Văn hoá Hà Lan.
Phỏng vấn nhà văn Cao Xuân Tứ.
Minh Nguyệt- ABC
Thưa quý thính giả, trong mục VQTG tuần này,
chúng ta sẽ tìm hiểu một số chi tiết thú vị liên quan đến ngôn ngữ, văn học,
triết học và hội hoạ của Hà Lan. Tuy chỉ là một nước nhỏ, diện tích chỉ hơn 1/8
diện tích Việt Nam và dân số khoảng 20 triệu, Hà Lan lại có nhiều đóng góp quan
trọng cho đời sống văn hoá của nhân loại.
Từ sau năm 1975 có khá nhiều người Việt Nam định cư tại Hà Lan. Tuy nhiên có lẽ
không ai có thẩm quyền để giới thiệu Hà Lan với chúng ta hơn là ông Cao Xuân Tứ,
một nhà văn, nhà thơ và là một dịch giả, người đã định cư ở Hà Lan từ hơn 30 năm
qua. Nhà văn Cao Xuân Tứ am tường về ngôn ngữ và văn hoá Hà Lan, do đó, những
câu trả lời phỏng vấn của ông hẳn sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức bổ
ích. Sau đây, mời quý thính giả theo dõi buổi phỏng vấn của MN với nhà văn Cao
Xuân Tứ.
MN: Trước hết, xin anh cho biết tiếng Hà Lan có những đặc điểm gì và có khó học
lắm không anh?
CXT: Tiếng Hà Lan thuộc về ngữ hệ Germanic cùng với tiếng Anh, tiếng Đức và
tiếng Friesland, là ngôn ngữ ở tỉnh miền bắc Hà Lan. Tiếng Hà Lan đa âm tiết,
khác với tiếng Việt là đơn âm tiết. Theo tôi, nếu đã biết tiếng Anh hoặc tiếng
Pháp thì học tiếng Hà Lan cũng chẳng khó khăn gì.
MN: Anh mới nói tới tiếng Friesland, đó có phải là một ngôn ngữ địa phương không
anh?
CXT: Vâng, Friesland là một ngôn ngữ địa phương, giống như ở Pháp, người ta có
tiếng ở đảo Corse. Tiếng này cũng hơi giống tiếng Hà Lan, chỉ có khác phần từ
vựng và cách phát âm mà thôi.
MN: Thưa anh, đó là nói về ngôn ngữ. Còn về nền văn học Hà Lan, anh có thể cho
biết văn học Hà Lan xuất hiện từ bao giờ và có những tác giả nào nổi tiếng nhất?
CXT: Văn chương viết bằng tiếng Hà Lan có từ thế kỷ thứ 12. Thoạt đầu thì chịu
ảnh hưởng của Pháp nhiều hơn Đức, chủ yếu là viết về truyện thần kỳ, truyện nặng
về vấn đề luân lý. Phải đợi đến thế kỷ 17, với sự hình thành của nền Cộng Hoà ở
đây thì mới xuất hiện những cây bút có tầm cỡ như Vondel, PC Hooft, Huygens,
v.v... Thế kỷ 19 có Multatuli, bút hiệu của Douwes Dekker, tác giả cuốn "Max
Havelaar", được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết chống chủ nghĩa thực dân
đầu tiên ở châu Âu. Tôi cũng mới vừa dịch xong cuốn sách này và hy vọng có thể
ra mắt độc giả ở Việt Nam trong năm nay. Thế kỷ 20 với hai cuộc đại chiến, nhất
là đại chiến thứ hai đã cho ra đời một số tác phẩm tả lại thời kỳ Hà Lan bị Đức
quốc xã chiếm đóng, tiêu biểu là cuốn "Nhật ký Anne Frank" (Tôi cũng đã dịch
cuốn này ra tiếng Việt và được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội in năm 2000). Văn
chương thế kỷ 20 cũng chịu ảnh hưởng các trường phái văn học ở Âu châu như phái
biểu hiện, phái siêu thực. Các tác giả hiện đại có tầm cỡ là Hermans, Nooteboom
hay Mullisch. Về thơ thì sau thế chiến thứ hai có phong trào làm thơ không vần,
tiêu biểu là Lucibert.
MN: Xin anh nói thêm một chút về cuốn "Nhật ký Anne Frank".
