văn hiến việt tộc
khoa học

tự do  tư tưởng và sáng tạo

  y tế
    kỹ nghệ  



 

 

 

GS - TS - nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận:
“Tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam”

Lưu Nhi Dũ

Theo lời mời của GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ VN, GS-TS Trịnh Xuân Thuận có 1 tháng làm việc tại VN để trao đổi, hợp tác một số chương trình về giáo dục, nghiên cứu khoa học. Sáng 14-7, GS-TS Trịnh Xuân Thuận trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động

GS-TS Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới. Ông sinh năm 1948 tại Hà Nội. Năm 1966, sau khi học xong tú tài tại Trường Trung học Jean - Jacques Rousseau, ông du học Thụy Sĩ, sau đó du học Hoa Kỳ, tốt nghiệp Học viện Công nghệ California (CALTECH), làm luận văn tiến sĩ tại ĐH Priceton. Hiện ông là giáo sư của ĐH Virginia (Hoa Kỳ). GS-TS Trịnh Xuân Thuận có nhiều đóng góp trong lĩnh vực vật lý thiên văn, nghiên cứu về lịch sử vũ trụ qua hiện tượng Big Bang, các dải ngân hà... Đặc biệt ông là nhà vật lý thiên văn hiếm hoi có nhiều tác phẩm phổ quát về thiên văn, được viết với phong cách của một nhà văn lớn, đầy cảm hứng và sáng tạo, nhiều tác phẩm của ông được thế giới phương Tây lẫn phương Đông đón nhận nồng nhiệt, trở thành những tác phẩm best - seller như: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Cái hữu hạn trong lòng bàn tay, Nguồn gốc...

GS-TS Trịnh Xuân Thuận  trong vòng vây của các bạn trẻ sau buổi nói. Ảnh: Ý Nguyên

Mỗi lần về VN với tâm trạng khác nhau.-

. Phóng viên: Thưa ông, đây là lần thứ mấy ông về VN?

 - GS-TS Trịnh Xuân Thuận: Nếu tính từ năm 1966, khi tôi du học Thụy Sĩ, thì đây là lần thứ 4. Mỗi lần về, tôi có tâm trạng khác nhau. Lần thứ nhất, đó là năm 1974, sau khi tôi bảo vệ xong luận văn tiến sĩ tại ĐH Priceton. Không khí chiến tranh lúc ấy làm tôi âu lo. Lần thứ 2 là năm 1993, trong phái đoàn Tổng thống Pháp F. Mitterrand, dù tôi là một công dân Hoa Kỳ. Lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về tình hình VN, do đi trong phái đoàn nên tôi ít tiếp xúc với các giới nên chỉ hiểu tình hình đất nước qua các báo cáo. Tôi như cô dâu mới về nhà chồng, với những cái nhìn dò xét, tìm hiểu. Năm 2000, tôi có 10 ngày giảng dạy tại ĐH Quốc gia Hà Nội, tiếp xúc với sinh viên, đồng nghiệp, bè bạn, tôi nhận ra một VN thực sự cởi mở; tình cảm đồng nghiệp, bạn bè nồng ấm. Và quan trọng hơn, tôi tìm thấy một nơi để về nguồn. Còn lần này, về VN, tôi hoàn toàn tự do.

. Xin ông nói thêm về cảm nghĩ của mình trong chuyến về VN lần thứ 4 này?

. Thông tin:

 

Dịch giả Phạm Văn Thiều đã dịch xong một tác phẩm khác của Trịnh Xuân Thuận, tác phẩm Cái hữu hạn trong lòng bàn tay và đang được hiệu đính, NXB Trẻ sẽ ấn hành cuốn này trong nay mai. Tác phẩm này được NXB Nil - Fayard xuất bản ở Pháp năm 2000 và lập tức trở thành tác phẩm best - seller.

- Bạn thấy đó, VN đang đi và phát triển đúng hướng. GDP tăng hơn 7% (chỉ sau Trung Quốc) là một thành quả đáng khích lệ. 30 năm chiến tranh đã để lại những hậu quả lớn; nhiều thế hệ cầm súng đánh giặc đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về kinh tế. Còn bây giờ, điều căn bản là VN đã được hòa bình, ổn định và thống nhất đất nước, hội nhập thế giới, sẽ là điều kiện để xây dựng Tổ quốc. Tôi lạc quan về tương lai của VN.

