vhvt

      tự do tư tưởng và sáng tạo

  ngôn ngữ & dịch thuật



 

 

 

Văn học dịch: Thị trường lộn xộn, nhuận bút giá bèo!

TTO - Cuộc gặp gỡ lần thứ 2 của những người dịch văn học khu vực phía Bắc (tổ chức tại Hà Nội sáng nay 12-5-2004) đã biến thành một cuộc “tố khổ” của các dịch giả.

Chưa bao giờ các tác phẩm văn học nước ngoài lại tràn ngập trên các quầy sách VN khắp hang cùng ngõ hẻm như hiện nay. Đó là một nỗi vui mừng, nhưng cũng là nguyên nhân của sự lo lắng, thậm chí nhiều lúc bực tức và xấu hổ của không ít dịch giả và bạn đọc nghiêm túc.

Cũng chính vì thế mà nhà thơ - dịch giả Thuý Toàn, người thành danh với các bản dịch thơ Puskin , Chủ tịch hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn VN tóm tắt thực trạng của văn học dịch trong 3 điểm chính: dịch tràn lan khong phân biệt đồ xịn với đồ rẻ tiền; dịch sai, ẩu, bừa bã; không có ý thức tôn trọng bản quyền, thường xuyên xảy ra hiện tượng đạo văn, quỵt nhuận bút.

Đi sâu hơn vào chuyên môn, ông Thúy Toàn dẫn ra những cái tít của các bài báo nói về việc dịch văn học : "Một bản dịch cực kỳ tệ hại của NXB...”; “Tội nghiệp cho nhà văn ...”;  "Trăm lỗi sai trong "100 năm giải Nobel"; “Dịch thơ văn cổ điển Trung Quốc qua các thứ tiếng phương Tây”... chưa cần đọc kỹ nội dung, chỉ lướt cái tít cũng thấy sự sai, ẩu của các bản dịch.

Theo thống kê của năm 2002, VN có 236 dịch giả chuyên nghiệp và có khoảng hơn 1.000 tựa sách văn học dịch xuất bản hàng năm, nhưng số lượng những cuốn sách dịch có giá trị như: Trăm năm cô đơn, Chuyện tình thời thổ tả, Chiếc trống thiếc, Lụa, Đàn hương hình... vẫn có thể đếm được; những dịch giả tài năng và tận tuỵ với công việc của những “con ngựa thồ văn hoá” (chữ dùng của ông chủ tịch liên đoàn dịch giả thế giới) như Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Trung Đức, Cao Xuân Hạo, Dương Tường, Huỳnh Phan Anh, Trần Đình Hiến... hoặc đã mất, hoặc đều đã cao tuổi.

Các dịch giả trẻ không mấy hào hứng với việc dịch các tác phẩm “khó nhằn”- họ để thời gian và công sức vào việc dịch sách best-seller hoặc dịch tài liệu sẽ được nhậ thù lao hợp lý hơn (Hiện tượng Phạm Xuân Nguyên dịch Sự bất tử của Kundera hồi 1996 chỉ là đặc biệt, vả lại Phạm Xuân Nguyên năm nay cũng đã sắp vào tuổi “Tri thiên mệnh” rồi).

Trong một so sánh hết sức chua chát và hài hước, dịch giả Ông Văn Tùng- chuyên dịch văn học Trung Quốc cho biết: “Tôi làm công việc dịch không có mục đích gì cao cả to tát, chỉ là để kiếm ăn, và kiến văn của tôi cũng vừa phải. Nhưng tôi thực sự “choáng” khi được biết có người làm dịch vụ dịch thuê tài liệu được trả từ 25-40 ngàn/trang in, vậy mà ông ta dịch “Cập Thời Vũ Tống Công Minh” là “Tống Công Minh gặp một cơn mưa kịp thời”, “Hỗ Tam Nương Nhất Trượng Thanh” là “Hỗ Tam Nương cầm một cây gậy màu xanh”, trong khi đến trẻ con mê Thủy Hử nó cũng biết đó là tên hiệu của các nhân vật Tống Giang, Hỗ Tam Nương. Còn tôi vừa nhận nhuận bút 3 triệu đồng cho một cuốn sách dịch 400 trang (!) bây giờ thì tôi muốn bỏ nghề quá.

