vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 hội họa



 

 

 

Impressionism - Trường phái ấn tượng
BBC

Ấn Tượng
thể hiện qua màu sắc.

Mọi chuyện được đánh dấu khởi đầu bằng năm 1874, khi một nhóm nghệ sĩ cùng nhau mở triển lãm, chủ yếu là trưng bày các bức họa nhỏ, bất nghi thức. Trong kỳ triển lãm đầu tiên, giới phê bình đã dùng ngay tên tác phẩm của Claude Monet là Ấn Tượng, Bình Minh (Impression, Sunrise, sơn dầu vẽ năm 1872) để đặt tên cho nhóm này. Và thế là cái tên Impressionist - Các nhà ấn tượng đã trở thành cái tên được cả nhóm nghệ sĩ chấp nhận.

Nhóm Ấn Tượng - Impressionism có lẽ là trường phái nghệ thuật được biết đến nhiều nhất và ưa thích nhất trong lịch sử hội họa thế giới. Điểm nổi bật của họ là màu sáng và tươi, đi cùng với lối nhìn bất nghi thức về thế giới.

Tuy vậy, qua lối nhìn đó trong bối cảnh đương thời, tức là Paris những năm 1870, trường phái nghệ thuật này bị coi là kích động và gây nhiều tranh cãi. Người ta thậm chí còn đặt ra vấn đề là lối vẽ này đe dọa các giá trị mà nghệ thuật là phương tiện gìn giữ.

Mục đích thể hiện trong các tranh vẽ của họ là tóm bắt được những hiệu ứng thị giác ghi nhận được từ thế giới xung quanh. Với Monet, điều này đặc biệt có nghĩa là tóm bắt hiệu ứng của ánh sáng cùng thời tiết, thể hiện qua các vết trên những bức vẽ ngoài trời.

Ánh sáng và tư thế

Bức họa nổi tiếng Impression, Sunrise là một phác họa rất nhanh và trông như được vẽ qua các vết màu. Thế nhưng Monet thường phải hoàn tất các tranh vẽ ở nơi khác với nơi bắt đầu vẽ, khi mà hiệu ứng ánh sáng không còn giống như thời điểm khởi đầu nữa.

Khác với Monet, Degas hầu như vẽ toàn bộ tranh sơn dầu trong xưởng vẽ, nhưng ông sắp đặt các hình người và đồ vật sao cho người xem có cảm giác như họ vừa lướt qua đó. Degas thường thể hiện người mẫu trong tư thế bất nghi thức (như ngáp, tắm, mệt mỏi), có lúc lại tự kéo dài hay vặn vẹo thân người (vươn vai, xoay người), và thường xuyên dùng chính cạnh của tranh để cắt bớt một phần hình người, tạo cảm giác bất thình lình.

Một điểm nữa khá nổi bật là đa số các đối tượng để vẽ của giới Ấn Tượng đều là hiện đại, thể hiện các đại lộ và khu giải trí ở Paris, hay cảnh vật ngoại ô tràn ngập dân du lịch và giới kỹ nghệ.

Đề tài hiện đại

Pierre-Auguste Renoir tập trung vào các phụ nữ trẻ ở thành phố: trong nhà hát, trong quán cà phê, trên các con đường và công viên của Paris. Đề tài của Berthe Morisot, nữ họa sĩ duy nhất giữ vai trò trung tâm trong nhóm, thường hướng nội, ghi nhận gia đình cùng bạn bè trong khung cảnh nhà cửa hay vườn tược. Monet cùng Camille Pissarro và Alfred Sisley được xem là chuyên gia trong các tranh phong cảnh từ các vùng ngoại ô Paris. Degas ưa thích đề tài múa ba-lê, đồng thời cũng tìm được cảm hứng từ những khách hàng đến chơi ở các quán cà phê nổi tiếng của Paris. Nhìn chung thì kỹ thuật vẽ phụ thuộc vào mục đích thể hiện của tác phẩm.

Kỹ thuật

Trong lối vẽ phong cảnh có thể thấy các họa sĩ đối xử khá bất nghi thức với đối tượng, dùng các nét vẽ ngắn, các đường quệt màu đa dạng (stroke, taché) để tóm bắt cái cảnh quan toàn diện của cảnh vật. Họ thường cũng không chú ý nhiều đến chi tiết của từng vật thể hiện trên tranh. Đa số giới họa sĩ Ấn Tượng vẽ bằng sự đối lập - contrast - của mầu sắc, có khi va đập, đối chọi rất mạnh. Họ cũng bỏ bớt qui luật vẽ màu ấm lên trên nền xanh thẫm, từ chối áp dụng phương pháp vẽ cổ điển vốn coi trọng hiệu ứng sáng - tối thể hiện qua các màu hay tông màu sáng - tối.

Xã hội

Nhìn lại bối cảnh của thời điểm nhóm các nghệ sĩ theo trường phái Ấn Tượng tung ra các kỳ triển lãm đầu tiên cũng là thời kỳ mà kinh tế và xã hội nước Pháp bị ức chế sau cuộc chiến với Phổ, đi cùng với cuộc nổi dậy của Cộng đồng Paris vào năm 1870-1871 nhanh chóng bị dập tắt. Lúc đó, giới bình luận hoan nghênh sáng kiến của nhóm về việc tự đứng ra tổ chức triển lãm các tác phẩm cho riêng mình, nhưng họ chê bai nặng nề các bức tranh đem ra treo.