CXT: Cuốn "Nhật ký Anne Frank", chắc ở Việt Nam đã dịch ra mấy lần rồi. Tôi biết
có nhiều bản dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Anh. Lần này thì tôi dịch nguyên bản
tiếng Hà Lan, được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xuất bản năm 2000. Tôi được may
mắn ở cách "Nhà Anne Frank" ở Amsterdam có mấy trăm thước. Ai cũng biết Anne
Frank là một cô gái lớn lên trong thời chiến, phải trốn Đức quốc xã, ẩn núp
trong một ngôi nhà, về sau bị tố cáo, bị bắt, và chết ở trại tập trung. Trong
thời gian ẩn núp, ngày nào Anne Frank cũng cố gắng viết nhật ký. Sau này người
cha của cô cho in thành sách, gây tiếng vang khắp thế giới.
MN: Theo MN được biết thì Hà Lan có một số nhà tư tưởng lớn. Xin anh kể một vài
tên tuổi và tóm tắt tiểu sử cũng như tư tưởng của họ.
CXT: Nói đến các nhà tư tưởng ở Hà Lan, trước tiên phải kể đến Erasmus, tiếng
Pháp gọi là Erasme. Ông này sống vào thời Phục Hưng, thế kỷ 17, thường được xem
như một trong những người đứng đầu chủ nghĩa nhân bản, đề cao hoà bình. Về tôn
giáo thì Erasmus chống lại các giáo điều khắt khe của Cơ Đốc Giáo, đề nghị tách
riêng Nhà Thờ và chính quyền. Đây là manh nha cho việc cải cách của Luther về
sau này.
Một nhà tư tưởng khác cũng rất nổi tiếng và gây ấn tượng là Spinoza. Spinoza gốc
Do Thái, di cư từ Bồ Đào Nha sang Hà Lan vào thế kỷ 17. Tác phẩm chính của
Spinoza là cuốn "Ethics" (Đạo đức học). Spinoza phản bác các hình thức tôn giáo
ước lệ của cả Do Thái Giáo lẫn Thiên Chúa Giáo. Ông chủ trương chỉ tin vào một
thượng đế độc nhất mà thôi. Ông cũng là người trọng chủ nghĩa duy lý của
Descartes. Nhân tiện, cũng xin nhắc là Descartes có thời gian sống lưu vong tại
Hà Lan, khi bầu không khí chính trị và tôn giáo ở Pháp trở nên ngột ngạt vào thế
kỷ 17.
MN: Thưa anh, bây giờ chúng ta chuyển sang lãnh vực hội họa. Theo anh thì nền
hội họa Hà Lan có những đặc điểm gì và những ai được xem là tài hoa nhất?
CXT: So với văn học thì hội họa Hà Lan được thế giới biết nhiều hơn. Hội họa Hà
Lan phát triển mạnh nhất vào thế kỷ 17, cũng là thời kỳ hoàng kim của Hà Lan.
Vào thế kỷ này, những tên tuổi lẫy lừng có thể kể như sau: Frans Hals,
Rembrandt, Vermeer. Hals và Rembrandt nổi tiếng về vẽ chân dung; Vermeer chuyên
vẽ về cuộc sống thường nhật. Ngoài ra còn có Jan Steens, vẽ về những đề tài hài
hước. Thế kỷ 18 không thấy có cây cọ nào nổi tiếng. Thế kỷ 19 thì có Van Gogh là
họa sĩ nổi trội nhất, ai cũng biết. Thế kỷ 20 theo phái lập thể và trừu tượng
thì có Mondriaan, hay De Koning, ông này về sau rất nổi tiếng và thành công ở
New York.
Đặc trưng nổi bật của hội họa Hà Lan vào thời kỳ hoàng kim là cách kết hợp những
gam màu sáng tối vào tranh, tạo ra vẻ sinh động cho nhân vật trong tranh. Một
đặc điểm khác là hoạ sĩ không những chú trọng đến nhân vật mà còn để ý đến những
chi tiết về bối cảnh, nghĩa là những chi tiết nền của bức tranh.
MN: Xin anh cho biết thêm về hoạ sĩ Rembrandt.