Dịch giả Đặng Anh Đào cũng tán đồng: muốn sống bằng nghề dịch phải có một sức khoẻ phi thường (!) . Sách dịch nghiêm chỉnh ế là đương nhiên, vì ở tất cả các nước trên thế giới, dòng văn học nghiêm túc bao giờ cũng được... bao cấp!

Bà cũng có một kiến nghị với các NXB và Cục XB: “Ở nước ngoài có thể có đến hàng chục bản dịch các tác phẩm kinh điển, nhưng với VN, trong tình hình dịch bát nháo như hiện nay, các tác phẩm kinh điển đã được các cây bút tên tuổi dịch rồi thì chưa nên cho xuất bản các bản dịch mới mà chỉ nên tái bản thôi, bởi vì không thể tin được vào các dịch giả “kiểu mới” bây giờ.

Nhà văn Cao Tiến Lê, UVBCH Hội Nhà văn VN hứa hẹn để giải tỏa bức xúc của số đông cử toạ: Hội nhà văn đang có một dự án để có thể tổ chức dịch văn học VN ra một số tiếng nước ngoài một cách quy mô, chính thức và tập trung. Dự kiến đến 2005 sẽ bắt đầu, khi đó, các nhà văn VN ra nước ngoài sẽ có thể mang các bản dịch văn học VN đi cho, biếu , tặng, tóm lại là “khuyến mãi” để người ta hiểu thêm về văn học mình.

Còn về dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt, đến tháng 6 –2004 tới, sẽ có một cuộc hội nghị những người dịch văn học toàn quốc tại Phú Yên để bàn biện pháp khắc phục các “vấn nạn dịch thuật” vừa nêu. Lại có một cuộc “tố khổ” nữa chăng?

THU HÀ

"Dịch"...sách dịch! 

Sai sót... ra đến tận ngòai bìa sách!

TTCN - Dịch giả Phạm Viêm Phương cầm trên tay bản dịch một tập truyện ngắn của John Steinbeck mà bức xúc quá đỗi. "Tôi có gần như đầy đủ các bản nguyên tác của John Steinbeck, do đó có thể đối chiếu với bản dịch đang được phát hành: sai sót thật là kinh khủng". 

Nhìn rộng ra, thị trường sách dịch ở ta hiện nay đang hết sức tùy tiện và bát nháo.

Sai sót trong ruột lẫn ngoài bìa

Nhà nghiên cứu dịch giả Nhật Chiêu cho rằng hiện nay "có một sự thi đua cẩu thả giữa các nhà xuất bản (NXB) trong việc làm sách dịch" (ở đây được hiểu là các sách văn học dịch - NV).

Nói thế cũng không ngoa bởi không chỉ có những sai sót thuộc về nội dung (trong ruột sách) mà còn "nhan nhản trên các bìa sách, thật không thể hiểu nổi" như lời ông Nhật Chiêu.

Chẳng hạn như in sai tên tác giả: tác phẩm Tiếng sóng của Mishima Yukio (NXB Hội Nhà Văn) tên tác giả in thành Yokio.

Còn NXB Văn Học vừa mới cho ra đời bộ truyện Thủy HửHậu Thủy Hử ba quyển, ngoài bìa ghi tên tác giả là La Quán Trung.

Giới dịch giả ngơ ngác hỏi nhau liệu đã có một nghiên cứu hay phát hiện nào vừa công bố cho rằng Thủy Hử là của La Quán Trung? Bởi Thi Nại Am mới là tác giả Thủy Hử như xưa nay mọi người đều biết.

Ngay từ năm 1999 NXB Văn Học đã in một quyển Hậu Thủy Hử với hai tác giả là Thi Nại Am và La Quán Trung. Nếu có công bố một phát hiện mới nào đó về tác giả những bộ sách kinh điển này thì NXB tối thiểu phải có thông báo trong lời tựa chứ!

Trong khi đó bìa tập truyện ngắn (của NXB Văn Hóa Thông Tin) Miếng bíttết, tựa một truyện ngắn của Jack London, ghi là "truyện ngắn lãng mạn Pháp" dù trong tập truyện này có năm truyện Mỹ (của Jack London, Hemingway, Frank Runy, Ring Lardner), một truyện Anh (Conan Doyle), một của Ấn Độ (Balvang Garghi) và chỉ có một truyện của tác giả người Pháp là Louis Aragon; nhưng Aragon cũng không phải là nhà văn thuộc chủ nghĩa lãng mạn mà thuộc chủ nghĩa siêu thực của thế kỷ 20.

