´ Nói bác bỏ quá, chứ "dân tình" vẫn "buôn"
với nhau là Văn Hiệp không có tướng làm diễn viên?
- Thì cứ nói toẹt ra là tớ chẳng được điểm nào về hình thức: mắt
thì híp tịt, chiều cao chới với thêm một phân nữa mới đủ mét sáu mươi. Đi thi
tuyển diễn viên chắc cú tên mình nằm trong sổ đen, trượt đầu nước.
´
Thế nhưng bây giờ bác vẫn là diễn viên, mà còn rất "ngon lành" là đằng khác?
- Nói thì người ta bảo mình "tinh tướng", nhưng chắc cái khoản
năng khiếu mình cũng phải hơn một số anh nên ban giám khảo mới châm chước.
Nhưng trước hết phải cảm ơn diễn viên Hoà Tâm đã "ân huệ" cho mình một cái tát
khai tâm. Lúc đó tôi định thi vào lớp kịch nói nên cứ lân la đi hỏi kinh
nghiệm các đàn anh. Ông Hoà Tâm gợi ý bảo tôi thử diễn một cảnh khóc. Khóc thế
quái nào được!
Thấy mặt tôi cứ trơ ra, ông ấy thẳng tay cho một cái tát như trời giáng, giữa
ban ngày mà sao toé đầy trời! Thật ức đến ứa nước mắt. Ông ấy vỗ đùi, cười ha
hả: "Thấy chưa, khóc được rồi kia kìa. Chú mày hận tao quá nên mới khóc được
chứ gì? Đấy chính là vấn đề, khi nhập vai phải nghĩ mình ở trong hoàn cảnh ấy,
phải có nội tâm, thì diễn mới có hồn". Cái tôn chỉ ấy thực sự đã đeo đẳng tôi
suốt cuộc đời.
´ Bắt đầu nghiệp diễn bằng một cảnh khóc,
giờ lại chuyên về những cảnh cười, luật bù trừ?
- Không phải luật bù trừ đối với riêng cá nhân tôi, mà là quy
luật cung - cầu của xã hội. Khán giả bây giờ có xu hướng thích xem hài cho nhẹ
nhõm, vui vẻ; bởi cuộc sống, công việc, quan hệ tình cảm thời buổi này đã quá
nhiều nặng nề phức tạp. Có thể nói chính yêu cầu của thị trường đã "sản sinh"
ra nhiều diễn viên hài như bây giờ.
´ Nhưng số lượng nhiều không có nghĩa chất
lượng tốt?
- Đương nhiên!
´ Vậy xin bác bàn cho vài nhẽ.
- Tôi phải thừa nhận có những tiếng cười "thấp" đang nhan nhản
xuất hiện trước công chúng. Nói thẳng, là vì bản thân người viết kịch
bản, người thực hiện cũng chưa thật sâu sắc...
Nhưng cũng cần nhìn nhận một phần lớn của thị trường hài bây giờ như sản
phẩm thời sự báo chí, chứ không phải đòi hỏi sự sâu sắc uyên thâm, vừa thưởng
thức vừa suy ngẫm như những tác phẩm nghệ thuật. Hài hiện nay có những thứ cứ
"đến hẹn lại lên", tiêu biểu như Gặp nhau Cuối tuần. Người làm phải bám vào
các vấn đề thời sự, nên chỉ có thể tạo ra các yếu tố hài bằng các thủ pháp
cường độ, thậm xưng... Nên quả là có những tiếng cười nhạt nhẽo... Song, theo
tôi với những đóng góp tích cực của nó, người xem nên "rộng lòng" hơn khi xét
nét các chương trình hài.
´ Cứ diễn theo kiểu "thời sự" như thế, ông
có sợ "chất nghệ" trong con người mình nó "cùn" đi không?
- Không hề. Có những lúc tôi diễn tháng 30 ngày không nghỉ ngày nào, cả năm
diễn đến hơn 200 buổi; có quý tính trung bình ra ngày nào cũng phải đi khoảng
150km. Nhiều địa phương còn bắt diễn viên leo lên xe đạp đi lung tung để bà
con thấy mặt mới cho diễn, bởi sợ bầu sô quảng cáo láo rồi ôm tiền vé chạy
mất. Lăn lộn thế mà lên đến sàn diễn là như có lửa, diễn rất "bốc".
´ Xem ra "cụ" về hưu rồi mà vẫn "máu"!
- Gấp 5 lúc chưa cầm sổ! Già thế này mà vẫn còn được anh em,
khán giả yêu mến, âu cũng là cái lộc giời. Nhưng nói vui thì bảo ông già vêu
vao mà vẫn phải làm hùng hục, nghe chừng cũng thấy tự tội nghiệp bản thân.
´ Vậy tài sản lớn nhất của đời diễn của bác
là gì?
- Lòng yêu mến của khán giả! Nghĩa đen hẳn hoi nhá! Đi diễn
không bao giờ phải trả tiền trọ, ăn uống lúc nào cũng có người mời, qua đò qua
phà luôn được "đặc cách", đi nhầm vào đường ngược chiều cũng được "tha". Có
lần chẳng may người nhà lâm vào vòng lao lý, tôi vào trại giam thăm, ông quản
giáo còn bắt tay, mời uống bia, hồn nhiên phát biểu: "Hâm mộ bác từ lâu, may
quá người nhà bác bị tù nên mới gặp được nghệ sĩ", thật chẳng biết cười hay
mếu!