vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
cảnh trí văn hóa |
|
Dựa theo các tác phẩm văn học nổi tiếng của thời kỳ 1930-1945 để làm phim là hướng đi của Hãng phim tư nhân Việt film. Kịch bản phim Bẫy tình được hình thành từ sự kết hợp giữa thiên phóng sự Lục xì và tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, một nhà văn nổi tiếng của dòng văn học hiện thực 1930-1945 do Phạm Thùy Nhân biên kịch và đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện, Hãng Việt film chuẩn bị đưa vào sản xuất. Tác phẩm hai trong một Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm Vũ Trọng Phụng xuất hiện trên màn ảnh. Trước đó nhiều năm, khán giả màn ảnh nhỏ đã biết đến Vũ Trọng Phụng qua Số đỏ và Ánh sáng kinh thành từng phát sóng trên Đài Truyền hình VN. Thế nhưng, việc một thiên phóng sự kết hợp với một tiểu thuyết để cho ra đời một tác phẩm điện ảnh lại là vấn đề khá đặc biệt. Bẫy tình ở trong trường hợp đó. Bẫy tình, theo lời đạo diễn, là cạm bẫy tình ái. Xã hội thực dân nửa phong kiến lúc đó cơ man là bẫy, đến độ tưởng chừng ra khỏi nhà là sa chân vào bẫy. Bẫy cờ bạc, bẫy tình ái.... Và một khi đã sa vào là không lối thoát. Chuyện phim xoay quanh cuộc đời nhân vật Huyền. Từ một cô gái xinh đẹp, thông minh, con nhà gia giáo, do hoàn cảnh đẩy đưa, Huyền đã sa chân vào chốn làng chơi, từng bước bị nhấn chìm vào vũng bùn trụy lạc. Phim bắt đầu từ một cuộc họp báo của Sở Liêm phóng về tình hình xã hội đương thời: Nạn mại dâm tràn ngập khắp nơi. Với mục đích thực hiện một phóng sự về tệ nạn ấy, Trọng, một phóng viên trẻ, đã phải thâm nhập thực tế. Tại lục xì, Trọng gặp lại Huyền, người một thời anh đã thầm yêu trộm nhớ và được nghe kể về quá trình sa chân của cô. Cứ thế, từng góc tối của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ hiện ra. Đen tối và đầy chua xót. Quan trọng không kém vai Huyền là Trọng, đóng vai trò người dẫn chuyện. Theo chân chàng phóng viên Trọng, khán giả chứng kiến mặt trái của sự hào nhoáng trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy Trọng là nhân vật hư cấu nhưng qua nhân vật này, người ta vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh cây bút phóng sự bậc thầy Vũ Trọng Phụng. Sẽ chuyển tải trọn vẹn tinh thần của nhà văn Theo nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, tuy bối cảnh phim là Hà Nội những năm 1930 của thế kỷ trước nhưng vấn đề trong phim vẫn không hề cũ. “Tuy vậy, khi thực hiện phim, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh liều lượng, tránh sa đà vào việc mô tả các quan hệ yêu đương của nhân vật dù biết rằng làm như vậy có thể sẽ khơi gợi sự tò mò nơi khán giả. Nói gì thì nói, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chuyển tải một cách trọn vẹn tinh thần của cụ Vũ qua Bẫy tình”. Dự kiến phim sẽ được quay trong khoảng thời gian từ 15-8 đến 10-9. Việc tái hiện bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930 trong phim không dễ dàng chút nào. Song, “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Chắt lọc, hạn chế ngoại cảnh là phương châm của chúng tôi khi thực hiện phim này. Những di tích, những thắng cảnh của miền Bắc Việt Nam như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, vịnh Hạ Long; những phố cổ khu vực Chợ Lớn... sẽ thấp thoáng trong phim làm nền cho câu chuyện về cuộc đời khốn khổ của Huyền”. Sau Vũ Trọng Phụng sẽ là Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... Bẫy tình là bộ phim ra mắt của Việt film, hãng phim tư nhân vừa được thành lập vào tháng 6-2004, do đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc làm giám đốc. Hãng phim trực thuộc Công ty TNHH Liên Việt Mỹ. Theo kế hoạch của hãng, ngay sau Bẫy tình sẽ là sự xuất hiện của Vàng và máu (Thế Lữ). Tiếp sau Vàng và máu là một loạt tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Hồ Biểu Chánh... Đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết, ý tưởng đưa dòng văn học trước cách mạng lên phim đã hình thành từ rất lâu trước khi hãng phim ra đời. “Dòng phim này sẽ giúp khán giả lớn tuổi nhớ lại một thời kỳ đen tối của xã hội Việt Nam trước 1945, đồng thời giúp thế hệ trẻ có được cái nhìn sâu sắc hơn về quá khứ của dân tộc. Đó cũng chính là tâm nguyện của chúng tôi khi hãng phim ra đời”, đạo diễn Lê Cung Bắc bộc bạch. Bên cạnh dòng phim video được thực hiện dựa trên các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam để bán cho các đài truyền hình, phát hành qua hệ thống gia đình, hãng cũng sẽ triển khai thực hiện một số phim video và phim nhựa về các đề tài đương đại nhằm đáp ứng cho nhu cầu người xem hôm nay.
|
|
điện ảnh - sân khấu |
|