vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  ngôn ngữ & dịch thuật



 

 

 

''Phong ba bão táp, ngữ pháp Việt Nam''!

Hoàng Huy

(VietNamNet) - ''Đi gì mà đầu lâu thế?'' - ''Ừ, tại đường Hà Đông quá!''... Nhiều người trong nước cũng tròn mắt trước kiểu tiếng Việt mới này, chưa nói đến những người xa quê hương đã lâu, hay người nước ngoài học tiếng Việt (dù có cặm cụi đến đâu đi nữa!!!)...

Nhiều từ ''mới''
xuất hiện quanh cốc bia.

Kề cà bên bàn nhậu, mấy ông ngó nghiêng ly rượu của nhau rồi xướng lên: ''Bắc Cạn đi, các ông ơi!''. Mấy chị cùng văn phòng hỏi một người hôm trước đã ứng tiền chi cho bữa liên hoan: ''Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?''. Đám sinh viên đi picnic, giữa đường hỏi nhau: ''Từ đây đến đấy còn Natasa không mày?''...

Dám chắc không một ông Tây bà Đầm nào, dù có học tiếng Việt chăm chỉ đến đâu, có tra nát cả từ điển, hỏng cả máy tính, cũng có thể hiểu được loại ngôn ngữ nói đang rất ''thịnh'' này! Bởi một lẽ đơn giản: chính nhiều người Việt Nam với nhau, thoạt nghe cũng còn không hiểu. Sau tích tắc ngỡ ngàng ban đầu, những người-cùng-tiếng-mẹ-đẻ là tiếng Việt mới hay: thì ra, người ta vận dụng cả 1 từ, cụm từ hoặc 1 tên riêng thông dụng nào đó thay cho chỉ một tiếng trong từ định nói. Tất nhiên, chỉ để nghe và nói bởi nếu để viết sẽ sai chính tả nghiêm trọng. Những tiếng còn lại không có ý nghĩa gì cũng... không sao!

Ấy vậy mà, cái model nói mới này đang len lỏi vào khắp các tầng lớp, ngõ ngách. Nó không phải ngôn ngữ ''vỉa hè'' bởi đã chui thành công vào các văn phòng, công sở của nhiều ngành nghề khác nhau như: kỹ thuật, nghệ sĩ, báo chí, tài chính, hành chính, thậm chí công an, bộ đội... Một anh nhà báo nghe có tin hay đang định tức tốc lên đường đi tỉnh xa, đồng nghiệp vỗ vai: ''Thôi, tôi Lương Văn Can ông, đừng đến đấy!''. Cô diễn viên tới nhà hát với vẻ ngoài sửa soạn kỹ hơn mọi ngày, được bạn diễn khen: ''Hôm nay trông hơi nhà vệ sinh đấy!''. Bà nội trợ nói vọng sang hàng xóm: ''Lát nữa có đê tiện đi siêu thị, nhớ mua hộ chai nước mắm nhé!'' (trời ơi, mấy từ này mà hiểu không nhanh, chắc là ''sốc'' lắm???)... Không phải nói lóng, không phải nói lái, nói tục, cũng không nói ngược, không nói bóng gió, không phải thành ngữ, không phải tục ngữ... - người viết bài này chỉ biết gọi nó là kiểu nói ''mới'' mà thôi!

Mở đầu trào lưu này phải kể đến nỗi buồn của nữ ca sĩ Lệ Quyên từ khá lâu rồi. Sự nổi tiếng của cái tên Lệ Quyên vào thập niên 80 khiến người ta dùng luôn tên cô ám chỉ việc đóng góp tiền nong. ''Cả lớp ơi, Lệ Quyên vào đi chơi thôi!''... Có thể nói, cái tên Lệ Quyên đẹp đẽ, điệu đàng đã biến thành động từ sớm nhất, phổ biến nhất, mở màn cho hàng loạt từ cùng dạng khác trong kiểu nói mới. Cùng giai đoạn với sự xuất hiện và xâm nhập của động từ ''Lệ Quyên'', ngày ấy người ta còn hay nói cụm từ ''ô-mai sấu cuối lọ'' khi chê bai gì đó. Đáng ngạc nhiên, qua ngót hai chục năm, 2 cụm từ này dường như vẫn ''bền mãi với thời gian'', được vận dụng thường xuyên và chưa bị lỗi thời.