CXT: Rembrandt van Rijn sinh năm 1606 ở Leiden, mất ở Amsterdam. Ông không chịu
học nghề mà theo hội họa, được xem là họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng nhất ở Âu
châu vào thế kỷ 17. Ông vẽ cả ngàn tác phẩm đủ loại, gồm sơn dầu, tranh khắc
bản, vẽ bút chì. Nổi tiếng nhất là bức tranh "Nacht Wacht" (Phiên gác đêm) và
một bức tranh khác là "Bài học phẫu thuật". Các bức tranh nổi tiếng khác là "Cô
dâu người Do Thái" và rất nhiều bức chân dung tự họa. Về đời sống riêng thì
Rembrandt khá dư dật, ông được giới giàu có đặt vẽ chân dung với giá cao, khác
xa với Van Gogh, một họa sĩ nổi tiếng khác của Hà Lan sống sau ông hai thế kỷ.
Nhưng cuối đời thì Rembrandt sống rất vất vả, vì vợ con ông mất sớm và cũng vì
ông không quản lý chu đáo gia sản của mình. Hiện nay ngôi nhà của ông ở
Amtersdam được tái tạo thành một bảo tàng viện.
Nhắc đến Rembrandt tôi cũng xin nói đến Van Gogh, một họa sĩ lừng danh khác,
sống sau Rembrandt 200 năm. Van Gogh cả đời không bán được bức tranh nào nhưng
100 năm sau khi ông mất có nhiều bức tranh của Van Gogh bán được cả hàng chục
triệu đô-la. Van Gogh vẽ theo phái ấn tượng, sau này thiên về biểu hiện, cá tính
nổi bật với màu sắc rất rực rỡ. Tôi nói vậy nhưng chắc hẳn "trăm nghe không bằng
một thấy". Nếu có dịp xin nhìn tận mắt những bức tranh này thì không có gì hơn.
MN: Thưa quý thính giả, mục Vòng Quanh Thế Giới đến đây xin tạm dừng. MN xin
kính chào tạm biệt và mời quý thính giả theo dõi phần 2 của buổi phỏng vấn vào
kỳ tới.
Hà Lan:
Những Hình Ảnh Tiêu Biểu
(Phỏng Vấn Nhà Văn Cao Xuân Tứ)
Producer: Minh
Nguyệt- ABC
Thưa quý thính giả,
nói đến nước Hà Lan, chúng ta hay nghĩ đến một vùng đất thấp, đến những nỗ
lực chống lũ lụt kiên cường và đầy sáng tạo, trong đó nổi bật nhất là những
đập nước vĩ đại, được xem như một thứ Vạn Lý trường thành trong xã hội Tây
phương. Chúng ta cũng hay nghĩ đến một xã hội vừa rất tiến bộ về phương diện
khoa học kỹ thuật vừa giữ được nếp sống chan hoà với thiên nhiên, vừa rất
hiện đại nhưng lại vừa rất truyền thống. Tuy nhiên, trên đất nước Hà Lan còn
có nhiều hình ảnh khác quan trọng không kém. Trong mục Vòng Quanh Thế Giới
tuần này, mời quý thính giả theo dõi phần 2 buổi phỏng vấn của Minh Nguyệt
với nhà văn Cao Xuân Tứ, trong đó nhà văn Cao Xuân Tứ sẽ cho chúng ta biết
một số nét tóm tắt nhưng thú vị trong đời sống xã hội, con người và cảnh sắc
Hà Lan.
Minh Nguyệt: Thưa anh, nói đến Hà Lan thì có ba hình ảnh gắn liền với quốc
gia này là hoa tulip, cối xay gió và pho mát. Trước hết, xin anh cho biết
cối xay gió xuất hiện ở Hà Lan từ lúc nào và được dùng để làm gì?
Cao Xuân Tứ: Cối xay gió ở Hà Lan xuất hiện vào khoảng thế kỷ 12, thoạt tiên
có công dụng tháo nước từ những vùng đất trũng. Như chúng ta biết, dân Hà
Lan phải đương đầu với hai yếu tố của thiên nhiên là gió và nước. Nằm ở cạnh
Bắc Hải, Hà Lan thường xuyên bị đe dọa bởi những cơn bão từ biển thổi vào.