Cách làm như vậy có thể gây tai hại cho những bạn trẻ vốn chưa am tường về các trào lưu, chủ nghĩa của văn học nước ngoài khi họ tiếp cận với nguồn tư liệu tham khảo kiểu này. Không khéo rồi đây lại có những bài làm của sinh viên viết rằng Jack London là nhà văn lãng mạn Pháp cũng nên!

Bát nháo khắp nơi

Ngay trong các trường đại học với những người dịch có học hàm học vị thì chất lượng bản dịch của họ cũng thật đáng ngờ.

Xin đơn cử: hiện trên thị trường đang bán quyển Truyện cực ngắn của Ernest Hemingway do NXB Văn Nghệ in từ năm 2001. Quyển này không ghi tên người dịch, nhưng theo chúng tôi biết thì đây là bản dịch của một vị tiến sĩ thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Có điều những "truyện" trong tập này chẳng phải là "truyện cực ngắn" gì cả mà chỉ là những đoạn chapeau (đề từ) trước mỗi chương của một tập truyện có tên In our time (bản tiếng Anh, in tại Mỹ năm 1958). Hemingway có sống lại cũng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu cái tập truyện "cực ngắn" này ở đâu ra!

Còn cuốn Tuyển truyện John Steinbeck mà Phạm Viêm Phương nói ở trên thì đúng "đầm đìa" lỗi sai. Nhưng đâu phải độc giả nào cũng có khả năng tìm ra những lỗi sai như thế. Chính dịch giả Phạm Viêm Phương đã lấy nguyên tác tiếng Anh ra so sánh với bản dịch và không chịu nổi những sai sót ngớ ngẩn trong cuốn truyện đã in mà ông đã tự sửa lại đến nát cả trang sách!

Có những lỗi cho thấy trình độ của người dịch rất kém, chẳng hạn như nguyên tác viết là: "con rắn cuộn thành vòng số tám" lại được dịch thành "con rắn cuộn thành tám vòng tròn".

Từ năm1986 thầy giáo dạy Anh văn Cao Xuân Nghiệp đã dịch toàn bộ trường ca Calêvala của Phần Lan và được NXB Mũi Cà Mau in. Đến năm 1991 cũng NXB này tái bản trường ca này nhân dịp ông Cao Xuân Nghiệp được nhận huy chương của Phần Lan vì đã góp phần phổ biến văn học Phần Lan ở VN.

Thế nhưng mãi đến đầu năm 2003 ông Cao Xuân Nghiệp mới phát hiện bản dịch của mình đã bị nhà sách Hồng Ân tại TP.HCM lấy cắp gần như toàn bộ và liên kết in với NXB Văn Nghệ (năm 2000) dưới cái tên Truyện dân gian Phần Lan do Tô Đình sưu tập (!); trong khi trừ ba trang đầu và một chương cuối, tất cả các chương còn lại sao y toàn bộ bản dịch của ông Cao Xuân Nghiệp!

Trên đây chúng tôi chỉ mới điểm qua những bát nháo và tùy tiện trong tình hình sách văn học dịch hiện nay, còn đề cập đến một hệ thống sách dịch là cả vấn đề lớn của nền học thuật nước nhà.

Thời buổi mở cửa, anh không thể "đóng cửa nhai văn" như ngày xưa Cao Bá Quát đã nói. Song dịch sách thì cần thiết phải dịch có hệ thống. Nhiều dịch giả than phiền rằng hiện nay sách dịch ở xứ ta bán đầy các nhà sách lớn nhỏ nhưng những bản dịch có giá trị tham khảo, nghiên cứu thì chẳng là bao. Vì ta dịch tùy tiện quá; ai thích truyện nào, ở đâu, của tác giả nào thì cứ dịch, rồi tìm chỗ in, không hề có cái nhìn hệ thống đối với một nền văn học và các tác giả của nền văn học đó.

Và cho đến nay vẫn chưa có NXB nào tổ chức dịch các tác phẩm văn học kinh điển có hệ thống và chất lượng.

