vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
hội họa |
|
Nhiều tượng đài Việt Nam đồ sộ về hình dáng, thấp bé về nghệ thuật Sử gia Dương Trung Quốc
Chất thiếu lượng thừa Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu, trên cả nước hiện có hơn 200 tượng đài. Riêng thành phố Hà Nội có gần 20 tượng đài, chủ yếu là tượng danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc, tượng đài chiến thắng. Có khá nhiều tác phẩm không đảm bảo tính mĩ thuật, chủ yếu về tượng đài nhân vật trước thời kỳ phong kiến. "ở các nước Tây Âu các tác phẩm điêu khắc của
họ không chỉ nhuần nhuyễn về hình khối, ngôn ngữ điêu khắc mà
tính hợp lý cũng rất cao", nhà sử học Dương Trung Quốc nói tiếp,
"Còn ở Việt Nam tượng đài nào cũng đồ sộ về hình dáng nhưng thấp
bé về nghệ thuật. Giá trị tượng đài không tính bằng nghệ thuật
mà bằng tiền bạc". Hễ "võ" thì mặt vuông chữ điền, cầm đao cầm kiếm. "Văn" thì nho nhã hơn, tay sách bút hoặc tay dâng sớ. Nguyên nhân, khi làm tượng đài các nhà điêu khắc hầu như thiếu tài liệu, thư tịch bằng ngôn ngữ miêu tả tính huyền thoại, dã sử. Ông cho rằng những người làm tượng không mấy chia sẻ với những nhà thư pháp, những pho tư liệu tốt nhất giúp người làm tượng hiểu biết về nhân vật. Đấy là chưa nói thiếu sự quan tâm của các ban ngành liên quan. Theo nhận xét của nhiều người quan tâm đến nghệ thuật tượng đài, Hà Nội có duy nhất tượng vua Lê đặt ở khuôn viên Trung tâm Văn hoá Hà Nội là đạt yêu cầu. Tác giả dùng ngôn ngữ tây truyền tải văn hoá ta, dùng ngôn ngữ cổ điển (cột cao, nhân vật nhỏ) thể hiện nhân vật trong lịch sử. "Còn lại, hầu hết các tượng khác không đạt yêu cầu", một nhà phê bình nghệ thuật nói. Hoạ sĩ Hoàng Dự đưa ra lời nhận xét về tượng đài Lý Thái Tổ là chưa thể hiện được bản sắc dân tộc. Tác giả đã khai thác mẫu mũ Bình Thiên Vương của tượng vua Lê Hoàn (Hoa Lư, Ninh Bình) và sử dụng các hoa văn hình hoa sen, rồng thời Lý. Tuy nhiên, trang phục của mẫu tượng giống như một ông vua Trung Quốc đang thiết triều. Về địa điểm đặt tượng vị trí chọn hiện nay là không phù hợp. Dựa vào giả thuyết của nhiều nhà sử học ông cho rằng điểm cập bến của đoàn thuyền vua Lý thuộc bờ Nam sông Hồng trong khoảng từ đầu cầu Chương Dương (Hà Khẩu) đến dốc Hàng Than hoặc dốc Yên Phụ (Bến Đông Bộ Đầu). Từ đó có thể thấy rằng địa điểm đặt tượng phù hợp với lịch sử nhất là quãng từ cầu Long Biên đến đầu đê Yên Phụ. Không gian nơi này rộng, thoáng và thuận tiện đi lại với khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Còn khu vực gần hồ Gươm theo ông, tại sao không đặt tượng Lê Lợi khi nhân vật này gắn liền với truyền thuyết trả gươm cho thần rùa.
Chất lượng tượng đài yếu như vậy, theo nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, do thiếu hai yếu tố. Thứ nhất, tượng đài của ta đều thiếu quy hoạch, kém về thẩm mỹ. Một bức tượng đẹp đặt không đúng chỗ sẽ trở thành xấu. Ngay như tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ đặt ở sau gò Đống Đa (nơi chôn xác quân Thanh). Về nghệ thuật không có vấn đề gì. Tuy nhiên về không gian đặt tượng, có người bảo tưởng đấy là "ông gác mồ". Thứ hai, các công trình tượng đài thường theo phong trào, chạy cho kịp tiến độ, thời gian. Một nguyên nhân nữa là trình độ của các nhà điêu khắc Việt Nam chưa tương xứng với tầm vóc của tượng đài. Hầu hết các nhà điêu khắc khi được đào tạo trong nước đều thiếu bài bản. Đến khi bắt tay vào xây dựng tượng đài cũng thiếu kinh nghiệm, thiếu thời gian, làm gấp rút. Nhà phê bình Mĩ thuật Nguyễn Văn Chiến cho rằng trong lịch sử tượng đài Việt Nam các tác giả đều không phải là những người giàu kinh nghiệm. Nhiều tác phẩm chỉ là điêu khắc trong nhà phóng to và đưa ra ngoài trời. Nhiều công trình trở nên lạc lõng khi đặt trong không gian không thích hợp. Như thế không thể coi đó là công trình điêu khắc hoàn chỉnh. Đội các nhà ngũ điêu khắc mỏng Mỗi năm các trường nghệ thuật đào tạo chưa đến 10 sinh viên điêu khắc, chủ yếu ở hai trường đại học Mĩ Thuật Hà Nội và đại học Mĩ thuật Công nghiệp. Họa sĩ Hoàng Phong, giảng viên trường đại học Mĩ thuật Công Nghiệp cho biết mỗi năm nhà trường đào tạo 3-4 sinh viên điêu khắc, cá biệt có những năm chỉ đào tạo được một sinh viên. Một vấn đề làm hao hụt đội ngũ các nhà điêu khắc là không phải bất cứ sinh viên điêu khắc nào khi ra trường đều theo nghề. Nguyễn Anh Vũ, cựu sinh viên trường đại học Mĩ thuật Hà Nội cho biết, thời gian học về tượng đài rất ít (một năm rưỡi), chỉ những sinh viên hệ đại học mới được học. Hệ cao đằng và trung cấp coi như bỏ qua. Quá trình học chủ yếu là lý thuyết, khi thực hành chỉ thể hiện qua các phác thảo. Chưa có điều kiện tiếp xúc với thực tế, dù là đi thực tập cùng các nhóm thể hiện tượng đài. Anh cho rằng từ làm phác thảo đến thể hiện mẫu thật khác nhau rất nhiều, từ lý thuyết đến thực hành là quãng đường dài. Để thể hiện được công trình tượng đài, ngoài thời gian được đào tạo trong trường, phải thêm rất nhiều năm kinh nghiệm thực tế.