Nhìn chung các chỉ trích nhằm vào kỹ thuật vẽ, các đường cọ nổi khiến bề mặt tranh trên vải trông có vẻ thô và giống như là chưa vẽ xong, trong khi màu sắc lại quá cường điệu và không tự nhiên. Cũng trong thời gian này, người ta xem các đề tài chọn để thể hiện là không giá trị, không chính tắc cho ngành mỹ thuật, vì quá quan tâm đến những khía cạnh phù du, thô tục của cuộc sống hiện đại, hơn là chụ trọng vào vẻ đẹp tự nhiên hay giá trị đạo đức.

Lối thoát

Đối chiếu các cuộc triển lãm Ấn Tượng với xã hội Pháp thời bấy giờ, có thể thấy nghệ thuật của họ là một loại hình thách thức đặc biệt, thậm chí nội dung còn mang tính cách mạng. Trong những năm tháng đó, các họa sĩ Ấn Tượng chỉ tìm kiếm được sự ủng hộ từ một nhóm nhỏ bạn bè trung thành, chủ yếu là giới họa sĩ cùng thời, và nhà văn, nhà buôn tranh.

Tuy nhiên, cùng giai đoạn với sự nắm quyền của chính phủ theo phe tự do cộng hòa các bức tranh Ấn Tượng đã gây được ấn tượng với thêm nhiều khách hàng và nhà buôn tranh mới. Vào năm 1980 Monet, Renoir và Degas đặc biệt đã thành công về mặt tài chính trong nghề nghiệp họa sĩ.

Nhiều hướng

Cùng thời gian này, tức là trong thập niên 1880, nhóm họa sĩ đã từ bỏ những đề tài thông thường. Monet đi đến nhiều nơi, tìm vẽ những khoảnh khắc đặc biệt của ánh sáng và thời tiết trên các vùng bờ nước Pháp. Pissarro tìm sang các cảnh làng quê và nông dân. Renois bắt đầu vẽ các cảnh phụ nữ bơi lội với lối sắp đặt phi thời gian tính. Degas tập trung hơn vào cảnh phụ nữ tắm rửa hàng ngày trong nhà, nhưng loại trừ các dấu ấn của thời gian đương đại trên chi tiết.

Qua các hướng nghiên cứu khác nhau, kỹ thuật vẽ của các họa sĩ càng lúc càng hoàn hảo hơn. Kỹ thuật vẽ của Monet tỉ mỉ hơn, đủ để chuyên chở mãnh lực của tự nhiên. Pissaro chuyển sang dùngc ác nét cọ nhỏ hơn, chuẩn hơn để cẩn thận tạo ra sự hòa hợp của màu sắc. Renoir dành tâm trí cho các bức tranh cổ điển của các bậc thầy và nghiên cứu khả năng vẽ lại tranh của họ theo kiểu của ông. Degas chuyển sang vẽ càng lúc càng nhiều tranh bằng màu sáp - phấn màu, xem đây là phương tiện để vẽ nét cùng lúc với sơn màu.

Vị trí

Từ thập niên 1880 trở đi, tiếng tăm và vị trí của nhóm Ấn Tượng đã nhanh chóng lan truyền rộng khắp và gây ảnh hưởng lên nhiều họa sĩ trẻ. Paul Gauguin đem tranh triển lãm chung với nhóm Ấn Tượng trong lối vẽ gần giống với Pissarro. Nhưng sau đó Gauguin từ bỏ tư tưởng của Ấn Tượng lệ thuộc vào thế giới tự nhiên, để chuyển sang lối tư duy tưởng tượng. Vincent van Gogh khi đến Paris vào năm 1886 đã bị nhóm Ấn Tượng làm ảnh hưởng ngay lập tức. Từ phong cách Ấn Tượng van Gogh đã tạo ra các đường cọ quyết liệt và màu sắc chát chúa.

Vào năm 1900 ảnh hưởng của Ấn Tượng đã lan ra khắp thế giới phương Tây và các tác phẩm của các họa sĩ gốc cho trường phái Ấn Tượng được bán với giá rất cao trên thị trường mỹ thuật quốc tế.

Nhìn lại

Hôm nay xem lại lịch sử của nhóm Ấn Tượng chúng ta cảm nhận được chuyện thị hiếu đã thay đổi như thế nào, khi thứ nghệ thuật mà hôm nay chúng ta thưởng thức với cảm giác hài lòng và ngưỡng mộ lại gây kích động khi chúng xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Và điều đó sẽ khiến chúng ta suy nghĩ thêm về phản ứng của mình trước nghệ thuật của ngày hôm nay.

(Theo BBC)

 

   

 

 

  mỹ thuật   


 

 
  46-
Renoir: thợ vẽ gốm thành danh họa .                                                                                           Lê Hải - BBC
  47-
Nhiều tượng đài VN đồ sộ về h́nh dáng, thấp bé về nghệ thuật.                      Sử gia Dương Trung Quốc 
  48- 'Mỹ thuật đương đại là lưỡi hái cho thiên tài'.                                                                                Trịnh Cung  
  49- Đi t́m vị thế mới cho tranh Đông Hồ.                                                                                               Tuấn Anh 
  50-
Impressionism - Trường phái ấn tượng.                                                                                                     BBC

vhvt 11
Trang b́a chính