Hiện nay dù nhiều người làm sách dịch rât nhạy bén với thị trường nhưng nhìn chung người đọc vẫn thiếu sách dịch có giá trị.

Trong khi đó, rảo qua thị trường sách dịch dê thây một sự mất cân đối nghiêm trọng. Thường những người làm sách dịch ăn theo các sự kiện quốc tế: khi có “sự kiện” Yeltsin thì nhà nhà làm sách Yeltsin, khi xuất hiện nhân vật Putin thì nhà nhà chạy đua làm sách về Putin.

Đó là chưa kể việc Cục Xuất bản cho phép hai NXB cùng in một cuốn sách dịch (Nhật ký lúc nửa đêm của Yeltsin, NXB Công An Nhân Dân và NXB Chính Trị Quốc Gia cùng xuất bản).

Trong tình hình sách dịch như vậy những sai sót ra đến tận... ngoài bìa như đã kể trên vẫn hãy còn rất nhỏ.

LAM ĐIỀN


 

Thị trường sách dịch: Một hiện trạng đáng buồn

TTCN - Các dịch "giả" thì cứ vô tư dịch, còn các nhà dịch (thiệt) thì lo âu báo động. Thị trường sách dịch, nhất là sách dịch văn học, đang ra sao? 

Nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu:
Dịch thuật đang nằm trong tình trạng cực kỳ đáng buồn

Nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu

Khi mới nhìn vào ngăn văn học nước ngoài ở các nhà sách, nếu không am hiểu ta dễ choáng ngợp vì tưởng nó nhiều và đầy đủ; nhưng thật ra chẳng đáng vào đâu. Bởi đa phần là các tác phẩm best-seller hay tác phẩm cũ dịch lại, và thường khá thiên lệch và sao chép.

Ví như tác phẩm của Quỳnh Dao, Hemingway thì được dịch đến phát nhàm. Ví như bản Nghìn lẻ một đêm mới đây, người dịch sau phải đến xin lỗi dịch giả trước vì những cẩu thả của mình. Ví như cuốn thơ Đường mới xuất hiện, ta mừng lắm nhưng lại thất vọng ngay vì chỉ toàn những bài mà các tác giả trước đã dịch, và dịch chẳng có gì mới.

Nói chung dịch thuật đang nằm trong tình trạng cực kỳ đáng buồn; bởi nó manh mún, tản mạn và không có định hướng gì hết. Còn lâu chúng ta mới làm được một cái gì tương tự như "tủ sách văn học thế giới" mà Nga đã làm.

Theo tôi, nếu bản dịch trước còn dùng được thì không nên dịch thêm nữa, vì những tác phẩm đáng để dịch còn quá nhiều và bạn đọc cũng đang cần những bản dịch tác phẩm mới.

Tại sao dịch lại Âm thanh và cuồng nộ mà không dịch Nắng tháng tám - một kiệt tác khác của W. Faulkner. Cho nên dịch đi dịch lại có khi chưa thật cần thiết vì mặt bằng dịch thuật của chúng ta hiện còn quá thưa và yếu kém.

Nhà ngôn ngữ - dịch giả Cao Xuân Hạo:
Dịch từng chữ có nguy cơ sai đến 50%

Nhà ngôn ngữ - dịch giả Cao Xuân Hạo

Đầu tiên, phải nói ngay rằng có những bản dịch văn học gần đây khiến người đọc băn khoăn tự hỏi: không biết người dịch có học qua Tiếng Việt bao giờ chưa?

Trong chuyện dịch, nhiều người hay nói đến ba chữ: "tín, đạt, nhã" và nghĩ rằng tín là dịch sát nguyên tác từng chữ. Mà dịch từng chữ ai cũng biết là có nguy cơ sai đến 50%, vì một văn bản dịch luôn có nhiều yêu cầu hơn chuyện từ ngữ.

Theo tôi, nếu bản dịch mà dở hơn nguyên tác đã là không tín - không trung thành rồi. Còn thế nào là đạt, nhã? Dịch một câu chửi tục có cần nhã không? Hình như trong cái công thức ba chữ này "tín" được quan niệm hoàn toàn sai.

