vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
hội họa |
|
Renoir:
Từ một anh công nhân vẽ chén/bát kiểu trở thành họa sĩ tên tuổi, được so sánh ngang với các bậc thầy Raphael, Rubens và Ingres, gây ảnh hưởng cho các tên tuổi nổi bật thời hiện đại Aristide Maillot, Matisse và Picasso, cuộc đời nghệ thuật của Pierre-Auguste Renoir để lại cho giới trẻ thuộc tầng lớp dân lao động nhiều suy nghĩ. Con đường nghệ thuật Xuất thân từ miền quê Limoges ở miền trung nước Pháp, Renoir theo gia đình tìm về thủ đô Paris để kiếm sống trong trào lưu hiện đại hóa đang bùng nổ, tạo nhiều thay đổi và việc làm trong những năm 1840-1850. Sớm tìm được việc làm trong một xưởng gốm chuyên trang trí các họa tiết cho vô số món đồ gốm, sành, sứ, Renoir không an phận mà tự tìm đường thăng tiến trong nghề vẽ bằng việc dành thời giờ đi chép tranh ở bảo tàng Louvre, và học hỏi thêm từ bè bạn. Cơ hội đã đưa Renoir đến xưởng vẽ của Charles Gleyre: ông là giảng viên ở trường Mỹ Thuật - Ecole des Beaux-Arts, nhưng mở xưởng vẽ riêng để công chúng có thể đến học miễn phí, chỉ thu tiền góp để thuê người mẫu và nhà xưởng.
Tại đây Renoir gặp được Claude Monet, Alfred Sisley và Frédrie Bazille, tạo nên tình cảm bạn bè bền vững giữa các chàng thanh niên mà sau dần trở thành hạt nhân cho trào lưu hội họa Ấn Tượng. Trường phái mới Được Gleyre khuyến khích, nhóm này đi theo Gustave Courbet và Narcisse Diaz de la Pena vẽ cảnh ngoài trời ở khu rừng Foutainebleau, cũng như hấp thụ thêm các luồng tư tưởng mới từ trường nghệ thuật Swiss Academy qua Camille Pissarro và Paul Cézanne, và đặc biệt là sau này chịu thêm ảnh hưởng từ Édouard Manet. Vốn kiến thức học được từ các bậc thầy cổ điển đã giúp cho Renoir có được chỗ đứng trong Salon, tạo tên tuổi cho chàng họa sĩ trẻ kiếm sống bằng nghề vẽ. Thế nhưng cạnh đó còn là các khám phá mới mà nhóm Ấn Tượng đang theo đuổi, tạo nên các nét cọ (taches) xoắn dài, nhạt nhòa, đặc trưng, mà khi đời sau khi nói về Renoir luôn phải nhắc đến. Không có gia đình trợ cấp, Renoir phải tự mở đường sống cho bản thân bằng cách phải dung hòa cả hai con người nghệ sĩ trong mình: một người vẽ theo cổ điển để bán, người kia vẽ theo ý thích của bản thân. Tuy nhiên không phải lúc nào hai con người đó cũng tách biệt được hẳn. Trong một số tranh chân dung của Renoir, người ta thấy mặt được vẽ theo lối cổ điển, còn thân hình và cảnh vật xung quanh được tự do nhảy múa với các sắc màu và nét cọ Ấn Tượng. Nét riêng
Có những bức tranh của Renoir sau một thời gian quay mặt vào tường được đem ra vẽ lại và ghi nhận hai trường phái hoàn toàn khác nhau, khi người họa sĩ muốn tìm lại sự sắc cạnh của đường nét và gam màu nhạt nhòa của màu nước trên chất liệu dầu. Chuyên gia Gerhard Gruitrooy nhận định bức Tiệc Trưa Trên Thuyền mà Renoir vẽ năm 1881 với chất liệu sơn dầu trên vải khổ 1m3x1m7 chính là đỉnh cao của sự hài hòa và kết hợp. Trên tranh người ta gặp lại hầu hết các người mẫu quen thuộc của Renoir, lẫn bạn bè, thể hiện bằng cả lối vẽ Cổ Điển lẫn Ấn Tượng. Bức tranh này cũng dành chỗ cho tĩnh vật với lối bày biện và màu sắc giống hệt các tranh cổ điển, nhưng thể hiện bằng nét cọ đặc trưng của Renoir. Một mảng khác trên tranh được dành làm chỗ chơi đùa cho màu sắc, với những chiếc thuyền buồm và đám trẻ con bơi lội trong thảm ánh sáng phản chiếu xuống mặt nước, cạnh nền sáng của bầu trời thấp thoáng sau lớp mái bạc của du thuyền. Phản ánh xã hội Và như thế, sự đa dạng và dễ hội nhập trong con người của Renoir không chỉ đem lại danh tiếng cho chàng thợ gốm đầy ý chí tiến thân, mà còn để lại cho thời hiện đại nhiều ghi nhận có giá trị về một giai đoạn lịch sử Pháp cuối thế kỷ 19, với hầu hết tất cả mọi góc cạnh của cuộc sống, của mọi tầng lớp trong xã hội Pháp thời Pierre-Joseph Proudhon phổ biến rộng rãi tư tưởng của Karl Marx và Fredrich Engels. Tham khảo: Gerhard Gruitrooy 1994, Renoir - a master of impressionism, Todtri Production Limited, New York
|
|
mỹ thuật |
|