Về các gương mặt "có thể" tham gia các cuộc thi sáng tác tượng đài, một thành viên trong Hội Nghệ sĩ Tạo hình cho biết, hiện Hà Nội chưa vượt quá con số 30. Đội ngũ thi công tượng đài Hà Nội có năm "đại gia". Ông cho biết thêm trong các cuộc đấu thầu thi công tượng đài chưa ai có thể qua mặt được năm đại gia này. Trường hợp có gương mặt mới xuất hiện chỉ là đại diện cho một trong năm nhóm này. Lỏng lẻo trong quản lý Trong hầu hết các cuộc thi tượng đài, thành phần ban giám khảo bao giờ cũng bị chiếm phân nửa bởi các quan chức địa phương (rất lờ mờ về nghệ thuật), những người làm tài chính có vai trò quan trọng trong việc "rót" tiền cho công trình. Cuối cùng mới đến những nhà làm nghệ thuật. Bởi vậy, kết quả những cuộc thi này bao giờ cũng gây bất bình trong giới nghệ sĩ. Riêng về tượng đài nhân vật, nhà điêu khắc Nguyễn Mạnh Dũng nhận xét, rất khó được như ý. Nguyên nhân chính là chưa bao giờ những bức tượng đài qui mô và hoành tráng được thể hiện dưới chính bàn tay của "cha đẻ" những bức tượng đó. Sau khi hội đồng tượng đài chấm duyệt, các tác phẩm đều bị chỉnh sửa đôi chút và giao cho đội ngũ những nhà điêu khắc khác làm. Tác giả chỉ còn mỗi nhiệm vụ, khi mẫu đã xong, chỉnh sửa đôi chút cho giống khuôn mặt nếu đấy là nhân vật có ảnh lưu lại. Các tượng đài danh nhân, anh hùng dân tộc mà không có nhân vật cụ thể thì việc chỉnh sửa coi như bỏ qua. "Những nguyên nhân quan trọng để chúng ta phải chịu lời nhận xét trên là những cuộc thi sáng tác và thi công tượng đài của chúng ta lâu nay đang bị chi phối bởi nghệ thuật giải ngân", một quan chức trong ngành mỹ thuật chua chát. Nhiều năm qua, sự hối hả thực hiện các hợp đồng khiến các nhà điêu khắc chỉ là những người làm thuê. Phong cách và dấu ấn cá nhân trong các tượng đài rất mờ nhạt. Nhiều trường hợp, các điêu khắc gia phải chấp nhận bỏ qua tính sáng tạo của mình để được chủ đầu tư chấp nhận. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc, phát biểu "Tượng đài là nơi làm kinh tế của các nhà điêu khắc. Các cuộc thi sáng tác và thi công tượng đài, cửa trước thì hẹp, cửa sau thì rộng". Trước thực trạng ngày càng phát triển như hiện nay, đặc trưng của ngôn ngữ tượng đài hoành tráng với môi trường thẩm mĩ cần được nâng cao, tri thức người sáng tạo cũng như người quản lý cũng cần cải thiện. Đã đến lúc phát triển một đội ngũ chuyên sâu ngành nghề, tạo lập những quy hoạch, chính sách xây dựng tượng đài một cách đúng hướng. "Đề tượng đài Việt Nam có thể tồn tại được, cần phát triển một đội ngũ có nghề", nhà nghiên cứu Dương Trung Quóc kết luận. Mặt khác, không nên chịu sự chi phối, định hướng quá nhiều từ bên đặt hàng mà quên đi những yêu cầu khắt khe về nghệ thuật trong mỗi mẫu sáng tác tượng đài. ?
|
|
mỹ thuật |
|