Đê điều được đắp lên để ngăn bão lụt nhưng còn phải tháo nước từ những vùng
đất trũng để kiếm đất đai trồng trọt, sinh nhai. Cối xay gió còn dùng trong
công nghệ để xay ngũ cốc như ngô, tiêu, v.v... Nó còn dùng vào việc xẻ gỗ để
đóng tàu, xây nhà. Vào thế kỷ 19, có khoảng 9000 cối xay ở Hà Lan. Ngày nay,
cối xay gió được xem như những di tích lịch sử. Riêng vùng Kinderdijk, cách
Amsterdam nửa giờ ô-tô, vẫn còn hàng chục cối xay gió. Đó cũng là điểm thu
hút khách du lịch từ khắp thế giới đổ về đây xem.
MN: Bên cạnh cối xay gió, một hình ảnh khác cũng gắn liền với nước Hà Lan là
hoa tulip. Anh có thể cho biết hoa tulip được du nhập vào Hà Lan từ bao giờ
và tại sao người Hà Lan lại ưa thích loại hoa này?
CXT: Hoa tulip, theo tôi biết, có nguồn gốc ở thung lũng Thiên Sơn ở Trung Á,
du nhập vào Trung Đông qua các thương nhân. Vào thế kỷ 12, có nhà thơ Ba Tư
là Omar Khayyam tả hoa tulip là vẻ đẹp lý tưởng và rất được vua chúa ở đế
quốc Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ ưa chuộng. Thế kỷ 16, hoa tulip được du nhập sang
Âu châu. Vì là giống hoa quý hiếm, thời bấy giờ khó trồng, cung thì ít mà
cầu thì nhiều nên giá nhảy vọt. Nó là món hàng xa xỉ trên thị trường, rất
được giới giàu có, thượng lưu ở Hà Lan ưa thích. Vì vậy thị trường bán củ
hoa đã ra đời và quả là có một cơn sốt tulip vào thời điểm 1634-1637 ở Hà
Lan: giá cả những thứ tulip quý nhất tăng vùn vụt, có thứ lên đến 10 ngàn
guilder thời đấy, trong khi đó, cùng một thời điểm, bức tranh "Night Watch"
(Phiên gác đêm) của Rembrandt bán được 1600 guilder. Thiên hạ đua nhau trồng
tulip. Kẻ tầm thường cung cấp cho giới quý tộc, hy vọng thành giàu to.
Thương nhân nhiều tiền mua tulip thưởng ngoạn, khoe giàu. Nhưng khi quá
nhiều người bán mà số người mua thì vẫn thế, chẳng mấy lúc bong bóng phải nổ,
đùng một cái, giá tụt xuống thê thảm. Thế là phá giá thị trường tulip.
MN: Thưa anh, hình ảnh thứ ba gắn liền với đất nước Hà Lan là pho mát. Không
biết pho mát Hà Lan có những hiệu nào nổi tiếng vậy anh?
CXT: Hà Lan quả là nước xuất khẩu pho mát lớn nhất thế giới. Có hai loại pho
mát chính: pho mát Gouda và pho mát Edam. Pho mát Gouda làm từ sữa bò. Có
hai thứ Gouda: Gouda non và Gouda già: non thì màu vàng nhạt, vị giống bơ,
thường cắt thành lát còn Gouda già thì cứng, khô, màu vàng, vị ít béo,
thường được bán từng khối lớn, nặng 1, 2 kí-lô. Pho mát chính thứ hai là pho
mát Edam. Pho mát này có ít chất béo hơn, bán theo từng bánh tròn, nặng vài
kí-lô. Ở thành phố Alkmaar, mỗi thứ Năm có cuộc bán đấu giá pho mát loại này,
lôi cuốn rất nhiều khách du lịch đến xem. Còn một loại pho mát nữa là
Leerdam, đặc biệt có nhiều lỗ. Tôi cũng phải kể thêm loại pho mát làm từ sữa
dê, màu trắng, mùi khá nặng.
MN: Minh Nguyệt nghe nói Hà Lan là một trong những nước có hệ thống an sinh
xã hội thuộc loại rất tốt. Điều đó có đúng không anh?
