vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
ngôn ngữ & dịch thuật |
|
Với cung cách làm ăn kiểu đầu nậu tràn lan trong ngành xuất bản hiện nay, đã có biết bao người phải xấu hổ trước đứa con tinh thần của mình mà dịch giả Ruồi Trâu là một "nạn nhân điển hình". Dẫu là chuyện không hy hữu trong ngành xuất bản, câu chuyện trắc trở của Ruồi Trâu khiến chúng ta phải giật mình. Qua điện thoại, có một ông già, xưng nguyên là trợ lý bộ trưởng, nguyên bí thư thứ 3, đại sứ quán VN tại TQ, lại kiêm cả luật gia nữa; ông ấy đòi gặp tôi để tặng cuốn Ruồi Trâu của nữ nhà văn Anh nổi tiếng E.L. Voynich, tác phẩm từng làm say mê bao thế hệ thanh niên. Ông cho biết, cuốn này vừa được NXB Văn học tái bản lần thứ 5, ông mới lấy được cuốn đầu tiên trước khi xuất kho để đem tặng tôi. Lạ lùng trước món quà này, tôi hỏi ông lý do vì sao, ông bảo: Tôi là Hà Ngọc, anh không nhớ à? 3 năm trước, anh viết bài "chửi" tôi trên báo, hôm nay tôi đến vì chuyện "chửi" ấy. 1. Ngồi đợi ông, tôi hơi lo lo. Đúng là 3 năm trước, tôi có viết một tin bằng bao diêm "nhặt sạn" cuốn Ruồi Trâu (NXB Hội Nhà văn tái bản) vì đó đúng là một nồi sạn. Cuốn sách không một lời chú thích. Câu cú thì lủng cà lủng củng, các thuật ngữ tôn giáo lung ta lung tung, chính tả sai be bét…điều đó như một sự xúc phạm đến tác phẩm kinh điển này…Những tưởng là bài báo "nhặt sạn" nhỏ xíu ấy người ta sẽ quên đi, ai dè, ông già này "thù dai" thật. Ông Hà Ngọc (tên đầy đủ là Hà Ngọc Quế) nay đã gần 80 tuổi, nhỏ thó, cưỡi một chiếc xe honda 79 (hay 81) gì đó vẫn chạy phành phành. Trên tay ông là cuốn Ruồi Trâu bìa đẹp, gáy cứng, có vẻ hàn lâm lắm. Giở ra trang đầu tiên, tôi thật sự ngạc nhiên khi ông photocopy và dán vào đó bài báo của tôi "phê bình" ông (phía dưới còn có dòng chữ viết từ năm 2001: "Phải cảm ơn người viết bài này và phô tô giữ"). Tôi nhìn ông ngạc nhiên… "2 năm trước, khi tình cờ đọc bài báo ấy - ông kể - tôi rất ngạc nhiên. Tôi không hề biết là ai đang tái bản bản dịch của mình, in ở đâu, bao giờ. Lùng khắp các hiệu sách không thấy, tôi xông thẳng vào NXB Hội Nhà văn, ông trưởng phòng văn học nước ngoài bảo chuyện này phải hỏi cô Lễ. Cô Lễ là cán bộ NXB T.K. nhưng liên kết với đầu nậu làm sách, mượn "mũ", in sách thế nào ai mà biết hết được. Tôi gặp cô Lễ, cô thừa nhận với tôi là đã tự ý in Ruồi Trâu. Cô sòng phẳng trả tiền và cũng biếu tôi hàng chục cuốn sách. Bấy giờ tôi mới được mở ra xem thì đúng là thấy sai nhiều thật, nó là một cái bãi rác chứ không phải một tác phẩm dịch nữa. Tôi hỏi cô là in theo bản nào, cô bảo in theo bản tháng 7-1975. Bản này vốn đã sai nhiều rồi (năm 1975 tôi đã suýt mất tình bạn bè vì một người bạn tôi đã tự ý in nó), nay lại rơi vào cung cách làm sách theo kiểu đầu nậu, thì sai đến lố bịch cũng phải thôi. Cô ấy bảo "thứ lỗi cho cháu, các cháu đánh máy sai nhiều quá". Thì ra họ xé lẻ cuốn sách ra từng phần, chia nhau đánh máy, đánh ào ào cho xong, rồi khớp lại