vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
thơ |
|
Diễm Châu dịch
CUỘC DI CƯ CỦA CÁC NHÀ THƠ
Homère không có nơi ở
Và Dante phải lìa bỏ nơi ở của mình.
Lý Bạch và Đỗ Phủ phải phiêu bạt qua nhựng cuộc nội chiến
Từng sát hại 30 triệu người
Euripides bị người ta hăm dọa lôi ra tòa
Và khi Shakespeare gần chết, người ta bịt miệng ông lại
Tìm kiếm François Villon không phải chỉ có nàng Thơ
Mà còn cả công an nữa.
Được gán cho danh hiệu «người được ái mộ»,
Lucretia bước vào chốn lưu đày,
Heine cũng thế, và cũng như thế
Dưới một mái tranh Đan-mạch, Brecht ẩn thân.
NHỮNG Ý NGHĨ VỀ THỜI HẠN CỦA LƯU ĐÀY
I
Đừng đóng đinh trên tường
Hãy ném chiếc áo vét lên ghế!
Tại sao lại dự phòng tới bốn ngày?
Ngày mai mi trở lại.
Mặc cái cây con thiếu nước!
Trồng thêm một cây nữa làm gì?
Trước khi nó cao bằng một bậc cửa
Mi đã vui vẻ đi khỏi đây.
Hãy kéo cái nón kết xuống trước mặt khi thiên hạ đi qua!
Lật giở một cuốn văn phạm nước ngoài để làm gì?
Cái tin nhắc mi nhớ
Viết bằng một thứ tiếng mà mi biết rõ.
Như nước vôi tróc ra từ sà nhà
(Đừng làm gì để chận lại!)
Rồi sẽ mục nát hàng rào bạo lực
Dựng lên ở biên giới
Chống lại công lý.
II
Hãy nhìn chiếc đinh trên tường mà mi đã đóng:
Khi nào thời, mi nghĩ, mi sẽ trở lại?
Mi có muốn biết mi nghĩ gì trong thâm sâu?
Ngày lại ngày
Mi lao lực cho giải thoát
Ngồi trong buồng, mi viết.
Mi có biết mi nghĩ gì về công việc của mi?
Hãy nhìn cây hạt dẻ nho nhỏ ở góc sân
Nơi mi đã lết tới một bình đầy nước.
JAROSLAV SEIFERT
Diễm Châu dịch
BÀI CA
Hãy vẫy một chiếc khăn tay trắng
chiếc khăn nói giã từ;
mỗi ngày đều có một điều gì đó chấm dứt
chấm dứt một điều gì đó tuyệt vời.
Con bồ câu đưa tin đập cánh vào khoảng không,
trên đường về;
trông đợi hay tuyệt vọng,
chúng ta bao giờ cũng trở lại.
Hãy chùi nước mắt em
và cười lên đôi chút bằng đôi mắt;
mỗi ngày đều có một điều gì đó khởi sự
khởi sự một điều gì đó tuyệt vời.
THÀNH PHỐ TỘI LỖI
Thành phố của các nhà chế tạo, những người giàu có, những võ sĩ ác
độc,
thành phố của các nhà phát minh, những kỹ sư,
thành phố của những ông tướng, những thi sĩ yêu nước,
với những tội lỗi tối đen đã vượt mức thịnh nộ của Trời
và Thượng đế nổi giận;
cả trăm lần ngài đã hứa hẹn với thành phố này
cuộc báo cừu của ngài, một trận mưa diêm sinh, lửa
và những tiếng ầm ầm của sấm sét
cả trăm lần ngài đã tha thứ cho nó
là vì ngài nhớ tới một ngày nọ đã nói
sẽ tha cho thành phố vì hai kẻ công chính,
và với Thượng đế thì hứa hão không phải là chuyện dễ:
lúc đó có hai kẻ yêu nhau đang bước vào một vườn cây ăn trái mùa xuân,
hít thở đầy hai buồng phổi mùi những bụi sơn-tra phớt hồng đương hoa.
Ghi chú của dịch giả: BERTOLT BRECHT (1898-1956), nhà thơ và kịch tác gia Đức, sinh tại Augsburg ngày 10. 2. 1898. Năm 1918, trở thành lính Quân y. Năm 1922, vở Tiếng trống trong đêm của ông đoạt giải Kleist. Năm 1933, di cư qua Tiệp-khắc, Thụy-sĩ, Pháp, Đan-mạch, Thụy-điền, Phần-lan, Nga để tới Hoa-kỳ (1941). Năm 1947, từ Hoa-kỳ trở về Zurich. Năm 1948, trở về Berlin. Mất tại Berlin ngày 14.8.1956. Ngay đối với những kẻ không ưa con người «cộng sản» nơi ông, thơ Bertolt Brecht vẫn được coi như tuyệt diệu.
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
JAROSLAV SEIFERT (1901-1986) sinh trưởng trong
một gia đình nghèo tại một khu phố bình dân của Pra-ha. Học hành dang dở,
thời trẻ mưu sinh bằng nghề viết báo. Hoạt động văn nghệ trong nhóm
“Devetsil”, chịu ảnh hưởng các nhà thơ siêu thực hồi đầu thế kỷ XX.
Rời đảng Cộng sản Tiệp từ năm 1929; từ đấy bị gạt khỏi sinh hoạt văn nghệ
chính thống, tuy vẫn có sách in trong nước – dù bị kiểm duyệt, vì là một
nhà thơ được quần chúng rất yêu mến.
Năm 1956, đọc diễn văn yêu cầu phóng thích các chính trị phạm trong nước ;
năm 1968, với tư cách Chủ tịch Hội nhà văn, mãnh liệt chống đối việc “bình
thường hóa”; năm 1977, ký tên trong Hiến chương 77. Nhiều tác phẩm phải in
ở nước ngoài... và lưu hành trong nước theo hình thức
samizdat. Đối với nhiều người trên thế giới, Jaroslav Seifert là
một thi sĩ của tình yêu, của tự trọng, của đông đảo quần chúng, đem lại
“vinh dự làm người” cho các thi sĩ phải sống dưới chế độ tôi đòi...
Tập thơ áp chót của Jaroslav Seifert là Cây dù ở Piccadilly, viết vào năm
1978, không kể tập “Hồi ký” viết một năm sau đó. Tập thơ cuối cùng của
ông: Býti básnikem (Là thi sĩ) in năm 1983. Mùa
Thu 1984, ông được tặng giải Nobel Văn chương.
Hai bài trên dịch từ bản Pháp văn của Petr Král và Jan Rubeš trong
Jaroslav Seifert, Les danseuses passaient près d’ici
(Actes Sud, 1987).
|
|
thi ca |
|