vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  thi ca



 

 

 

 Chùm thơ WISŁAWA SZYMBORSKA
Diễm Châu dịch
*****

 

     VIỆT NAM

 
Này mụ, mụ tên chi? – Tui nỏ biết.
Mụ sanh năm nào, mụ từ đâu tới? – Tui nỏ biết.
Tại sao mụ lại đào hầm dưới đất? – Tui nỏ biết.
Mụ trốn ở đây bao lâu rồi? – Tui nỏ biết.
Tại sao mụ lại bội nghịch với kẻ tới giúp đỡ? – Tui nỏ biết.
Mụ lại không biết rằng chúng ta chẳng có ý làm hại mụ sao? – Tui nỏ
biết.
Mụ theo bên nào? – Tui nỏ biết.
Đang lúc chiến tranh mụ phải chọn lựa chứ? – Tui nỏ biết.
Thế làng mụ có còn không? – Tui nỏ biết.
Xấp nhỏ này là con mụ? – Già.
 
                                                        1967
--------------------------------
* «Tui nỏ biết»: Tôi không biết. «Già»: Phải. (người dịch)

 

                 NHỮNG CHỌN LỰA
 
Tôi ưa xi-nê.
Tôi ưa mèo.
Tôi ưa những cây sồi bên dòng Warta.
Tôi ưa Dickens hơn Dostoyevski.
Tôi ưa tôi yêu người
hơn là tôi yêu nhân loại.
Tôi ưa có kim chỉ kề bên.
Tôi ưa màu xanh tươi.
Tôi ưa mình không nói
rằng lý trí chịu trách nhiệm về mọi sự.
Tôi ưa những ngoại lệ.
Tôi ưa ra đi sớm.
Tôi ưa chuyện gẫu với các bác sĩ về những chuyện nhỏ nhặt.
Tôi ưa những tấm hình minh họa cũ kỹ đã nhạt màu.
Tôi ưa mình kỳ cục hí hoáy viết những bài thơ
hơn là mình kỳ cục mà không viết gì hết.
Tôi ưa những ngày kỷ niệm dễ thương
những ngày kỷ niệm mừng hết mọi ngày.
Tôi ưa các nhà đạo đức
không hứa hẹn gì hết với tôi.
Tôi ưa sự tử tế vén khéo hơn là những trò tạp lục ngây ngô.
Tôi ưa trái đất này không có những bộ đồng phục.
Tôi ưa những dân tộc bị đánh bại hơn là những dân tộc đánh bại người ta.
Tôi ưa giữ chỗ trước.
Tôi ưa chốn địa ngục của hỗn loạn hơn là cảnh địa ngục của trật tự.
Tôi ưa truyện cổ của Grimm hơn là những hàng tựa nhật trình.
Tôi ưa những chiếc lá không hoa hơn là những bông hoa không lá.
Tôi ưa những con chó có đuôi không tỉa tót.
Tôi ưa những đôi mắt sáng vì mắt tôi màu sậm
Tôi ưa những ngăn kéo.
Tôi ưa nhiều điều không kể tới ở đây
hơn nhiều điều khác cũng không được kể tới.
Tôi ưa những con số 0 ở rải rác thật tình cờ
hơn là những con số 0 sắp ngay ngắn thành hàng
Tôi ưa một thời của ruồi nhặng hơn một thời của các vì sao.
Tôi ưa chạm tới gỗ.
Tôi ưa mình không hỏi còn bao lâu nữa và khi nào.
Tôi ưa suy xét về khả năng lựa chọn
rằng có nhiều cách sống.

 

 
                        TRA TẤN
 
Chả có gì thay đổi.
Một thân xác cảm thấy đau đớn,
nó phải ăn phải ngủ và hít thở khí trời,
nó có da mỏng với máu ở bên dưới,
nó có một số đáng kể những đầu móng và răng,
xương nó dễ gãy, những chỗ nối hoàn toàn gập lại được.
Tất cả những điều này đều có ý nghĩa khi tra tấn.
 
Chả có gì thay đổi.
Một thân xác đau đớn như đã từng đau đớn
trước và sau khi thành lập thành La-mã,
vào thế kỷ hai mươi trước và sau Đức chúa Ki-tô.
Tra tấn lúc nào cũng vậy, chỉ có thế giới là co rút và
hết mọi sự đang xẩy ra bao giờ cũng có ở nơi khác.
 
Chả có gì thay đổi.
Chỉ có thêm người ta,
những trò xúc phạm mới cộng thêm với những trò cũ,
có thật, được coi như có thật, tạm thời và không hiện hữu
thế nhưng tiếng la thét một thân xác đáp trả
đã, đang và sẽ thật vô tình
ở cùng một âm giai, ở cùng một khóa cũ kỹ.
 
Chả có gì thay đổi.
Có chăng là phong tục, lễ nghi, điệu vũ,
chứ cái động tác che đầu thời vẫn thế.
Một thân xác co rúm, vặn vẹo, vùng vẫy
sập xuống và oằn lại khi can trường bị hạ gục,
đen lại, phình lên, phun đờm rãi và ộc máu.
 
Chả có gì thay đổi.
Ngoại trừ hình thù của các biên giới,
đường phân ranh rừng rú, bờ biển, sa mạc, đảo băng.
Trầm tư trong những quang cảnh như thế,
linh hồn tới rồi đi, chấp chới gần rồi xa,
một kẻ lạ mặt với chính bản thân, không thể hiểu rõ được,
có lẽ cũng chẳng chắc chắn về sự hiện hữu của mình nữa,
trong lúc thân xác vẫn có đó, có đó, có đó
và không biết đi đâu.
 
