văn hiến |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
y tế |
|
Tháng 4-2003, trong lúc lấy đất san nền khu đất ruộng của ông Hà Văn Rẫy (ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), người dân đã vô tình phát hiện một quan tài còn nguyên vẹn. Khi giở nắp quan tài ra, thấy một thi hài còn nguyên, khô ráo nên họ hoảng sợ lấp lại ngôi mộ và trình báo với chính quyền... Những ngày sau đó, TS Đặng Văn Thắng (Quyền Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh) cùng một nhóm các nhà nghiên cứu khảo cổ, các sinh viên thực tập ngành khảo cổ đã tiến hành khai quật ngôi mộ này. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, ngôi mộ chứa một xác ướp đơn, được táng theo hướng đông - tây. Trước khi chôn, đáy mộ được lót lớp cát trắng mịn. Quan tài bằng gỗ sao dạng hình hộp chữ nhật, dài 200cm, rộng 66,5cm, cao 56cm. Xác ướp khô ráo, phần mềm ở hố mắt, mũi và miệng đã bị phân hủy, cơ và các phần phủ tạng khác teo nhỏ; nhưng da, lòng bàn tay, bàn chân còn mềm mại, không chai sần. Thi hài được mặc bốn lớp áo, ngoài cùng là áo thụng dài dưới đầu gối, chân mang giày vải, chung quanh được chèn những túi trà và nhiều cuộn giấy xếp thành từng tập giống giấy tiền vàng mã. Ngay sau khi khai quật, xác ướp được chuyển về Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để tiến hành các nghiên cứu cần thiết... Ngày 5-4-2004, Đại học Y Dược hoàn đất công việc phục chế và kết quả giám định cho thấy: thi hài là nam giới, cao 1,50m, hơn 60 tuổi, niên đại khoảng thế kỷ XIX. Theo ông Đặng Văn Thắng, đây mới chỉ là những kết luận sơ bộ, còn các chi tiết khác như về chủng tộc, thành phần chất liệu dùng để ướp xác, nguyên do dẫn đến tử vong... vẫn chưa đủ cơ sở xác định (trước khi các nhà khoa học vào cuộc, ngôi mộ đã bị người dân đào lên nên không thu được mẫu nước nào để giúp thêm cho việc phân tích thành phần chất liệu ướp xác...). Tuy nhiên, có thể đoán được đây là xác ướp của người Việt. Đây là xác ướp thứ hai được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh (xác ướp thứ nhất được tìm thấy ở xóm Cải, huyện Nhà Bè, đã xác định là của cụ Nguyễn Thị Hiệu, hiện cũng đang được bảo quản ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. TS Thắng cũng cho biết: "Sở dĩ lấy tên "xác ướp Xuân Thới Thượng" vì xác ướp này phát hiện được ở Xuân Thới Thượng. Đây được xem như một khám phá mới rất quan trọng giúp cho khoa học Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có thêm tư liệu trong công cuộc nghiên cứu về xác ướp trong thời gian tới. Từ đó, có thể so sánh giữa xác ướp châu Á và xác ướp Ai Cập. Tuy nhiên để làm được điều này cần phải có thời gian". Một thi hài nằm trong lòng đất đã hơn trăm năm nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn hình dáng một con người - bằng kỹ thuật và chất liệu nào mà người xưa có thể thực hiện được một xác ướp "hoàn hảo" đến vậy? Câu trả lời cho vấn đề này đến nay vẫn còn là một ẩn số lớn đối với các nhà khoa học.
TĂNG TRIỂN - KIM ANH
|
|
|
|
Y tế - kỹ nghệ - giáo dục |
|