vì lúc đó em rất buồn và có thể là chán. Em mới mười sáu tuổi nhưng đã cao một mét sáu hai, ra đường là gặp nhiều ánh mắt tục tằn nhìn.

- Anh muốn làm dịu đi một tí, những cái em vừa kể dữ dội quá. Viết văn là phải mềm mại như thế, không thì chẳng có ai đọc.

Nhà văn là phải nói nước đôi. Đã có lần anh bảo tôi, văn chương không hẳn là dịu dàng.

- Thôi được, tuỳ anh.

Người tình của mẹ tôi ở cùng cơ quan. Trưởng phòng hành chính hay là một thứ tương tự như vậy. Ông ta có hai con gái và sống ly thân với vợ. Công chức yêu nhau thường nhàn nhạt, nhưng rất bền. Hồi mới về cơ quan đó, mẹ tôi có làm ma két cho tâp tin của ngành. Những công chức bình thường khác gọi mẹ tôi là hoạ sĩ. Rồi tập tin thiếu tin, mẹ tôi bắt đầu viết những bài lặt vặt chừng ba trăm chữ. Hoặc biểu dương một nữ giám đốc có tuổi chăm chỉ học suốt bẩy năm để tốt nghiệp đại học tại chức, khi nhận bằng thì cũng xúc động nhận luôn sổ hưu. Hoặc khen ngợi một thu ngân viên luôn trả lại tiền rách và lẻ cho khách hàng. Khoảng gần cuối thập niên tám mươi Việt nam lưỡng lự đổi mới, văn học lác đác nhắc đến "cái tôi", những người không quan trọng lắm có đủ độ tự tin dám in riêng cạc vi dít, mẹ tôi rụt rè in năm chục cái. Lúc ấy tôi mười hai tuổi học lớp sáu, tôi rình trộm bố tôi lục trộm nhật ký của mẹ. Giữa những trang nhật ký có vẽ minh hoạ hoa lá nhì nhằng, ông rút ra một tấm cạc rồi lầm bầm đọc chức danh, phóng viên kiêm hoạ sĩ, mặt ông nhăn nhó ngẩn ngơ khôi hài như con mèo Tom khi đang ngó vào buồng con chuột Jerry. Tôi buồn cười quá, cố nín, chui đầu vào chăn khùng khục nấc. Nhà tôi không rộng, nhưng tôi có một phòng riêng, một túp lều nhôm kính được gá trên phần diện tích dư của sân thượng. Hồi bố tôi đi điền dã hai tháng ở Quảng Bình, người tình của mẹ tôi đều dặn tuần ba buổi tới nhà. Tôi được nghe kể nhiều về ông này. Trưởng phòng hành chính hay là một thứ tương tự như vậy. Ông ta bị trĩ nên để nhiều thời gian ngồi trong toa lét và có cái khoái cảm là rất thích nghe những người cơ quan kháo chuyện trong đó. Khi ông đi ra mồm ông tủm tỉm một nỗi sâu xa bí hiểm. Ông có nhiều tiền vì mỗi năm ông tìm cách thay đổi địa điểm nhà vệ sinh cơ quan ba lần. Đang ở đầu hồi trái ông bảo không thuận hướng gió nên đổi sang đầu hồi phải. Rồi nữa, theo thuật phong thuỷ của một ông Tả Ao nào đó, ban giám đốc hay bị đau bụng tháo dạ khi ăn hải sản là bởi nguyên do một ngăn bể phốt nhỡ đè lên long mạch. Hơn một lần, sau khánh thành một nhà vệ sinh mới, ông đã mời bố tôi đi uống bia. Bố tôi nửa đêm lảo đảo về nhà, say lắm, nhưng vẫn kêu bia của ông có mùi khai. Ông suýt bị mất chức vì rất nhiều lần ông cho lắp bệ đái đúng theo chiều cao của ông. Người ông dài lòng thòng, những người bình thường khác cố kiễng chân nhưng vẫn bị rây ẩm hết ra quần. Đảng bộ họp, công đoàn họp ông khóc lóc xin lỗi, ban giám đốc quyết định tha cho ông vì hầu như mọi người đã quen ngồi bệ xí bệt ông mua tặng. Một lần tôi đi học về, bắt gặp ông ta một mình chui lên phòng tôi. Ông ta quỳ dưới sàn, úp mặt vào cái đệm tôi nằm, hổn hển hít. Nước dãi chẩy ra cằm một vệt dài bẩn thỉu. Ông ta đần người ấp úng mặt tái nhợt nhìn tôi, tay vẫn cầm bộ đồ lót mầu tím nhạt mà tôi thường vất vung vãi khắp sàn. Tôi quay phắt người đi xuống cầu thang gỗ ọp ẹp để tìm mẹ tôi. Năm ấy tôi đã mười lăm tuổi và rất nhiều người bảo tôi già và ghê gớm như con mụ ba mươi. Ông ta hấp tấp tụt thang theo đằng sau, đến trước cửa phòng mẹ tôi, tôi đột ngột đứng lại. Tôi biết giờ này mẹ tôi đang đi chợ. Ông ta cũng dừng sững, mặt không tái nữa mà đỏ sẫm, một mầu đỏ xám xịt đê tiện. Tôi hỏi là ông ta có muốn tôi mách mẹ tôi không. Không hiểu sao ông ta lúng búng rút ví tiền. Tôi tiến lại gần giật phắt cái ví trong tay ông ta, cái ví chằn chặn rất nhiều tiền chẵn. Tôi cầm cái ví bình tĩnh gõ lên trán ông ta, cốt để con dê già lấy lại thần hồn. Tôi bảo là cho ông ta nợ và đến một lúc nào đó, tôi thích thì tôi sẽ đòi. Ông ta cầm ví đút nhầm lên túi ngực, lùi lũi đi. Kể từ ngày ấy ông ta sợ tôi lắm lắm. Những người làm nghề người mẫu với tôi, đương nhiên có cả tôi, chẳng hiểu gì về đám công chức cả. Người ta thường nói giới công chức, vậy thì nó cũng rộng cũng sâu và nó có đạo đức của riêng nó chứ. Nhà văn nhìn tôi, chắc là anh biết tôi thật thà hỏi. Anh nói là hồi đang viết dở cuốn tiểu thuyết đầu tay, anh có làm hơn bốn năm ở một văn phòng đại diện thương mại của người nước ngoài.