Còn chuyện dịch đi dịch lại một tác phẩm nào đó thì cũng bình thường thôi, nhất là những tác phẩm kinh điển. Hoặc vì người sau không thỏa mãn với bản dịch của người trước và muốn dịch hay hơn. Hoặc vì do tình cờ mà dịch trùng nhau.

Ví dụ khi dịch Khải hoàn môn của E. M. Remarque, tôi không biết đã có bản dịch trước đó vì tên nó là Tình yêu bên bờ vực thẳm.

Còn nhớ, khi dịch Chiến tranh và hòa bình tôi mới biết bên Pháp có ông Henri Mongault chê L.Tolstoy không biết viết văn nên ông ta phải sửa lại khá nhiều khi dịch tác phẩm này. Mà sửa nguyên tác thì cũng giống như dịch qua một bản dịch khác, rất khó tránh khỏi những sai lệch và ấu trĩ .

Nhà Hán học - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan:
Phải tuân thủ tinh thần "tín, đạt, nhã"

Nhà Hán học - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan

Theo tôi, đã là tác phẩm kinh điển, cổ điển thì có dịch nhiều lần cũng bình thường thôi; vì thường mỗi người dịch mỗi kiểu. Mà khi đã có chuyện mỗi người mỗi kiểu thì không nên có khái niệm dịch đi dịch lại (dịch nhiều không có nghĩa là dịch lại); và càng không thể có ý muốn là dịch để hay hơn hay dở hơn.

Một bản dịch (nhất là chữ Hán) đầu tiên phải thuyết minh rõ là dựa theo bản nguyên tác nào; sau nữa phải giới thuyết là dịch để phục vụ ai, vì mỗi giới có mỗi yêu cầu khác nhau (giới nghiên cứu khác giới phổ thông); cuối cùng là phải tuân thủ tinh thần "tín, đạt, nhã" (tín: đúng, đạt: gần sát nguyên tác, nhã: hay).

Có thể nói chúng ta dịch còn quá ít, cũng tác phẩm Đạo đức kinh, bản dịch bạch thoại có hàng ngàn, phương Tây có hàng trăm, chúng ta có khoảng một chục; và nhìn chung người dịch thường hay tỏ ra cao đạo, mà những ai tỏ ra cao đạo thì thường làm chẳng bao nhiêu và dịch chẳng ra gì.

Dịch giả Phạm Viêm Phương:
Chúng ta không có một nỗ lực triệt để trong vấn đề dịch thuật

Dịch giả Phạm Viêm Phương

Một bản dịch hay phải chuyển tải được nội dung tác phẩm cho thế hệ hôm nay và không phản bội lại nguyên tác. Mỗi bản dịch có một thời gian và không gian sống nhất định, không thể đọc mãi được, cho nên dịch lại là tất yếu.

Còn khi dịch thì chắc chắn phải có phản, vì không có hai ngôn ngữ - hai cách nghĩ - hai nền văn hóa thật sự trùng khít nhau. Song người dịch là chiếc cầu nối, khi ngôn ngữ mẹ đẻ người đó không tốt, lại phải dịch qua bản dịch (dù bản dịch hay) thì mầm mống của thất bại đã bắt đầu và chiếc cầu sẽ tự sụp.

Nhiều người rất ngạc nhiên là tại sao chúng ta đã có một ngôn ngữ độc lập nhiều thế kỷ nhưng lại không có một nỗ lực triệt để trong vấn đề dịch thuật.

Bởi khi không có một tổ chức chung, không có một nhà xuất bản lớn đứng sau thì rất khó để giới thiệu trọn vẹn một tác giả, một vấn đề cụ thể nào. Mà khi không giới thiệu được chuyện của người, thì cũng có nghĩa là không giới thiệu được chuyện của mình; bởi ngôn ngữ vô tình đã bị ngăn cách bởi những giới hạn đơn lẻ.

LÝ ĐỢI thực hiện

 

   

 

   ngôn ngữ và dịch thuật


 



 


  27- Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây.                                         Hòang Tiến

  28- ''Phong ba bão táp, ngữ pháp Việt Nam''!.                                                                          Hoàng Huy  
  29- Văn học dịch...                                                                                                                              Tích hợp 
  30- EC giúp Việt Nam đào tạo phiên dịch cao cấp.                                                                    Tiền Phong 
  31- Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu.                                                                         Thể thao & Văn hóa 

vhvt-10
Trở lại trang chính