Việt Nam gia nhập Hiệp hội Sân khấu
Quốc tế:
Mở ra nhiều cơ hội mới
Thuỷ Lê
thực hiện
Như tin đã đưa, Đại hội Hiệp hội Sân khấu Quốc tế lần thứ 30 diễn ra từ
ngày 29.5 - 4.6 tại thành phố Tampico (Mexico) đã chính thức công nhận VN là
thành viên mới (cùng Ukraina và Armenia). Sáng 9.6, ngay sau khi trở về, 2 đại
biểu của đoàn VN là: NSND Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội Nghệ sỹ sân khấu VN và
ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện về chuyến
đi này với PV Báo Lao Động.
|
NSND Trọng Khôi (trái) và
ông Trương Nhuận tại đại hội. |
´ Đại hội Hiệp hội Sân khấu Quốc tế lần thứ 30 đã diễn
ra trong một khung cảnh thế nào, thưa ông?
NSND Trọng Khôi: Được thành lập cách đây 60 năm dưới sự bảo trợ của UNESCO,
Hiệp hội Sân khấu Quốc tế (viết tắt là ITI) tiến hành kỳ đại hội lần thứ 30
này với một quy mô lớn đặc biệt, thu hút 192 đại biểu đến từ 62 trên
tổng số 83 nước thuộc Hiệp hội tham dự (chưa kể 50 đại biểu của nước chủ nhà).
Điểm nhấn ấn tượng nhất trong đêm khai mạc là vở opera hoành tráng
"QuetzalcóAtl 2004" của nước chủ nhà với màn trình diễn của gần 200 nghệ sĩ...
Về phía khách, cũng có rất nhiều hoạt động hưởng ứng sôi động. Riêng đoàn VN,
do chịu khó mang theo nhiều "đặc sản" nên đã được ưu tiên một gian trưng bày
rộng gần gấp đôi các nước bạn. Ngoài các tranh ảnh, sách báo cùng các sách
song ngữ Anh - Việt, Pháp - Việt giới thiệu văn hoá, sân khấu VN, còn có các
mặt hàng lưu niệm được ưa chuộng của ta như: tranh Đông Hồ, mặt nạ tre, tượng
gỗ, đĩa sơn mài, đàn dân tộc, băng hình rối nước... Các sản phẩm này sau đó đã
được dùng làm quà cho nhiều đại biểu...
´ Tham luận của các đại biểu đã chủ yếu quan tâm đến những nội
dung gì?
ông Trương Nhuận: Có đến 3 buổi thảo luận đã được tổ chức, thông qua vai trò
"châm mồi" của 8/62 nước tham dự, xoay quanh chủ đề chính của đại hội. Đó là:
Huyền thoại và tín ngưỡng - những thách thức trong sáng tạo nghệ thuật của
thiên niên kỷ thứ 3. Ngoài ra, đại hội còn tiến hành 4 nhóm thảo luận khác
xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến sự sống còn của sân khấu như: Sáng tạo
kịch bản; đào tạo diễn viên, hướng dẫn thẩm mỹ cho công chúng; liên kết hợp
tác giữa các cộng đồng... Phụ hoạ cho các buổi tham luận này còn một hoạt động
bên lề rất ý nghĩa, đó là: Liên hoan sân khấu các trường nghệ thuật trên thế
giới với sự tham dự của 10 nước.
´ Liệu qua đại hội này, sân khấu VN ít hay nhiều, cũng đã được bạn
bè quốc tế biết đến?
NSND Trọng Khôi: Rất nhiều đại biểu nước bạn sau khi biết chúng tôi đến từ VN
đã nhắc ngay đến 2 từ "rối nước" với một thiện cảm đặc biệt. Bản thân ông
Manfried Beiharz (Đức) - người vừa tái cử ghế Chủ tịch Hiệp hội ITI nhiệm kỳ
2004 - 2006 khi giới thiệu 3 thành viên mới cũng đã dành nhiều lời ưu ái cho
VN. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tính lâu đời, hệ thống và phong phú
loại hình của sân khấu VN - điều không phải quốc gia nào cũng có được ngay cả
khi có nền kinh tế phát triển hơn...
´ Vấn đề khán giả liệu có là nỗi lo chung?
ông Trương Nhuận: Trong cuộc cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, thu
hút khán giả quả là điều luôn khiến các nhà làm sân khấu ở nhiều nước đau đầu.
Tuy nhiên, điều mà một số nước phát triển đã làm được là giành lấy được cho
mình một thị phần khán giả đáng kể, ổn định theo tính mùa vụ dưới hình thức
bán vé theo mùa (đặt vé từ 6 tháng - 1 năm trước đó), thông qua việc xây dựng
được một hệ thống kịch mục có tính chiến lược thì ở VN, may ra mới chỉ có sân
khấu IDECAF (TPHCM) là mới manh nha làm được.
´ Trở thành thành viên của ITI, VN từ nay sẽ có những quyền
lợi và nghĩa vụ gì?
NSND Trọng Khôi: Về nghĩa vụ, hàng năm, VN chỉ phải đóng một khoản tiền lệ phí
là 480 euro nhưng quyền lợi đáng kể nhất là được mời tham dự các kỳ đại
hội (tổ chức 2 năm/lần) của ITI - nơi quy tụ đông đảo giới làm
nghề khắp nơi trên thế giới; được tạo điều kiện tiếp xúc và tiếp cận các
thông tin tổng hợp từ nhiều nơi thông qua vai trò của ITI như liên hoan, hội
thảo quốc tế về sân khấu, lịch sử sân khấu của các nước thành viên... Điều này
lại càng có ý nghĩa khi tới đây, ý tưởng đề nghị thành lập Bảo tàng Sân khấu
VN của Hội NSSKVN mà được chấp thuận. Khi con đường tranh thủ sự giúp đỡ từ
các tổ chức phi chính phủ đang dần trở nên phổ biến và tất yếu đối với sự tồn
tại của nhiều nền sân khấu thì có thể nói, việc VN được gia nhập ITI thực sự
là một bước mở để VN thuận tiện hơn rất nhiều trên bước đường hội nhập.
- Xin cảm ơn hai ông.