“Tôi muốn đóng góp cho giáo dục VN”.- Cầm trên tay tờ Báo Người Lao Động số ngày 13-7 có bài về việc hiến kế để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục VN và lời kêu gọi hiến kế chấn hưng giáo dục, GS-TS Trịnh Xuân Thuận đọc hết bài báo, phấn chấn nói: “Tôi sẽ có bài góp ý cho giáo dục VN, có thể nói thẳng những vấn đề tồn tại không?” và ông hứa sẽ có bài cho Báo Người Lao Động.

. Ông muốn đóng góp những gì cho giáo dục VN?

- Cuộc đời tôi có 2 niềm đam mê: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tôi viết sách về thiên văn học cũng là để phục vụ việc truyền bá kiến thức khoa học. Trong lời tựa cho cuốn Giai điệu bí ẩn, bản dịch ra tiếng Việt, tôi có viết: “Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, VN là một đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức”. Tôi muốn đóng góp cho sự phát triển giáo dục của VN và cảm kích khi Chính phủ VN rất quan tâm đến giáo dục. Tôi đã có 10 ngày giảng dạy tại ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi biết sinh viên VN rất ham học và học giỏi. Tại các trường ĐH ở Hoa Kỳ, tôi thấy ở đâu cũng có sinh viên Trung Quốc theo học. Do vậy, tôi không ngạc nhiên khi họ đã đưa được người vào vũ trụ. Tại sao chúng ta không làm được như họ? Chỉ có chấn hưng giáo dục VN mới phát triển bền vững.

. Nhiều sinh viên VN rất muốn du học nhưng điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tài chánh. Vậy làm sao khắc phục?

- Tôi có may mắn là học giỏi, nên tôi luôn được học bổng. Các trường ĐH nước ngoài rất coi trọng nhân tài. Tôi nghĩ, các bạn trẻ cứ mạnh dạn giới thiệu về mình. Tôi từng gõ cửa các GS giỏi, có GS đoạt giải Nobel để thọ giáo. Hoặc các bạn trẻ có thể đến với tôi, với ĐH Virginia - nơi tôi đang giảng dạy...

. Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành vật lý thiên văn?

- Từ bé tôi luôn có những thắc mắc về vũ trụ. Cơ duyên đến với tôi khi học ở CALTECH, ở đó có kính thiên văn với đường kính 5m. 19 tuổi lần đầu tiên tôi thấy được vũ trụ, tôi bắt gặp niềm cảm hứng sáng tạo vô biên ở đó, vũ trụ- đó là “nàng thơ” của tôi.

. Được biết ông nghiên cứu về hiện tượng Big Bang, lịch sử hình thành vũ trụ, các dải ngân hà nhỏ... Vậy theo ông, con người có thể biết hết về vũ trụ không?

- Tôi nghĩ không bao giờ. Khoa học như con rắn ngàn đầu trong thần thoại, chặt đầu này nó mọc đầu khác. Đó cũng là điều may mắn, bởi vì nếu chúng ta biết tất cả thì thế giới này sẽ buồn bã biết bao nhiêu! 99% vũ trụ con người vẫn chưa thấy được, quy mô của vũ trụ vẫn chưa hình dung được. Con người càng nhìn được xa vào vũ trụ, tức là càng nhìn xa hơn về quá khứ, vũ trụ càng vĩ đại, con người càng bé nhỏ.

. Tôi biết ông có những nghiên cứu về vị trí của con người trong vũ trụ. Tôi muốn ông nói về sự liên hệ đó?

