vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 hội họa



 

 


Trịnh Cung: 'Mỹ thuật đương đại là lưỡi hái cho thiên tài'

Em Thúy -
tranh Trần Văn Cẩn.

"Trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra một phong cách riêng hay hơn thế nữa một trường phái là điều hiếm hoi, Nguyễn Phan Chánh là hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài", họa sĩ Trịnh Cung bàn về những gương mặt tài năng của nền hội họa nước nhà.

- Bộ tứ "Phái - Sáng - Liên - Nghiêm (Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm) vẫn được xưng tụng như những thành tựu đỉnh cao của hội họa Việt Nam. Theo ông, trật tự ấy do đâu mà có?

- Những bộ tứ về văn hóa Việt Nam như thế thường được truyền tụng từ phía Bắc nước ta, nơi nền văn hóa Thăng Long đã hình thành từ ngàn năm trước. Tràng An - chốn quan trường - cái nôi của phong kiến Việt Nam, "tứ hổ" Tràng An thời nào cũng xuất hiện để vinh danh các bậc học giả, sĩ phu. Đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã có bộ tứ "Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn", tức Nguyễn Văn Vĩnh người sáng lập ra Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh chủ trương tờ Nam Phong tạp chí, Nguyễn Văn Tố chủ trì Viễn Đông Bác Cổ và nhà Tây học lỗi lạc Phạm Duy Tốn. Và như thế việc sắp hàng và đặt tên đã trở thành tập quán văn hóa của người Bắc Hà, ngày nay không chỉ do giới trí thức mà đã lan rộng ra dân gian.

Trong lĩnh vực hội họa Việt Nam kể từ 1925 đến nay, không chỉ có bộ tứ như đã nêu, còn có một bộ tứ quan trọng hơn không chỉ về thành tựu sáng tạo mà còn về tính tiên phong của nền hội họa non trẻ của đất nước: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) - bộ tứ lớp trước của Phái - Sáng - Liên - Nghiêm, tất cả nay đã ra người thiên cổ.

- Theo ông, có điều gì cần phải bàn lại về những trật tự ấy?

- Theo tôi là có. Đối với bộ tứ thứ nhất, chỗ đứng của Nguyễn Tường Lân là một ví dụ. Thật ra, họa sĩ Nguyễn Tường Lân là một tài năng lộng lẫy của Việt Nam thời 1930-1946, tuy nhiên ông không có một sự nghiệp sáng tác đủ quan trọng để đứng vào nhóm tứ trụ này. 

Ngoài ra, còn có hai người rất xứng đáng, Lê Phổ và Nguyễn Phan Chánh. Nếu Lê Phổ có vấn đề không gắn bó với Tổ quốc, thì Nguyễn Phan Chánh hoàn toàn đáng vinh danh. Một người có sự nghiệp hội họa được thế giới biết đến như một biểu tượng của sự kết hợp Đông và Tây, các tác phẩm hội họa của Lê Phổ được chào đón trên thị trường nghệ thuật thế giới từ Paris đến NewYork, điều mà chưa có một họa sĩ Việt Nam nào đạt tới. Còn người kia là người đã tạo ra cho diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Nhật Bản.

Riêng bộ tứ thứ hai cũng có độ chính xác rất cao. Những "Phái - Sáng - Liên - Nghiêm" đều tồn tại với thời gian sau nửa thế kỷ thử thách. Họ, mỗi con người đều có một lịch sử dữ dội, một định mệnh của thiên tài. Bây giờ, giữa Hà Nội nhiều thay đổi với nền mỹ thuật thị trường, hàng chục họa sĩ trẻ trở nên giàu có một cách huy hoàng, bộ tứ này chỉ còn lại một mình Nghiêm – Nguyễn Tư Nghiêm, lừng danh với Điệu múa cổ; Mối tình đoạn trường tân thanh; Những con giáp... nay đã ngoài 80 tuổi, sống lặng lẽ như một cây bồ đề mà tác phẩm vẫn còn xum xuê như lá.

Đứng ở góc nhìn của một người quan sát các diễn biến của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ngoài tài năng, cá tính tư duy sáng tạo, lòng đam mê còn có một yếu tố cực kỳ quan trọng làm bùng nổ một mùa hoa trái quý giá, đó là bối cảnh đất nước. Nếu họ không có một lịch sử như thế thì ngọn lửa nào đủ cường độ để tạo ra những vàng ròng của đất nước? Hãy nhìn vào từng cuộc đời của Phái - Sáng - Liên - Nghiêm, chúng ta sẽ hiểu vì sao có sự sắp hạng và đặt tên như thế. Mỗi người có riêng một phong cách nghệ thuật và một số phận dữ dội thật sự hiếm có trong lịch sử 79 năm hội họa Việt Nam, kể từ 1925. Nếu cần có một chút điều chỉnh nào đó, tôi sẽ chọn Sáng xếp trước Phái vì hai lý do. Thứ nhất, các tác phẩm của Nguyễn Sáng có tầm cỡ cả về kỹ năng, mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người. Thứ hai, ở ông tiềm ẩn một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam, sống và vẽ, dấn thân và quyết liệt cho dù kết cục là một cái chết bụi đời.

- Ông sẽ đề nghị bộ tứ nào cho hội họa Việt Nam đương đại?

- Từ 1925 đến 1945, hội họa Việt Nam có được hai bộ tứ huyền thoại. Nhưng từ năm 1975 đến nay gần 30 năm, chúng ta không hề có được một bộ tứ nào. Phải chăng nền mỹ thuật thị trường đã là lưỡi hái cho những thiên tài?

(Theo Đẹp)

 

   

 

 

  mỹ thuật   


 

 
  46-
Renoir: thợ vẽ gốm thành danh họa .                                                                                           Lê Hải - BBC
  47-
Nhiều tượng đài VN đồ sộ về hình dáng, thấp bé về nghệ thuật.                      Sử gia Dương Trung Quốc 
  48- 'Mỹ thuật đương đại là lưỡi hái cho thiên tài'.                                                                                Trịnh Cung  
  49- Đi tìm vị thế mới cho tranh Đông Hồ.                                                                                               Tuấn Anh 
  50-
Impressionism - Trường phái ấn tượng.                                                                                                     BBC

vhvt 11
Trang bìa chính