Phục hưng tranh cũ
Trong thời kỳ cực thịnh của mình,
những năm đầu thế kỷ trước đến 1930, tranh Đông Hồ đủ sức mang
lại gia thế cho cả một dòng họ. Cùng với cảnh "đổ tranh" tấp nập
trên bến dưới thuyền xuôi đi khắp ngả từ 20 tháng Chạp hàng năm,
tranh Đông Hồ gây dựng cơ ngơi và tên tuổi lâu đời cho họ Nguyễn
Đăng, một trong những dòng họ làm tranh chủ soái của làng Hồ.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm,
người đầu tiên đứng ra nhận việc đưa tranh vào bảo tàng cho Nhà
nước, nhớ lại: "Sinh thời, thân phụ tôi từng chứa đầy tận nóc
hai gian nhà vài ngàn bản khắc in nét và mầu, tức là đủ cho
khoảng ngàn tranh mẫu hoàn chỉnh. Đặc biệt, tranh Đông Hồ thiện
về trực giác, và có phần cảm tính. Mỗi họ làm tranh lại có cách
pha mầu, tạo nét, tiết chế khác nhau, làm nên phong cách riêng".
Cháu ba đời cụ Khiêm, cử nhân mỹ
thuật Nguyễn Đăng Khoa tiếp tục câu chuyện của dòng họ một cách
kịch tính hơn. Năm 2000, mới tốt nghiệp khoa sơn mài trường Đại
học Mỹ thuật công nghiệp, Khoa đã lang thang nhiều nơi: Bát
Tràng, Phù Lãng, những ngôi chùa nghìn tuổi ở Hà Tây, Bắc
Ninh... trong vài năm để săn tìm bóng dáng hay một gợi ý của
thành công.
Ham học.
|
Đánh ghen.
|
Chính Khoa cũng không nhận ra lối
đi ngay dưới chân: "Một đêm trăng trong chùa Bút Tháp sau vài
tuần rượu suông, tôi bị họa sĩ Phan Cẩm Thượng "mắng" khá phũ,
nhưng chân tình: Thế mà không nghĩ ra? Còn phải tìm đường ở đâu
ngoài tự đứng vững trên chính truyền thống gia đình mình?".
Khoa đã phải mất hai năm ròng,
vừa dè dặt nghe ngóng vừa âm thầm khởi động tài lực rồi mới dám
quyết tâm chơi tới cùng với nghiệp: "Kể từ đó tôi vẫn mơ thấy
những bức tranh "gà lợn"của dòng họ Nguyễn Đăng. Không phải thứ
in lưới và dùng bột mầu lem nhem vẫn bán đầy ở các khu du lịch.
Mầu đỏ cam của son, vàng chói của hoa hòe, xanh óng lá mạ non...
lên hết sắc độ tự nhiên, tươi rói trên nền điệp trong veo trắng
óng, với nét đen vừa mềm mại vừa chắc khỏe của than lá tre bồi
hồ. Một tinh thần hết sức hồn nhiên, khỏe khoắn, biểu cảm một
cách giản dị, không thiếu tính hài hòa bay bổng. Bức tranh như
vậy "trẻ" mãi tới năm chục năm sau không suy suyển. Tôi mơ phục
hưng dòng tranh của họ Nguyễn Đăng rực rỡ như tinh thần của
người xưa...".
"Đi cày" nuôi tranh
Cứ kiếm được bao nhiêu tiền ở Hà
Nội, Khoa lại đem lên Thuận Thành lo chi phí cho việc khắc ván,
làm mầu. Thứ than lá tre hiện nay chỉ còn duy nhất cụ Phiến,
nghệ nhân làng Hồ đốt được. Pha chế ra sao cho nhuyễn, trong bất
kỳ thời tiết hanh hay nồm cũng không bị chua, bị vón, thì chỉ có
Khoa nắm được bí quyết, thay mặt cho dòng họ và những người có
kinh nghiệm lâu đời nay đã thành người thiên cổ.
|
|
Làng quê.
|
Thầy đồ cóc
|
Hiện nay, hơn 70 đầu tranh Đông Hồ của họ Nguyễn Đăng đã được
"phục sinh" rực rỡ từ bản mẫu gốc, vốn được cụ Khiêm "lo xa",
mỗi lần đưa vào bảo tàng đều giữ lại cho gia đình một bản. Tổng
cộng hơn 200 tranh gốc loại này đang ở trong tay Khoa.
Tranh của Khoa và gia đình hiện
đang gửi bán tại một số Gallery để giữ những khách mua khó tính.
Hằng năm, gia đình thường phải bù lỗ cho việc làm tranh, một
khoản không quá lớn đối với thu nhập mức ngang viên chức nhà
nước, đủ để không khiến họ phải nản lòng.
Khoa tâm sự: Việc đầu tiên tôi
phải vào núi Thiên Thai, ngọn núi nổi tiếng trong thơ Hoàng Cầm
mua gỗ thị làm ván khắc. Ba cây thị cổ thụ vừa người ôm, bạt
thân vỏ, còn lại chừng khối rưỡi gỗ, đủ cho nghìn bản khắc đủ
kích cỡ. Loại bản khắc này để tới trăm năm không mối mọt. Ngoài
ra, gia đình tôi thừa hưởng từ đời các cụ khoảng vài trăm bản
khắc như thế, đến nay vẫn còn nguyên vẹn có thể khai thác ngon
lành. Mục tiêu là gìn giữ nguyên vẹn "gia tài" cho đời sau. Có
những ván đã khắc xong phải nghiến răng chẻ làm củi vì chưa lên
được tinh thần của người xưa".
Tình trạng "đi cày nuôi tranh"
theo Khoa chỉ có thể kéo dài nhiều nhất dăm năm. Sau đó, tranh
Đông Hồ họ Nguyễn Đăng phải trở thành một thương hiệu thực sự
bằng sự phục sinh mà ngoại trừ một vài gia đình nghệ nhân làng
Hồ có thể "ra tay" tương tự, không một thương nhân giàu tưởng
tượng hay họa sĩ biết kinh doanh nào làm nổi.
Khoa nói: Chẳng có gì ngăn cản
tôi nghĩ tới một ngày... Ngày đó tranh Đông Hồ lại rực rỡ trên
những bức tường sơn của mọi gia đình đón Tết, trong tay các em
bé, như một món quà thông dụng và rẻ tiền bằng chính sức thu hút
của mình, vẻ đẹp chất phác, tươi nguyên, huy hoàng của truyền
thống. Biết đâu lúc đó tôi lại có thể ngồi vẽ những bức tranh
Đông Hồ hiện đại với đủ mầu vẻ của cuộc sống này như ông tôi hay
cụ Chế, cụ Sần xưa, từng vẽ cảnh cầm cờ đỏ sao vàng đi cướp
chính quyền những năm đầu cách mạng? Còn hiện tại, chỉ dốc sức
vào khôi phục hoàn hảo bộ tranh gốc của gia đình, đưa nó vào vị
trí không thay thế nổi của thị trường cũng đủ là một sự nghiệp".
TUẤN ANH
Theo Gia đình xã hội