- Phần lớn nhất của các nguyên tử cấu tạo nên chúng ta được tạo thành trong lòng các ngôi sao và trong cơn hấp hối bùng nổ của các ngôi sao nặng mà người ta gọi là các sao siêu mới. Thành thử, chúng ta là anh em của những con hổ rừng già và là họ hàng của những bông sen, vì chúng ta đều có cùng một phả hệ. Nhà thơ Anh William Blake (1757 - 1827) đã diễn đạt tuyệt vời sự phụ thuộc lẫn nhau trong vũ trụ bằng câu thơ sau:

“Nhìn thấy vũ trụ trong hạt cát,

Và thiên đường trong bông hoa dại

Nắm cái vô hạn trong lòng bàn tay

Và cái vĩnh cửu trong một giờ”

Toàn bộ vũ trụ được chứa đựng trong một hạt cát là bởi vì sự giải thích những sự kiện dù là đơn giản nhất cũng phải viện đến toàn bộ lịch sử của vũ trụ và những ngôi sao chứa trong đó. Các vấn đề đang đe dọa hành tinh chúng ta (những chất độc công nghiệp, những chất thải phóng xạ, các khí gây ra hiệu ứng nhà kính...) và đe dọa loài người (nghèo khổ, chiến tranh, nạn đói...) đều có thể giải quyết được nếu chúng ta ý thức được sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta và thấy được rằng hạnh phúc của chúng ta gắn liền với hạnh phúc của những người khác (cái mà đạo Phật gọi là lòng từ bi). Cái hạnh phúc cá nhân mà người ta xây dựng không thèm đếm xỉa đến những đau khổ của người khác hoặc tồi tệ hơn, được xây dựng trên những đau khổ ấy, thì đó chỉ là một thứ đồ giả, một sự mô phỏng nhợt nhạt của hạnh phúc đích thực.

“Tôi không phải là nhà văn lớn”.-

. Nhà thơ Lê Đạt - khi đọc xong cuốn Giai điệu bí ẩn của ông - đinh ninh rằng ông là “nhà thơ thứ thiệt”. Tôi nghĩ ông là nhà văn lớn. Ông có đồng ý không?

- Tôi không phải là nhà văn lớn. Tôi viết sách thiên văn với niềm cảm hứng sáng tạo và với mục đích phổ biến khoa học, trên nền tảng của văn chương. Tôi là người theo đạo Phật, một Phật tử tự do, thích nghiên cứu về các triết thuyết nhà Phật, nên thân phận con người bàng bạc trong tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ chính những yếu tố đó đã làm cho độc giả phương Tây lẫn phương Đông đón nhận dễ dàng các tác phẩm của tôi.

. Được biết ông viết các công trình khoa học bằng tiếng Anh, viết các tác phẩm về vũ trụ bằng tiếng Pháp. Vậy ông tư duy bằng ngôn ngữ gì, cả trong giấc mơ?

- Tôi thích nghi với các ngôn ngữ trên một cách tự nhiên. Còn trong giấc mơ ư? Nếu ở đó tôi gặp bạn bè cũ, hoặc bố tôi, dĩ nhiên “ngôn ngữ đối thoại” lúc ấy là tiếng Việt!

. Sở thích của ông?

- Tôi thích nhiều thứ, thể thao (bơi lội, quần vợt), âm nhạc, thích thăm các ngôi chùa. Lần này về Hà Nội tôi sẽ đi thăm các ngôi chùa trong ký ức. Tôi sẽ đến chùa Hương để chiêm nghiệm cuộc sống...

. Cảm ơn ông. Chúc ông 1 tháng làm việc ở VN hiệu quả và hạnh phúc trong cuộc sống để sáng tạo.

Lưu Nhi Dũ thực hiện

 

   

 

 

 Y tế - kỹ nghệ - giáo dục


 


Cá và rau tốt cho người già


  71- GS Hawking nhận sai lầm.                                                                                                                          BBC
  72- Sức khỏe.                                                                                                                                                 Sưu tầm 
  73
Trưng bày xác ướp Xuân Thới Thượng: Những bí ẩn chưa có lời giải đáp...                                  Sưu tầm  
  74-
Long An tràn ngập không khí số.                                                                                                         Tuổi Trẻ  
  75-
“Tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam”
.                      GS - TS - nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận 
  76-
Rủ nhau làm web.                                                                                                                                  Tuổi Trẻ 

vhvt 11
Trang bìa chính