                                                        1986

 

                    THẾ KỶ TÀN

 
Thế kỷ XX của chúng ta lẽ ra đã phải khá hơn là những thế kỷ khác.
Điều ấy nó sẽ không còn thời gian để chứng tỏ,
những năm tháng của nó chẳng còn được bao nhiêu,
bước chân nó lảo đảo
hơi thở nó ngắn.
 
Đã xẩy ra quá nhiều chuyện
chẳng bao giờ nên xẩy ra
và những gì lẽ ra phải tới
đã chẳng hề tới.
 
Lẽ ra ta đã phải tiến tới mùa Xuân
và hạnh phúc, giữa những điều khác.
 
Lo sợ lẽ ra đã phải rời bỏ mọi miền núi non và thung lũng.
Sự thật mau hơn là dối trá
lẽ ra đã phải chạy tới đích.
 
Một số điều bất hạnh lẽ ra không được xẩy tới nữa
chẳng hạn chiến tranh
và đói khát, và kế tiếp là những điều tương tự.
 
Lẽ ra người ta rốt cuộc đã phải tôn trọng
sự dễ bị tổn thương của những kẻ không đủ tự vệ,
sự tin cẩn, vân vân.
 
Kẻ từng muốn vui hưởng thế giới
lúc này đứng trước một trách vụ
không thể nào thực hiện.
Chuyện rồ dại thật là đáng chán.
Sự khôn ngoan chẳng có gì vui.
 
Niềm trông đợi
chẳng còn là người thiếu nữ nọ
và vân vân và vân vân, thật không may.
 
Lẽ ra Thượng đế rốt cuộc đã phải tin ở con người
tốt lành và mạnh mẽ,
nhưng tốt lành và mạnh mẽ
vẫn mãi mãi là hai kẻ khác nhau.
 
Làm sao sống – có ai đó đã hỏi tôi trong một lá thư,
ai đó mà tôi cũng đã toan hỏi
cùng một câu ấy.
 
Lại một lần nữa và như vẫn thế,
như người ta có thể thấy trên đây,
không có những câu hỏi nào khẩn thiết hơn
là những câu hỏi thật ngây ngô.
 
                                                        1986

 

Ghi chú của người dịch:

WISŁAWA SZYMBORSKA sinh ngày 2.7.1923 tại Kórnik trong vùng Poznan (ở phía tây Ba-lan). Năm 1931 cùng cha mẹ tới Cracovie, và năm 1945 theo học văn chương Ba-lan và xã hội học tại đại học Jagelone, Cracovie. Tập thơ đầu tiên của bà được xuất bản năm 1952. Năm 1953, bà trở thành người biên tập thi ca cho tuần báo Đời sống văn chương ở Cracovie.Từ 1952 tới 1986, đã cho in chín tập thơ và một tập tùy bút (1963). Thi phẩm gần nhất của bà mang tựa đề Chấm dứt và bắt đầu (1993). Thơ của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Đức, Nga, Tiệp, Hung, Hòa-lan... Bà đã được tặng giải thưởng Goethe của thành phố Frankfurt ngày 28. 8. 1991 rồi giải Herder của Áo và đến tháng Mười 1996, giải Nobel Văn chương.

 
Một số tác phẩm của Wisława Szymborska:

Thơ: Dlatego zyjemy (Chúng tôi sống vì thế đó, 1952); Pytania zadawane sobie (Những câu hỏi đặt ra cho bản thân, 1954); Wolanie do Yeti (Lời kêu gọi Người rừng, 1957); Sól (Muối, 1962); Sto pociech (Một trăm niềm vui, 1967); Wszelki wypadek (Hoàn toàn tình cờ, 1972); Wielka liczba (Một số lớn, 1976); Ludzie na Moscie (Những người ở trên cầu, 1986); Koniec i Poczatek (Chấm dứt và bắt đầu, 1993),... Tùy bút văn nghệ: Bài đọc nhiệm ý (1973). Ngoài ra, còn có một số tuyển tập thi ca như: Wiersze Wybrane (1964), Poezje Wybrane (1967), Poezje (1970)... và một số bản dịch thơ baroque Pháp.

 

Bản dịch dựa theo các bản Anh văn của Czesław Miłosz, Magnus J. Krynski & Robert A. Maguire, Susan Bassnett & Piotr Kuhiwczak, Adam Czerniawski, Stanislaw Baranczak & Clara Cavanagh; và các bản Pháp văn của Jacques Donguy & Michel Maslowski, Isabelle Macor-Filarska, và của Tuyển tập Thơ Ba-lan do Constantin Jelinski biên tập. Xin xem thêm Hoàng Ngọc Biên, Thơ mới Ba-lan, Tường trình từ một thành phố bị bao vây (Trình Bầy, Salt Lake City, USA, 1993).

 

                         Tiền Vệ : www-tienve.org

 

   

 

 

 thi ca


 



thi sĩ
 

 
  59
-
  Chùm thơ Mưa.                                                                                                                           Nhiều tác giả 
  60-   Chùm thơ                                                                                                                                    Trần Mộng Tú 
  61-   Chùm thơ                                                                                                                                     Đoàn Văn Cừ 
  62-   Chùm thơ                                                                                                                              Nguyễn Vĩnh Tiến 
  63-  
Chùm thơ WISŁAWA SZYMBORSKA.                                                                               Diễm Châu dịch 
  64-  
Kịch Thơ - Thành Taberd.                                                                                                            Bùi C Vinh

vhvt 11
Trang bìa chính