Kiểu nói này, đến Bút Tre nghe cũng phải lè lưỡi và phì cười... bởi nếu thơ Bút Tre và cả Hậu Bút Tre khiến người đọc ngặt nghẽo phần lớn vì lối tách từ (từ 2, 3 tiếng phải đọc liền mới có nghĩa thì lại tách ra, cho xuống dòng, thích xuống dòng ở đâu thì xuống một cách hồn nhiên) như: ''Anh đi công tác Ban Mê ~ Thuột xong một cái lại về cùng em!'' thì kiểu nói mới lại làm nhiều người khoái trí vì sự ghép từ tuỳ tiện với những tiếng thừa rất cố ý. Hai tiếp viên nhà hàng tâm sự với nhau: ''Em cà-rốt quá chị ạ, biết tay ấy Lê Văn Sỹ thế thì em phải mở nhiều bia cho hắn Lục Tốn!''. Đèo nhau trên đường, người ngồi sau hối người cầm lái: ''Trần Tiến lên đi, không có anh hùng Núp đâu!''... Đúng là, nhiều người xa quê hương lâu không về, giả dụ có nghe những câu tương tự thế cũng khó mà hiểu ngay, đừng nói tới foreigners học tiếng Việt!

TV cũng vỗ tay!

Chẳng biết có phải kế thừa và phát huy kiểu nói mới ấy không, mà vài mẩu quảng cáo trên truyền hình cũng không ngần ngại biến luôn danh từ riêng thành tính từ (mà không sợ ai đánh thuế): ''một cảm giác rất yomost'', ''một phong cách thật xì-tin''... Tiến sĩ Phạm Văn Tình (Viện Ngôn ngữ học) thì gọi đó là thứ ''tiếng Việt ngoài từ điển'', nhà báo Quốc Tiến - Văn Minh thì cho rằng đó là ''ngôn ngữ đen''. Quả câu ví ''Phong ba bão táp, ngữ pháp Việt Nam'' không sai!

Gọi là gì không quan trọng, đáng suy nghĩ là kiểu nói mới này có 1 sức sống ''xuyên thế kỷ'', được một bộ phận không nhỏ chấp nhận nên mặc nhiên tồn tại. Nếu có ai dày công biên soạn 1 cuốn từ điển ''ngoài luồng'' này, không biết chừng nó cũng đầy đặn chẳng kém quyển từ điển tiếng Việt chính thống. Mà có khi còn dày hơn bởi: Nếu tiếng Việt ''kinh điển'' chỉ có 1 từ khách hàng thì từ này trong tiếng Việt ''phẩy'' có thể thay bằng nai, ...; tiền thì được gọi là đạn, xèng, cân, lít, ...; ít ai còn nói ''gái làm tiền'' mà gọi tắt là cave, đào, gái, hàng...; tìm người yêu thì bảo là cưa, chăn, tán...

Người viết bài này không bàn tới sự tốt hay xấu, lợi hay hại của kiểu nói mới kể trên. Theo quy luật tự nhiên, nó sẽ tự bị đào thải nếu không ai còn thú vị khi ''phát ngôn'' nữa. Hài hước là yếu tố cần thiết trong cuộc sống, vui vẻ thì ai cũng thích, song chợt nghĩ tỉ dụ mà có 1 cuốn từ điển tiếng Việt ''phẩy'' thật, nó lại được nhiều người mua hơn cuốn từ điển tiếng Việt chính thống, thì đang vui cũng hoá ra buồn!

  • Hoàng Huy

 

   

 

   ngôn ngữ và dịch thuật


 



 


  27- Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây.                                         Hòang Tiến

  28- ''Phong ba bão táp, ngữ pháp Việt Nam''!.                                                                          Hoàng Huy  
  29- Văn học dịch...                                                                                                                              Tích hợp 
  30- EC giúp Việt Nam đào tạo phiên dịch cao cấp.                                                                    Tiền Phong 
  31- Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu.                                                                         Thể thao & Văn hóa 

vhvt-10
Trở lại trang chính