CXT: Cho đến thời gian gần đây, hệ thống an sinh xã hội ở Hà Lan được đóng
góp bởi nguồn tài trợ từ dân chúng và thuế thu của nhà nước. Phí tổn về an
sinh xã hội ở đây ước tính vào khoảng 30% tổn sản lượng quốc gia. Mọi người
dân được bảo hiểm về y tế những khi đau ốm, được trợ cấp những khi không có
việc làm, gặp cảnh tàn phế, v.v...; đến 65 tuổi thì được hưu bổng, bất cứ
giàu nghèo. Nhưng mấy năm gần đây, xu hướng ở Hà Lan cũng như các nước khác
ở Tây Âu là đẩy dần trách nhiệm an sinh xã hội từ phía nhà nước cho công dân
vì gánh nặng về phía nhà nước đã lên quá cao, khó bề kham nổi trong tương
lai. Thêm nữa là tình trạng lão hoá trong dân chúng: số người làm việc thì
ít mà số người nghỉ hưu thì nhiều vì tuổi thọ trung bình ở đây rất cao, trên
dưới 80. Vì thế đã có vấn đề xét lại về mặt an sinh xã hội ở Hà Lan.
MN: Anh định cư ở Hà Lan đã lâu. Theo anh nhận xét thì con người Hà Lan có
những điểm gì đặc biệt và anh có những kỷ niệm gì khi tiếp xúc với họ không,
thưa anh?
CXT: Theo tôi, người Hà Lan là dân một nước nhỏ có truyền thống hàng hải,
giao thương với thế giới bên ngoài và có nhiều quan hệ với thuộc địa cũ, vì
thế dân Hà Lan có tính hướng ngoại. Trong giao tế thường nhật nói chung,
theo kinh nghiệm của tôi, họ tỏ ra rất thân thiện, cởi mở. Tính tình người
Hà Lan thực tế nhưng lại rất rộng rãi những khi quyên góp cứu trợ xã hội,
những lúc có tai hoạ xảy ra trên thế giới. Vì xã hội Hà Lan là xã hội đa văn
hoá, có tính mở, ngay như ở thành phố Amsterdam mà tôi ở cũng có đến hơn một
nửa là dân ở ngoài nhập cư vào. Như thế chúng ta cũng thấy rõ tính cách đa
văn hoá, cởi mở của dân Hà Lan.
MN: Xin anh cho biết một số thành phố và điểm du lịch mà anh thấy cần giới
thiệu cho thính giả ở Việt Nam.
CXT: Theo quan điểm chủ quan của tôi, ở Hà Lan, cung điện, lâu đài không
nguy nga như ở Pháp hay ở Anh. Amsterdam là thành phố rất thơ mộng, chằng
chịt kinh lạch, hàng cây dẻ xanh mát vào mùa xuân và mùa hè. Đây là nơi tôi
sống lâu năm và tôi rất thích. Tiếc là lâu nay thời tiết không đủ lạnh để
cho kênh đào đóng thành băng, làm nơi trượt patin cho dân chúng. Ở Amsterdam
có khu gọi là Khu Đèn Đỏ, nơi chị em làm ăn tấp nập, được thừa nhận là hợp
pháp.
Một thành phố khác là Rotterdam, đây là hải cảng lớn nhất thế giới cũng đáng
xem. Các thành phố như Den Haag (The Hague), Maastricht, Groningen, Utrecht,
mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Nếu muốn nhìn cảnh trời nước thì có thể đi về
tỉnh Zeeland ở miền nam ngắm nhìn những con đê trị thuỷ khổng lồ. Tất cả tuỳ
thuộc vào thời gian và sở thích của du khách. Ngay ở Amsterdam có thể đến
thăm Marken, một làng đánh cá tiêu biểu, nơi người dân còn mặc áo quần theo
lối cổ truyền, hoặc là đi xem đập Afsluitjdijk, dịch ra tiếng Việt có nghĩa
là "đập ngăn biển", dài 30 cây số, nối tỉnh Noord Holland (Bắc Hà Lan) và
tỉnh Friesland. Ngoài ra còn có thể đi xem những khu cối xay mà tôi đã nói ở
trên hay là đi xem một vài bãi biển ở Bắc Hải, như ở Zaandvoort,
Scheveningen.
MN: Thưa quý thính giả, mục VQTG đến đây xin tạm dừng. MN xin cám ơn nhà văn
Cao Xuân Tứ và hẹn gặp lại quý thính giả vào kỳ tới.