"Em đọc Shê Khốp chưa"

"Em đọc rồi, ông ta là nhà văn duy nhất viết về những con người nhỏ nhoi tuyệt hay"

Nhà văn phì cười, đấy là giọng của những người làm lý luận phê bình. Thực ra đề tài công chức là đề tài rất thường xuyên của nhiều nhà văn nhân hậu.

"Thế anh có viết không"

Anh lại nhìn tôi rồi thong thả châm thuốc, rõ ràng muốn né tránh câu hỏi. Về sau, trong một khoảng thời gian lẫn lộn nào đó, tôi có đọc một tập truyện ngắn của nhà văn. Hình như khoảng mười lăm truyện, có chữ in rất xấu. Có một câu dài tôi không hiểu, nếu có điều kiện tôi bắt anh phải giải thích.

Sinh hoạt công chức là một vũng lầy đọng nhiều những thói nửa hay nửa dở của đám tiểu thị dân. Một phòng lắp máy điều hoà nhiệt độ chưa tới trăm thước vuông gồm khoảng ba chục người lổn nhổn giới tính và tuổi tác. Những cành hồng không nụ không hoa chỉ còn lặt vặt gai với những chồi chưa già đã úa. Hoặc mới ở quê theo chồng theo cha ra đô thị chưa được năm năm. Hoăc hai ba đời gốc gác thành phố. Sền sệt giống nhau, quện vào nhau. Xa tít hơn hai nghìn năm trước, Khổng tử đã vẽ mặt mũi những con người nửa thương nửa giận ấy trong thiên Vệ Linh Công. "Quần cư chung nhật ngôn bất cập nghĩa hiếu hành tiểu tuệ". Một bậc túc nho mệt mỏi dịch, ở quây quần với nhau trọn cả ngày nói chuyện không đả động đến việc nghĩa lại hay ham làm việc khôn vặt. Phu tử vốn là ngưòi đạm tính nhiều tình cảm, vậy mà đôi lúc phải gay gắt. Đấy có lẽ là cái hay nhất của Luận Ngữ.

Nguyễn Việt Hà

 

   

 

 truyện & ký


 


  75- Phố Phường Hà Nội.                                     Ký sự                                                  Trần Công Nhung
  76-
Bạo hành "phòng the".                           Phóng Sự - Bút Ký.                                   Nguyễn Trọng Tài 
  77-
Chuyện kể trong nước mắt.              Truyện ngắn Trung Quốc.                 Nguyễn Hải Hoành dịch 
  78-
Linh dược.                                       Truyện Ngắn của Mạc Ngôn.                               Phạm Văn dịch 
  79-
Gặp gỡ.                                                       Truyện ngắn.                                      Trần Tiễn Cao Đăng 
  80-
Tĩnh lặng.                                                    Truyện ngắn.                                                             Miêng 
  81- Khải huyền muộn
.                             Trích đoạn tiểu thuyết.                                     Nguyễn Việt Hà

vhvt-10
Trở lại trang chính