vào với nhau, phần giới thiệu bị cắt bỏ. Thảo nào ! Cầm máy cuốn Ruồi Trâu tái bản về, tôi xấu hổ quá, không dám đi tặng ai, giờ vẫn chất ở nhà. Trong nhà tôi có mấy chục cuốn Ruồi Trâu qua gần chục lần tái ban chính thức và không chính thức (mà tôi mua được làm kỷ niệm), còn chuyện bị tái bản lậu rền rĩ qua gần 50 năm thì nhiều không kể xiết. Xin kể thêm một chút, tôi bắt đầu dịch Ruồi Trâu từ những ngày ở đại sứ quán VN tại Trung Quốc. Đó là năm 1958, hồi đó Trung Quốc lộ lên cơn sốt Ruồi Trâu, tôi đọc thấy hay, ra phố mua được một bản tiếng Nga về cặm cụi dịch. Dịch là dịch chơi thôi. Mới dịch được 2 chương thì ông Thép mới lúc bấy giờ là tổng biên tập tờ báo nay là Hà Nội mới sang công tác bên đó, ông ấy cầm về nuớc. Một hôm tôi bỗng nhận được tin của ông ấy, kèm theo cả báo biếu nữa, tin rằng: "Tao đang đăng lần luợt hai chương Ruồi Trâu của mày, mày phải dịch gấp đi, độc giả đang chờ. ..Mày đã ở thế "cỡi trên lưng cọp" rồi. Thế là tôi đành phải dịch đêm ngày cho xong. Dịch đến đâu, báo Hà Nội Mới in đến đó. Ông Thép Mới cũng có sửa chữa vào. Ruồi Trâu in trong nước mấy chục năm qua đều dựa trên bản dịch chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa hiệu đính một cách toàn diện đó, tóm lại chỉ là một truyện dài kỳ để đăng báo. Đó chính là nguyên nhân khiến mỗi lần tái bản là một lần "tam sao thất bản" ! Vào khoảng năm 1999, NXB Trẻ in Ruồi Trâu, nhưng không đề tên dịch giả, phía cuối họ có ghi lời xin lỗi trước rằng họ không biết dịch giả là ai, và hứa sẽ trả bản quyền đầy đủ cho người đến nhận. Tôi đến nơi, họ tử tế lắm, xin lỗi, đưa tiền. Xem bản dịch này tôi nhớ đến anh B.N. vốn là người "tranh chấp" bản quyền với tôi dạo cách đây gần 2 năm, và tính chuyện chia tiền cho anh. Nguyên do là năm 1981, NXB TN in Ruồi Trâu của anh B.N. ông này vừa dịch lại vừa có xào xáo bản dịch của tôi để thành bản mới. Khi tôi phản ứng về việc này thì ông giám đốc NXB sau khi so sánh hai bản dịch phải thừa nhận ngay và bảo tôi: "Thôi tôi xin bác, bác để tôi đề thêm tên bác vào đây thành B.N. - Hà Ngọc". Sau khi điền thêm tên tôi vào, anh B.N. còn đích thân gửi tặng tôi một cuốn Ruồi Trâu "dịch chung" có chữ ký của anh để làm kỷ niệm. Chuyện là như thế". 2. Ông Hà Ngọc kể tiếp: "Tất cả những trắc trở ấy của cuốn Ruồi Trâu, và đỉnh cao là bài viết "chửi" tôi của anh khiến tôi chợt nhận ra phần việc mà tôi phải làm nốt: Phải hiệu chỉnh Ruồi Trâu trên cơ sở bản in báo từ 50 năm trước. Có rất nhiều thứ phải làm, vì dịch Ruồi Trâu có nhiều cái khó…Tôi đã bắt tay vào việc này từ một năm nay và bây giờ đã hoàn thành, mang đến để cáo lỗi với anh - một độc giả đã bực mình vì tôi". Câu chuyện của ông khiến chúng ta phải giật mình. Với cung cách làm ăn kiểu đầu nậu tràn lan trong ngành xuất bản hiện nay, họ đã làm biết bao người phải xấu hổ trước đứa con tinh thần của mình, mà dịch giả Ruồi Trâu chỉ là một? Theo Thể thao và Văn hóa
|
|
ngôn ngữ và dịch thuật |
|